Nhiều người cho rằng hôn nhân đồng giới sẽ tạo ra nhiều hệ lụy, ví dụ như đa hôn và kết hôn cận huyết. Vậy những điều đó là đúng hay sai?

'Hôn nhân đồng giới không dẫn đến đa hôn và hôn nhân cận huyết'

Một Thế Giới | 30/06/2015, 19:14

Nhiều người cho rằng hôn nhân đồng giới sẽ tạo ra nhiều hệ lụy, ví dụ như đa hôn và kết hôn cận huyết. Vậy những điều đó là đúng hay sai?

Hôn nhân cùng giới có dẫn tới hôn nhân cận huyết, đa hôn?
Không phải từ mới đây mới có ý kiến phản ứng lại việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới bằng lý lẽ hôn nhân cùng giới sẽ dẫn tới hôn nhân nhiều vợ nhiều chồng, cận huyết, kết hôn với trẻ em, đồ vật hay động vật.  Từ năm 2012 khi tham gia vận động cho Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, tôi đã trả lời nhiều lần cho câu hỏi về những “viễn cảnh" hệ lụy của hôn nhân cùng giới như vậy. Đây là một câu hỏi khó, sẽ không thể lấy lý lẽ “yêu là yêu” ra để giải thích vì sẽ là "gậy ông đập lưng ông." Nhưng nó cũng là một câu hỏi pháp lý đầy thú vị.
Và tin vui là, các nhà khoa học xã hội và pháp lý đã mổ xẻ và tìm ra câu trả lời cho nó!
Hon nhan dong gioi, LGBT
Trước hết, hôn nhân là một dạng giao dịch dân sự, và điều kiện của nó là các bên phải trưởng thành và tự nguyên. Hôn nhân với đồ vật, động vật hay thậm chí với trẻ em không đáp ứng điều kiện này. Bạn không thể kết hôn với một “thứ” không có đầy đủ nhận thức và khả năng thể hiện sự tự nguyện để kết đôi với bạn.
Một blogger mới có video phân tích rằng những lập luận để ủng hộ cho hôn nhân cùng giới cũng là lập luận bảo vệ cho đa hôn và cận huyết. Liệu có đúng như vậy?
Không có logic nào đủ hợp lý chứng minh hôn nhân cùng giới sẽ dẫn tới đa hôn hay cận huyết. Những quốc gia đã hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới, người ta không thấy sự gia tăng nhu cầu đa hôn hay cận huyết. Ngược lại, đa hôn vẫn còn tồn tại hợp pháp nhiều nơi trên thế giới, và lại đều là những nước cấm đoán, thậm chí hình sự hóa quan hệ đồng tính.
Hon nhan dong gioi, LGBT
Hôn nhân cùng giới vẫn dựa trên nền tảng tương tự hôn nhân khác giới là cấu trúc kết đôi hai người (nhị hợp). Hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới là bỏ đi sự giới hạn về giới tính, chứ không phải bỏ đi sự giới hạn về số lượng phối ngẫu. Nếu có ai nói rằng “Nhưng năm người chúng tôi cũng yêu nhau lắm như hai người cùng giới kia, sao lại cấm chúng tôi kết hôn”, thì hãy thử hỏi “Cuối cùng thì tại sao hai người khác giới lại có quyền kết hôn với nhau?”
Bạn đã nghĩ ra câu trả lời chưa? Đó là vì người ủng hộ cho đa hôn không phải chờ tới khi hôn nhân cùng giới được hợp pháp hóa mới dùng lập luận “yêu là yêu”, họ có thể dùng bất kỳ lúc nào, dùng chính trường hợp của các cặp khác giới. Lập luận của họ không phải là “Cùng giới kết hôn được thì ba người cũng kết hôn được”, lập luận của họ là “Hai người tự nguyện kết hôn được thì ba người tự nguyện cũng kết hôn được.” Đa hôn không đứng về hôn nhân cùng giới để thách thức hôn nhân khác giới, mà thách thức chế độ hôn nhân nhị hợp nói chung (cả cùng giới và khác giới). Tóm lại, đa hôn không liên quan tới hôn nhân cùng giới. 
Tương tự với hôn nhân đồng huyết, cận huyết. Đa hôn và cận huyết đã tồn tại và là một phần của đời sống nhân loại rất lâu trước khi hôn nhân cùng giới được thừa nhận. Sự tiến hóa của hôn nhân đã dần dần thay thế nó bằng hình thức đơn hôn và dị huyết, phù hợp hơn với sự phát triển ổn định của xã hội. Lịch sử chưa từng ghi nhận sự hợp pháp hóa đa hôn hay hôn nhân cận huyết nào có yếu tố cùng giới nào cả, tất cả đều là khác giới.
Nói cách khác, đa hôn và cận huyết là sản phẩm lịch sử của chế độ gia trưởng nam giới. Khi nữ giới giành được nhiều quyền bình đẳng hơn thì nó cũng tự chấm dứt, và chỉ còn tồn tại ở các nước mà phụ nữ còn bị tước đi nhiều quyền tự do. Chế độ đa hôn và cận huyết chỉ có thể quay lại khi nam giới thành công trong việc hạ thấp vai trò và quyền lực của phụ nữ, chứ không phải bởi hôn nhân cùng giới được hợp pháp hóa.
Hon nhan dong gioi, LGBT
Bản chất của hôn nhân từ thuở ban đầu của nó tới nay không thể tách rồi với sự phát triển của luật pháp và xã hội. Lịch sử của hôn nhân vẫn tiếp tục thay đổi, từ một hình thức sở hữu hóa phụ nữ, sắp đặt gia đình, bảo toàn và cân bằng quyền lực cho tới là một thỏa thuận giữa hai người.
Đừng xem hôn nhân cùng giới là một sự "xâm lược" đối với hôn nhân khác giới. Chúng ta không mất đi một chế độ hôn nhân đang có, mà chỉ thêm vào một chút sự tự do cho nó. Bản chất của hôn nhân hiện đại, là thông qua mối kết gắn, hai con người sẽ cùng nhau tìm thấy những sự tự do khác. Hôn nhân bình đẳng không phân biệt giới tính là một con đường mở rộng để nhiều con người hơn có thể bước vào để đi tìm sự tự do đó.
Hon nhan dong gioi, LGBT
Thông tin thêm về đa hôn và cận huyết
Cần phải nhìn chế độ đa hôn rộng hơn với góc nhìn lịch sử và văn hóa. Đa hôn trên thế giới liên hệ chặt chẽ với chế độ gia trưởng và quyền lực của nam giới trong xã hội. Trong thế giới mà nam giới vẫn chiếm ưu thế hơn, thì hợp pháp hóa đa hôn sẽ làm lợi cho đàn ông theo một tỷ lệ không cân xứng với số lượng nữ giới. Điều này làm mất cân bằng cấu trúc xã hội. Hôn nhân cùng giới thì không như vậy, số lượng người đồng tính trong xã hội không thay đổi bởi việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới hay không. Họ vẫn ở đó, chỉ là có quyền hay không có quyền kết hôn không thôi.
Nên nhớ, từng có thời đa hôn, cụ thể là đa thê, là hoàn toàn được chấp nhận về cả luật pháp, văn hóa, truyền thống. Nhưng khi các nhà nước chuyển từ đa hôn sang đơn hôn, đã xảy ra một cuộc tranh luận dữ dội nào như chúng ta đang thấy ngày nay khi hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới không?
Hon nhan dong gioi, LGBT
Năm 1950 tại miền Bắc và năm 1959 tại miền Nam Việt Nam mới bãi bỏ chế độ đa thê. Liệu lúc đó những người theo tư tưởng đa thê có đứng lên phản đối quyết liệt chế độ đơn hôn, hay cho rằng đa thê mới là phù hợp truyền thống, đạo đức, là điều tự nhiên của con người? Tôi cho là không hoặc rất ít. Do bối cảnh xã hội đã thay đổi, vai trò người nữ giới được nâng cao và ghi nhận bình đẳng hơn. Hôn nhân truyền thống không bị xói mòn khi chuyển từ đa hôn sang đơn hôn, cũng như từ phân biệt giới tính chuyển sang không phân biệt giới tính, nó là kết quả của việc những nhóm yếu thế, như nữ giới hay người đồng tính, đã được nhìn nhận bình đẳng hơn.
Năm 2008, Tòa án Tối cao California đã phân biệt đa hôn và quyền kết hôn cùng giới bằng cách giải thích “Chế độ đa hôn có hại tới mối quan hệ gia đình tương hỗ và lành mạnh…” vì dẫn tới sự mất cân bằng quyền lực, nô dịch tình dục, và những xâm hại khác vốn không tồn tại trong các trường hợp hôn nhân cùng giới. (Thậm chí quan hệ quyền lực trong các cặp đôi cùng giới được cho là tốt hơn cặp đôi khác giới khi họ có cùng giới tính)
Mỗi trường hợp cần được đánh giá trên những căn cứ của nó. Khi nhìn vào hôn nhân đồng huyết, cận huyết, sự mất cân bằng quyền lực, tổn thương tâm lý, bạo hành tình dục được chứng minh là cao hơn, không kể tới nguy cơ những tổn thương di truyền. Cho dù đặt ra những điều kiện (giả sử cam kết triệt sản) đi nữa thì những nguy cơ khác vẫn còn.
Hon nhan dong gioi, LGBT
Thời xưa, người ta vẫn biết rõ hôn nhân cận huyết làm suy giảm giống nòi, nhưng để duy trì quyền lực gia tộc, họ vẫn chấp nhận trả cái giá đó, và giảm nó xuống bằng cách sinh con thật nhiều với nhiều người vợ cùng huyết thống khác để có được đứa con khỏe mạnh. Xã hội loài người đã dần bãi bỏ hôn nhân cận huyết khi chức năng bảo toàn quyền lực của nó không còn, cái giá phải trả của nó trở nên cao hơn.
Cơ sở của những thay đổi trong pháp luật là một thứ có gây hại tới xã hội không. Đa hôn và cận huyết được thuyết phục là có, còn hôn nhân cùng giới thì không. Bạn vừa đọc một tài liệu nói về tác động xấu của cha mẹ đồng tính lên trẻ em? Xin hãy đưa cho tôi một nghiên cứu được bình duyệt (peer-reviewed) và được đăng lên tạp chí chuyên ngành quốc tế, vốn là yêu cầu bắt buộc của bất kỳ nghiên cứu nào để trích dẫn, tranh luận chính thống. Tôi cam đoan là bạn không tìm được.
Lương Thế Huy (Theo 6sac)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
44 phút trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Hôn nhân đồng giới không dẫn đến đa hôn và hôn nhân cận huyết'