Được khánh thành vào mùng 4 Tết Bính Thân (1896), Chợ Quán là ngôi nhà thờ cổ nhất tại Sài Gòn. Đọc lược sử của các nhà thờ có độ tuổi từ 100 năm trở lên, có lẽ Chợ Quán đem lại cho người đọc nhiều thú vị nhất.

Khám phá nhà thờ cổ nhất Sài Gòn

Một Thế Giới | 12/07/2014, 07:22

Được khánh thành vào mùng 4 Tết Bính Thân (1896), Chợ Quán là ngôi nhà thờ cổ nhất tại Sài Gòn. Đọc lược sử của các nhà thờ có độ tuổi từ 100 năm trở lên, có lẽ Chợ Quán đem lại cho người đọc nhiều thú vị nhất.

Danh xưng Chợ Quán ra đời từ khi nào?
Nhà thờ đầu tiên của Họ Đạo Chợ Quán theo lưu truyền được hình thành từ năm 1674. Ban đầu chỉ là ngôi nhà thờ đơn sơ nhằm phục vụ giáo dân theo đạo Thiên Chúa. Vào khoảng những năm này, tại Sài Gòn có khoảng 5.500 giáo dân. Ngoài ngôi nhà thờ chính là Chợ Quán, còn có những nhà nguyện và bàn thờ tư gia tại khu vực Chợ Lớn. Tuy nhiên, không có một tư liệu nào nói đến nhà thờ này cho đến năm 1725, nhà thờ đầu tiên này bị phá sập trong đợt cấm đạo. Đến nay đã ngót nghét gần 3 thế kỷ.
Kham pha nha tho co nhat Sai Gon

Nhà thờ Chợ Quán (120 Trần Bình Trọng, P.2, Q.5. TP.HCM).

Theo ông Trương Vĩnh Ký - nhà ngôn ngữ học thì lịch sử Họ Đạo Chợ Quán gắn liền với quá trình mở rộng lãnh thổ về phía Nam của đất nước. Khi đó, để trốn chạy cuộc bắt đạo do Võ Vương ban hành, phần đông dân cư từ phường Thợ Đúc ở Huế vào. Trong số di dân vào Nam đã có những giáo dân theo đạo Thiên Chúa. Họ đều là những tín đồ ngoan đạo nên không thể sống thiếu nhà thờ, nhà nguyện. Vì vậy đã tập hợp nhau để cùng tổ chức nhà nguyện và sau này là nhà thờ Chợ Quán.
Không có bất cứ sổ sách nào ghi rõ về sự ra đời của danh xưng Chợ Quán, cũng không biết nó chính xác xuất hiện từ khi nào. Chỉ nghe các bô lão nói lại khi đó khu vực Chợ Lớn vào những năm 1700 có rất nhiều tín đồ Thiên Chúa Giáo di dân đến đây. Họ đến từ nhiều vùng miền và có nhiều ghề khác nhau. Sau khi đã xác định chọn nơi để lập nghiệp, họ mở ra nhiều lều, quán, chợ búa để làm ăn buôn bán.
Sở dĩ họ phải mở ra rất nhiều quán, chợ là do sự khác biệt vùng miền. Những người miền Trung, Bắc, Nam chỉ quen ăn thức ăn đúng với khẩu vị của họ. Mặc dù vậy, họ có chung tấm lòng hướng về đạo. Từ đó mới có tên Họ Đạo Chợ Quán và sau này chính là nhà thờ Chợ Quán.

Người đặt nền móng cho nhà thờ Chợ Quán

Sau nhiều lần xây dựng rồi bị đập phá, mãi đến năm 1882, cha Nicolas Hamm về kế nhiệm và đặt nền móng cho ngôi nhà thờ mới, tức ngôi nhà thờ tồn tại đến ngày nay. 
Bên cạnh sự khởi xướng của cha Nicolas Hamm, còn có sự góp sức của thanh niên trai tráng trong giáo dân và một bầy… bò. Đất và cát làm nền móng được hơn 10 con bò vận chuyển từ Bàu Cát (Phan Thiết) trong suốt mấy tháng ròng. 
Đến năm 1886, cha Nicolas Hamm qua đời khi ngôi nhà thờ chưa kịp hoàn thành. Thi hài của cha được chôn cất ngay tại nền nhà thờ, trước bàn thờ Đức Mẹ bây giờ. Việc tiến hành xây cất bị gián đoạn một thời gian dài, mãi đến năm 1896, qua 6 đời cha sở, ngôi nhà thờ mới chính thức khánh thành vào ngày 16.02.1896, đúng ngày mùng 4 tết năm Bính Thân.
Kham pha nha tho co nhat Sai Gon 
Đến hôm nay, mặc dù đã được tu sửa đến lần thứ 8 nhưng nhà thờ Chợ Quán vẫn mang một nét cổ xưa khi bước vào. Ngay cổng phía bên tay phải, cạnh tòa giải tội là tấm bia bằng đá được khắc chữ từ ngày mới thành lập, trong đó có ghi rõ thời gian khởi công, cũng như những cha đã góp sức xây dựng lên nhà thờ, gồm 3 cha: cha Nicolas Hamm; cha Jules Errard và cha Lucien Mossaro là người hoàn thành nhà thờ vào năm 1896.
Bên dưới là bài thơ ghi rõ: “Ba cha công khó đã làm nên/Đền thánh nguy nga đẹp dưới trên/Nền cao hơn thước làm chắc chắn/Rường cột khéo xây thiệt vững bền/Tận tâm chẳng quãng thân lao khổ/Nhớ lại ơn nầy khó nổi đền/Ngàn thuở ân thâm hằng ghi tạc/Muôn năm ngãi trọng chớ khá quên”.
Kham pha nha tho co nhat Sai Gon
Kiến trúc bên trong nhà thờ
Nhà thờ được xây theo kiến trúc Gothic (Pháp) (hay francigenum opus) là phong cách kiến trúc bắt đầu phát triển từ nửa sau thời Trung cổ ở Tây Âu. Khác với kiến trúc Roman mà ta thường thấy theo kiểu vòm cong tròn thì kiến trúc Gothic lại theo kiểu vòm nhọn. 
Sự xen kẽ của những cột trụ lớn, nhỏ tạo nên nhịp cho chính đường và làm tăng ấn tượng về chiều dài, chiều ngang. Sự tương ứng giữa chiều cao và chiều rộng của chính đường có thể làm tăng cũng như giảm cảm giác về độ cao của đỉnh vòm. 
Khi vừa bước qua cửa chính của thánh đường, bạn sẽ cảm nhận ngay vẻ nguy nga, tráng lệ từ kiến trúc này. Nhà thờ có 4 dãy ghế lớn và hai dãy ghế nhỏ. Bên trái là bàn thờ Đức Mẹ, bên phải là bàn thờ Thánh Cả Giuse. Đối diện với Bàn Thánh, phía trên là hình Chúa Giêsu và phía dưới bức ảnh đó có một lối nhỏ để đi vào tháp chuông.

Trong khuôn viên gần 17.000 m2 gồm một trường tiểu học do nhà nước quản lý, một nhà giáo lý với 12 phòng, nhà hài cốt... tất cả được bài trí hài hòa, đẹp mắt mang lại cảm giác thư thái, thoải mái cho giáo dân tham dự thánh lễ cũng như khách đến tham quan.

Tháp chuông và những hoài niệm

Tôi cũng là một con chiên của Thiên Chúa Giáo. Mặc dù không phải là một tín đồ ngoan đạo nhưng tôi cũng thích đến nhà thờ, nhất là những khi trong lòng chênh chao, bất an. 
Có lẽ nhà thờ chính là nơi để tôi gặp lại tuổi thơ của mình. Đó là chuỗi ngày bình yên mà khi lớn lên không dễ gì tìm được. Điểm tôi đặc biệt chú ý ở các ngôi thánh đường đó chính là tháp chuông. 
Với tôi, tháp chuông nhà thờ lưu giữ những hoài niệm mang tên tuổi thơ của tôi. Còn nhớ những buổi sáng trời rét căm căm. Khi ấy nhà tôi chưa có đồng hồ nên ngày mới bao giờ cũng bắt đầu bằng tiếng chuông kinh koong ở ngôi thánh đường cách nhà tôi khoảng 700m. 
Chỉ cần nghe tiếng chuông thứ nhất ngân lên lúc 4 giờ, các anh chị tôi bật dậy và công việc đầu tiên là đến nhà thờ để kịp tham dự thánh lễ vào lúc 4h30.
Kham pha nha tho co nhat Sai Gon 
Sau tiếng chuông thứ nhất gõ đều đặn đúng 4 giờ mỗi sáng ấy là nhạc Thánh Ca ngân lên. Từ tháp chuông, 4 chiếc loa xoay bốn hướng, đủ để cho cả xóm đạo thưởng thức những ca khúc Thánh Ca bất hủ. 
Tôi cũng bắt đầu yêu giọng hát nhẹ nhàng, truyền cảm của ca sĩ Ngọc Lan từ khi ấy. Chất giọng du dương của Ngọc Lan dường như sinh ra để hát những ca khúc Thánh Ca. 
Suốt những năm tuổi thơ, tôi chỉ nghe đúng giọng hát của cô ca sĩ ấy. Cho đến một ngày, cũng trong một thánh lễ buổi sáng, vào giờ giảng, cha xứ thông báo với giáo dân một tin buồn: ca sĩ Ngọc Lan đã vĩnh viễn ra đi (2001). Sau thánh lễ hôm ấy, cha xứ mở nhạc Ngọc Lan cả ngày. Tôi nhìn mãi lên tháp chuông mà lòng bùi ngùi không thể diễn tả. Lần đầu tiên cảm nhận được rõ nhất rằng mình đang ở… cõi tạm. Con người rồi sẽ trở về với cát bụi.

Đến nhà thờ Chợ Quán vào một ngày Sài Gòn áp thấp nhiệt đới, thời tiết có vẻ dịu dàng hơn. Bước vào mảnh sân nhạt nắng, tiếng trẻ con ê a, dù không có tiếng chuông, tôi vẫn tìm lại cảm giác thanh bình của thời ấu thơ. Như một thói quen, tôi nhìn lên tháp chuông và được nghe một cụ già kể về nó.

Tháp chuông nhà thờ Chợ Quán khá đồ sộ, gồm có 3 tầng: tầng kéo chuông, tầng để chuông và tầng trên cùng. Từ tầng trên cùng này, có thể nhìn bao quát khu vực quận 5 của Sài Gòn. Tháp tổng cộng có 5 quả chuông: 2 kéo thường ngày, 2 chuông dùng khi có thánh lễ lớn và một chuông báo tử (khi trong giáo xứ có người qua đời, chuông này chỉ kéo đúng 1 lần). Duy chỉ những ngày lễ lớn như Noel, Phục Sinh, lễ đầu năm… thì mới dùng cả 5 quả chuông cùng một lúc. 5 quả chuông đều được đúc từ Pháp và vận chuyển qua bằng đường thủy. Điểm đặc biệt nữa là, để vận chuyển những quả chuông này lên tháp, người ta không chỉ sử dụng sức người hay sức máy mà sử dụng sức của… 5 con voi. Cho đến nay thì tháp chuông đã được sửa chữa 3 lần.

Trải qua hơn 100 năm với biết bao biến cố thay đổi, nhà thờ Chợ Quán vẫn giữ riêng nét uy nghiêm, cổ kính và thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Một số hình ảnh về nhà thờ Chợ Quán
Kham pha nha tho co nhat Sai Gon
Kham pha nha tho co nhat Sai Gon

Kham pha nha tho co nhat Sai Gon
Kham pha nha tho co nhat Sai Gon
Kham pha nha tho co nhat Sai Gon
Kham pha nha tho co nhat Sai Gon
Kham pha nha tho co nhat Sai Gon
Kham pha nha tho co nhat Sai Gon
Kham pha nha tho co nhat Sai Gon
La Hường

Ảnh: Nguyên Trương

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khám phá nhà thờ cổ nhất Sài Gòn