Trung Quốc là nguồn khách lớn cho ngành du lịch nhiều nước trên thế giới, chính phủ nước này đang dùng du lịch như vũ khí kinh tế.

Khách Trung Quốc 'quyền lực' đến mức nào?

VNE | 25/10/2017, 11:15

Trung Quốc là nguồn khách lớn cho ngành du lịch nhiều nước trên thế giới, chính phủ nước này đang dùng du lịch như vũ khí kinh tế.

Tổng thư ký tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), ôngTaleb Rifai cho rằng: "Khách Trung Quốc là thị trường đơn phương quyền lực có thể thay đổi cả ngành du lịch".

Cảnh tắc đường xảy ra khắp nơi vào dịp Tuần lễ Vàng hồi đầu tháng 10, với nửa tỷ người đổ ra đường du lịch hoặc về quê nhà. Video:YouTube.

"Không chỉ giữ vị thế của thị trường khách nội địa số một thế giới với 4,4 tỷ chuyến đi mỗi năm, đây còn là thị trường khách ngoại lớn nhất với 135 triệu chuyến du lịch nước ngoài,chi 261 tỷ USDtrong năm 2016. Với dân số 1,4 tỷ người, chỉ 6% dân số sở hữu hộ chiếu, Trung Quốc cũng đã tạo ra tiềm năng rất lớn. Ước tính có tới 200 triệu người sẽ ra nước ngoài trong vài năm tới", ông Rifai nhận định.

Tầm ảnh hưởng của khách Trung Quốc

Eduardo Santander, giám đốc Ủy ban Du lịch châu Âu, cho rằng khách Trung Quốc có thể giúp ngành công nghiệp không khói phát triển bền vững hơn nếu thay đổi thói quen và gu du lịch.

Trong khi hàng loạt điểm đến nổi tiếng như Venice hay Barcelona xảy ra tình trạng quá tải thì nhiều khách Trung Quốc chọn những nơi khác tại châu Âu. Ví dụ, họ không tới Berlin hay Frankfurt khi du lịch Đức, mà tìm đến Trier, một thị trấn nhỏ ở vùngRhineland-Palatinate. Bởi đây là nơi sinh của Karl Marx, nhà triết học được nhắc đến trong nhiều cuốn sách giáo khoa của học sinh Trung Quốc.

Khách Trung Quốc chụp ảnh trước bảo tàng Nhà Karl Marx. Ảnh:Jens Kastner.

Ông Santander cũng chỉ ra tiềm năng của thị trường khách Trung Quốc với du lịch mùa đông: "Người Đức rất thích mùa đông, có khoảng 14 triệu người mê trượt tuyết - 25% dân số. Chúng tôi ước tính, chỉ cần 1% dân số Trung Quốc tham gia hoạt động này đã bằng con số tại Đức".

Tại Zimbabwe, các công ty Trung Quốc đang góp phần quan trọng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Chính phủ nước này muốn các công viên quốc gia của mình cũng đông khách Trung Quốc.

Alberto Alves, Thứ trưởng Bộ Du lịch Brazil, nhận xét rằng làn sóng khách Trung Quốc đầu tiên tới nước này thích những thành phố nổi tiếng thế giới, mua sắm và nghỉ dưỡng sang trọng. Nhưng hiện nay họ bắt đầu có xu hướng khám phá những điểm đến thiên nhiên. Dù chỉ khoảng 1% khách Trung Quốc du lịch nước ngoài tới Nam Mỹ cũng đem lại nguồn thu lớn trong tình hình khủng hoảng kinh tế.

Không kỳ thị khách Trung Quốc

Thách thức dành cho ngành du lịch các nước là làm sao đón tiếp khách Trung Quốc đúng cách.

Carlos Sentís, người đứng đầu dự án Tây Ban Nha - Trung Quốc cho công ty cố vấn Henkuai, cho rằng nhiều nước đã sai khi nghĩ khách Trung Quốc là những người kỳ lạ đến từ một nền văn hóa khác.

"Chúng ta muốn kiếm tiền từ khách Trung Quốc nhưng lại không ưa họ, đôi khi còn có phần phân biệt", trích lời ông Carlos.

Khách Trung Quốc có thể không gây bạo lực, nhưng họ có tiếng là ồn ào, thô lỗ và kém văn minh. Nhiều bức ảnh và video từng lan truyền khắp các trang mạng xã hội về hành động thiếu ý thức của nhóm khách này.

Khách Trung Quốc từng gây sốc vì tranh nhau lấy tôm trong tiệc buffet tại Thái Lan. Video:YouTube.

Benigno, chủ một khách sạn tại Boracay, tiết lộ rằng hầu hết người Philippines đều không thích khách Trung Quốc: "Một số là những đại gia mới nổi, đối xử như thể mọi người không ra gì. Họ gọi món và chẳng bao giờ nói cảm ơn. Một số khác thì như "người rừng": họ la hét, giành giật để lấy đồ ăn trong tiệc buffet, khiến mọi thứ như một bãi chiến trường".

Ông Rifai cho rằng khách Trung Quốc sẽ thay đổi, nhất là khi chính phủ nước này cũng có nhiều chiến dịch nâng cao ý thức người dân trên đường du lịch, như phát sách hướng dẫn, thậm chí mở lớp học tiền du lịch, cho tới lập danh sách đen ghi tên những hành khách gây rối trên các chuyến bay. Nhiều nước như Việt Nam, Singapore, Thái Lan... cũng đã ban hành những bộ quy tắc ứng xử dành riêng cho khách Trung Quốc.

Bên cạnh đó, lượng khách Trung Quốc gia tăng cũng là một thách thức lớn, ngay cả khi thị trường này vượt qua được thành kiến ​​về chủng tộc.

Kumi Kato, Phó khoa Du lịch Đại học Wakayama tại Nhật Bản, bày tỏ quan điểm: "Do thói quen mua sắm không giới hạn, nhu cầu của khách Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới cả thị trường nội địa. Họ có thể chỉ mua một mặt hàng với số lượng lớn như sữa bột trẻ em tại Hong Kong hay toilet thông minh của Nhật Bản. Tại những nơi này giá khách sạn cũng bị đẩy lên từ khi lượng khách Trung Quốc tăng vọt".

Bà Kato cũng chỉ ra thực trạng tại nhiều nơi ở Nhật Bản khi một số công ty lữ hành và doanh nghiệp lừa lọc, "chặt chém" hoặc từ chối phục vụ khách Trung Quốc.

Buồn vui lẫn lộn với khách Trung Quốc

Zigor Aldama, phóng viên SCMP, từng đi tour cùng khách Trung Quốc từ năm 2010, tới miền đồng bằng châu thổ sông Mekong tại Việt Nam, vùng rừng rậm tại Philippines hay miền biển nam Thái Lan.

Nhiều người chứng kiến các nữ du khách Trung Quốc vứt rác ra bãi biển tại Thái Lan. Ảnh: Zigor Aldama.

Phần lớn khách mà Zigor gặp đều thẳng tay vứt rác bừa bãi khi tắm biển hoặc tham quan rừng. Một số "giả điếc" khi bị nhắc nhở không được tiếp xúc với các loài động vật quý hiếm.

"Khách Trung Quốc ích kỷ, họ chỉ quan tâm đến những bức ảnh và cho rằng thiên nhiên chỉ là nền để chụp tự sướng. Họ làm theo ý thích, chứ không phải theo những gì được dặn dò.Chúng tôi thường xuyên gặp rắc rối với họ nên quyết định khoanh vùng tham quan của các nhóm khách này cách xa những con vật", theo một giám đốc quản lý khu bảo tồn khỉ lùn Tarsier tại Philippines.

"Phòng khách sạn sẽ biến thành bãi rác khi khách Trung Quốc trả phòng. Nếu nhìn thoáng ra, việc tranh giành đồ ăn khá hài hước khi họlấy cả núi thức ăn dù không thể ăn hết", Zigor bày tỏ.

Cơ hội và thách thức

John Kester, giám đốc thống kê, xu hướng và chính sách của UNWTO, cho biết thế hệ trẻ tại Trung Quốc đang dần chiếm lĩnh thị trường. Khoảng 25% trong tổng số khách tại Trung Quốc du lịch tự túc, con số này áp đảo cả những đoàn khách trọn gói.

Bộ trưởng Thể Thao và Du lịch Thái Lan, bàKobkarn Wattanavrangkul cho biết: "Năm 2016, Thái Lan đón tổng số 32,85 triệu lượt khách quốc tế, trong đó8,7 triệu lượt từ Trung Quốc.Hiện nay khoảng 60-70% khách Trung Quốc là khách tự túc. Họ biết dùng internet để sắp xếp chuyến đi, đặt khách sạn và vé máy bay trước, sau đó tìm nơi để ăn chơi hay mua sắm".

Khách Trung Quốc tại Seoul. Ảnh:lZigor Adama.

Báo cáo của UNWTO cũng ghi chú, lớp trẻ tại Trung Quốc là những người dẫn đầu xu hướng sử dụng điện thoại thông minh và các phương thức thanh toán hiện đại.BàKobkarn nhận định nhóm khách này hứa hẹn sẽ làm nên một cuộc cách mạng công nghệ cho ngành du lịch.

Tuy nhiên, một số ý kiến chỉ ra mối nguy hiểm khi các nước trở nên phụ thuộc quá nhiều vào thị trường khách Trung Quốc, bởi chính phủ nước này đang dùng du lịch như vũ khí chính trị. Philippines và Nhật Bản đã phải chịu tổn hại nặng nề về kinh tế khi nảy sinh mâu thuẫn với Trung Quốc.

Mới đây nhất, Bắc Kinh đã ban lệnh cấm tổ chức tour tới nước láng giềng,khi Seoul đồng ý để Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại Hàn Quốc.

Theo Phạm Huyền/ VNE
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
10 phút trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khách Trung Quốc 'quyền lực' đến mức nào?