Đến thời điểm này, khu vực ĐBSCL đã có 8 tỉnh công bố thiên tai do hạn, mặn ở cấp độ 1 (cấp độ nguy hiểm). Hạn, mặn khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Theo dự báo của Bộ NN&PTNT hạn mặn còn kéo dài, diễn biến sẽ rất phức tạp, mặn đã lấn sâu vào nội đồng tới gần 90km…

Kênh rạch trơ đáy, người dân miền Tây chắt chiu từng giọt nước ngọt

Một Thế Giới | 14/03/2016, 04:58

Đến thời điểm này, khu vực ĐBSCL đã có 8 tỉnh công bố thiên tai do hạn, mặn ở cấp độ 1 (cấp độ nguy hiểm). Hạn, mặn khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Theo dự báo của Bộ NN&PTNT hạn mặn còn kéo dài, diễn biến sẽ rất phức tạp, mặn đã lấn sâu vào nội đồng tới gần 90km…

Những ngày này, chạy dọc theo quốc lộ Nam sông Hậu, trời nắng nóng như đổ lửa, cây cối chết cháy vì thiếu nước. Khu vực xã Đại Ngãi, huyện Long Phú, các con kênh, rạch cạn trơ đáy, đã gần 1 tháng nay các cánh đồng ở khu vực này không có nước ngọt để tưới cho cây.
Chị Phan Thị Bích Vân ở tận xã Bình Minh, huyện Tam Bình, Vĩnh Long đang loay hoay với ghe muối khoảng 9 tấn neo đậu tại kênh Mương Điều ngay cửa cống ngăn mặn Đại Ngãi. 4 ngày qua chị không biết làm sao bán hết số muối này.
Chị Vân cho biết những năm trước, không có nước mặn, ghe đi sâu vào các kênh rạch để bán, chỉ khoảng 10 ngày là hết sạch. Nhưng đợt này cống ngăn mặn đóng, ghe xuồng không qua lại được, chắc bán cả tháng cũng không hết nổi ghe muối này.
Anh Phạm Thanh Sơn, nhà ở ngay cống ngăn mặn Đại Ngãi cũng tiếp lời: “Mặn năm nay đến sớm hơn mọi khi cả tháng trời. Trước Tết, mặn đã tràn vào khu vực này. Nặng nhất là qua Tết, cây ăn trái của người dân ở đây thiệt hại nặng, đã không ra trái còn chết héo nữa. Cây dừa nước còn chết thì còn cây gì sống nổi. Không biết tình trạng này còn kéo dài đến bao giờ nữa”.
Ngày nào cũng vậy, “lão nông” Liêu Sơn người dân tộc Khmer ở ấp Tân Quy A, xã Tân Hưng, huyện Long Phú, vẫn ra ngoài ruộng ngồi đợi nước, cầu mong trời mưa mà vẫn không có. Đã gần 1 tháng qua, 17 công lúa 70 ngày tuổi của gia đình ông đã không có nước ngọt để tưới.
Con rạch 13 nằm cặp với ruộng lúa của ông Sơn mọi năm ghe vẫn chạy được nhưng năm nay khô trơ đáy, hiện phải dùng máy xúc nạo sâu xuống hơn 1m để trữ nước ngọt nếu có. Ông Liêu Sơn chia sẻ: "Lúa đang trổ đòng nhưng hạt lúa bị lép vì không ngậm sữa được, nước ngọt không có để tưới, lúa khô héo chết cháy dần. Chắc là thiệt hại hoàn toàn chứ cứu được gì".
Ông Liêu Sơn buồn rầu nói thêm: "Gần đến ngày được ăn rồi mà ăn không được. Những năm trước cánh đồng này trồng được 3 vụ năng suất rất tốt, nhưng năm nay nhà nào cũng thất trắng".
Không có đất, nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên gia đình ông Liêu Sơn phải mướn đất của người ta để trồng lúa. Gia đình ông mướn cả thảy 17 công ruộng, 1 công ông mướn 2,5 triệu đồng/năm/3 vụ. Vụ 3 này ông Sơn cầm chắc lỗ trên 20 triệu đồng, đó là chưa tính công sức của gia đình bỏ ra thời gian qua.
han man, nuoc ngot, lua chet kho, khu vuc DBSCL, doi song nong dan
Bà Mai Thị Thuận ở thị trấn Ba Tri đang chắt chiu từng giọt nước
Hai đứa con gái của ông đứa 25, đứa 20 tuổi sau khi thấy vụ lúa này bị thất nên đã lên Sài Gòn tìm việc. “Lúc mấy đứa nhỏ đi tôi có dặn, nếu lên đó có việc gì thì kêu tôi lên làm luôn. Hổm rày chờ điện thoại của tụi nó mà chưa thấy. Thu nhập của gia đình trông cả vào lúa mà giờ chết trắng vậy thì phải kiếm việc khác làm mới có tiền trả nợ, hổng lẽ ngồi nhà mà chết theo lúa sao”, ông Sơn nói.
Trong khi các tỉnh đang phải đối phó với hạn mặn cho lúa và hoa màu thì ở Bến Tre, ngoài việc cứu lúa, 60.000 hộ dân tại tỉnh này đang phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn. Ngành chức năng tỉnh đang loay hoay với việc tìm nguồn nước ngọt để cung cấp cho người dân.
Địa bàn huyện Ba Tri của Bến Tre được xem là khan hiếm nước ngọt nhất. Nhiều hộ dân đã khoan nước ngầm tầng nông để lấy nước ngọt bán cho những hộ thiếu nước dù ngành chức năng khuyến cáo nguồn nước ngọt ở tầng nông không đảm bảo chất lượng, có nhiều tạp chất không tốt cho sức khỏe.
Ông Võ Văn Thông ngụ ấp 1, thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri, cả tháng nay đều đến nhà bà Lâm Thị Trinh cùng ấp để mua nước ngọt bán cho người dân trong huyện. Do khai thác quá mức nên nguồn nước ngọt nhà bà Trinh đang cạn kiệt dần, vòi nước chảy rỉ rả rất ít, lâu lâu lại bị đứt quãng.
Ông Thông cho biết: “Thời điểm này các xã An Đức, An Hiệp, Tân Hưng, Bình Tân… đang rất khan hiếm nước ngọt, đây cũng là lúc cao điểm cung ứng nước ngọt cho bà con. Do nhiều năm qua tôi bán nước ngọt cho người dân nên nhiều người quen và có số điện thoại của tôi. Mấy ngày qua số lượng người mua nước ngọt ngày càng nhiều”.
Ông Thông cho biết ông mua nước ngọt với giá 10.000 đồng/m3 nước, rồi chở bán cho các hộ dân khoảng 60.000 đồng/m3 với khoảng cách 10km đổ lại. Nếu chở xa hơn sẽ tăng thêm. Ông Thông nói thêm: “Lúc này tôi có tăng giá nữa thì người dân cũng phải mua. Nhưng làm vậy coi sao được, người ta khó khăn cũng giống mình thôi, tôi không làm vậy được”.
Đến thời điểm này đã có 8 tỉnh công bố thiên tai do hạn, mặn ở cấp độ 1 (cấp độ nguy hiểm) là Bến Tre, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Long và Trà Vinh. TP.Cần Thơ chưa bao giờ bị nước mặn xâm nhập, giờ đã xuất hiện tại cảng Cái Cui (cách bờ biển trên 70km).
Mới đây Trà Vinh đã công bố thiên tai do hạn, mặn cấp độ 1. Đến nay, Trà Vinh đã có hơn 12.300 ha lúa bị thiệt hại do khô hạn, thiếu nước, con số này vẫn chưa dừng lại. Ngành nông nghiệp tỉnh này dự báo số diện tích bị thiệt hại có thể tăng lên trên 23.600 ha.
Ngoài thiệt hại về lúa, Trà Vinh còn có 228 ha tôm thẻ chân trắng, hơn 366 ha tôm sú bị chết, nhiễm bệnh do hạn, mặn và nắng nóng kéo dài. Khô hạn đang đe dọa cuộc sống của gần 10.000 hộ dân ở các huyện Châu Thành, huyện Càng Long và TP.Trà Vinh. Ngành chức năng tỉnh này cũng đang huy động các phương tiện để cung cấp nước cho người dân.
Sau Trà Vinh là Vĩnh Long cũng đã công bố thiên tai hạn, mặn cách đây 2 ngày (9.3). Điều này chưa hề xảy ra tại tỉnh này. Độ mặn đo được tại huyện Vũng Liêm có lúc lên đến 9‰, vàm Mang Thít khoảng 5,5‰. Hiện nay, nguồn nước sinh hoạt của người dân các địa phương trong tỉnh Vĩnh Long đã trở nên khan hiếm.
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đang chật vật với việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân khi 12 nhà máy nước, trạm cấp nước sinh hoạt lâu nay cung cấp cho gần 18.000 hộ dân trên địa bàn cũng bị nhiễm mặn.
Minh Hạnh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
7 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kênh rạch trơ đáy, người dân miền Tây chắt chiu từng giọt nước ngọt