Ngày 27.12, Indonesia nâng cảnh báo núi lửa Anak Krakatau phun trào lên mức cao thứ hai đồng thời yêu cầu mọi máy bay tránh xa khu vực xung quanh.
Hệ thống cảnh báo của nước này có 4 mức, cơ quan địa chất vừa áp đặt mức 3 (chuẩn bị sẵn sàng). Một vùng cấm tiếp cận có bán kính 5km tính từ đỉnh núi lửa cũng vừa được thiết lập.
Một phần miệng núi lửa Anak Krakatau vừa đổ sụp xuống biển trong lúc triều lên cao, gây nên sóng thần cao đến 5m ập vào eo biển Sunda cuối tuần qua. Miệng núi lửa vẫn còn rất dễ vỡ ra thêm.
Anak Krakatau bắt đầu phát ra tiếng động lớn từ tháng 6 trước khi hoạt động đặc biệt mạnh từ ngày 23.12, phun dung nham và đá kèm theo nhiều đám tro bụi cao tới 3.000m.
Giới chức trách cho biết tro bụi núi lửa không nguy hiểm nhưng khuyên người dân đeo khẩu trang cùng kính bảo hộ, trong khi máy bay cần tránh xa. Cơ quan Kiểm soát không lưu Indonesia (AirNav) ra thông cáo: “Mọi chuyến bay đều phải thay đổi lộ trình do tro bụi núi lửa Krakatau đã đạt mức báo động đỏ”.
Didiet K.S. Radityo, một quan chứa AirNav, đảm bảo không có chuyến bay quốc tế hay nội địa nào bị gián đoạn.
Sóng thần cuối tuần qua cướp đi sinh mạng của hơn 400 người. Đây là thảm họa sóng thần có số người tử vong cao thứ hai tại Indonesia trong năm 2018. Thảm họa kép động đất - sóng thần vào tháng 9 tại đảo Sulawesi khiến ít nhất 832 người thiệt mạng.
Nhiều chuyên gia cảnh báo quốc gia Đông Nam Á này còn phải hứng chịu thêm nhiều cơn sóng thần vào thời gian tới vì núi lửa Anak Krakatau đang trong giai đoạn hoạt động.
Cẩm Bình (theo Reuters, Channel News Asia)