Phiên chợ của đồng bào dân tộc mang những nét độc đáo và hấp dẫn riêng thường được họp vào cuối tuần nhưng ngày nay với hầu hết các ngày trong tuần.

Khám phá phiên chợ 'đặc sản' Sapa

DDVN | 24/09/2016, 12:00

Phiên chợ của đồng bào dân tộc mang những nét độc đáo và hấp dẫn riêng thường được họp vào cuối tuần nhưng ngày nay với hầu hết các ngày trong tuần.

Khám phá ẩm thực Sapa

Ngày nào ở Sapa cũng có một buổi họp chợ - nơi tập trung rất nhiều đồng bào dân tộc đến buôn bán, trao đổi hàng hóa như rau củ, hoa quả, gia cầm. Và sẽ thật phí khi bạn đi chợ Sapa lại không thưởng thức ẩm thực ở đây. Cá suối nướng, cá suối chiên giòn, cải mèo, măng chua, su su là những món ăn dân dã được yêu thích nhất Sapa. Khác với cá hồ, cá ao, cá suối Sapa có thịt chắc, xương mềm và không hề tanh. Cải mèo là một loại rau đặc trưng của vùng núi phía Bắc, lá dài màu xanh đậm, viền lá xoăn và có hai loại có lông và trơn. Loại có lông ăn giòn, ngọt, ngon và thường được chọn để chế biến món ăn hơn. Sang hơn một chút, bạn có thể thưởng thức các món ngon từ cá hồi như gỏi cá hồi, lẩu cá hồi, cá hồi nướng khi du lịch Sapa. Dọc đường, ở các góc phố, chợ, công viên thường có những bếp ăn dã chiến, nhanh và gọn.

Thực đơn là “đặc sản” bình dân của miền núi như: cơm lam 10.000 đồng/ống, thịt lợn xiên nướng 10.000đ/xâu, bắp nướng 7.000đ/trái, khoai lang nướng 6.000đ/củ, trứng gà nướng 5.000đ/trứng. Đặc biệt - rượu ngô thơm, ngon, có màu vàng anh sóng sánh, nấu thủ công, uống không nhức đầu chỉ có 30.000đ/lít, tha hồ cho các đệ tử Lưu Linh thưởng thức. Sau khi thưởng thức ẩm thực nơi đây, bạn có thể đi dạo dọc bờ hồ Sapa ngắm cảnh và tìm một quán cà phê nào đó thư giãn. Buổi sáng, gần lối dẫn vào chợ, có khá nhiều bà con người Kinh, H'Mông bán các loại bánh như mèn mén (bánh bột ngô hấp), bánh bò, xôi nếp nương, bánh gối... giá khá rẻ từ 5.000 - 10.000 đồng.

Men theo công viên cạnh nhà thờ Đá, dọc theo đường Fansipan đi bản Cát Cát, bạn sẽ gặp rất nhiều người H'Mông, người Dao đỏ, Giáy... bày bán nông sản. Nhiều nhất là đào, lê, mận, táo... Những loại trái cây nầy thường có vị ngọt ngót, chua chua, giòn xốp nên được các bà, các cô du khách miền xuôi ưa chuộng. Một cân đào ngon có giá trung bình 10.000đ, lê 15.000đ/kg, mận roi 8.000đ/kg. Thỉnh thoảng có vài người Mông bán lẻ chè Tuyết là một đặc sản của vùng cao Hoàng Liên Sơn, giá 120.000đ/kg. Loại chè này mọc tự nhiên trong rừng, được thu hoạch và chế biến thủ công, chè sau khi pha có mùi thơm nhẹ, vị chát, hậu ngót, nước xanh màu mả chanh. Chè Tuyết cũng có bán khá nhiều trong các cửa hàng kinh doanh đặc sản ở đường lên núi Hàm Rồng hay dọc đường đi xuống bản Cát Cát.

Những “đặc sản” ở sapa

Thổ cẩm là một mặt hàng thủ công mỹ nghệ đặc trưng của Sapa. Người Mông, Dao, Giáy ở vùng cao rất giỏi nghề se lanh, dệt vải, nhuộm, thêu hoa văn trên nền thổ cẩm. Ở chợ Sapa có hai nơi bày bán mặt hàng này. Một là ở dưới Sân Quần trước Nhà Thờ Đá, hai là trong chợ (trên lầu). Hàng thổ cẩm ở Sân Quần chủ yếu là những mặt hàng thủ công nhỏ lẻ như ví, mũ trẻ em, túi đeo vai, vòng bạc, có giá thường độ 15.000 đồng cho một sản phẩm. Hàng trong chợ ở các sạp do người Kinh và người H'Mông đứng bán thường là những mặt hàng quần áo, tấm đắp, khăn bàn, túi xách. Váy dài của phụ nữ hoa văn đẹp có giá 100.000đ/chiếc.

Áo cánh Mông 70.000 đồng/chiếc. Một mặt hàng được xem như đặc sản của Sapa, ấy là thuốc núi. Thuốc núi ở Sapa được bày bán trong những gian hàng dọc theo con đường bộ từ dưới chân lên đỉnh Hàm Rồng, trên đường đi bản Cát Cát. Bạn sẽ gặp các loại dược liệu thường ở dạng thô, mới qua sơ chế như: bao tử nhím, tắc kè bay, rắn núi, bò cạp, ngọc dương... Thảo dược có rất nhiều, đến hàng mấy chục loại. Từ thông dụng đến khá quý hiếm như: táo mèo, sâu chít, hà thủ ô, ba kích, đỗ trọng, giảo cổ lam, dâm dương hoắc, huyết rồng, linh chi, kỳ hương, quế khâu, mật ong rừng... Giá cả các loại dược liệu này cũng ở mức trung bình, thường khoảng 60.000 đồng/gói (sâu chít) đến 250.000đồng/kg (giảo cổ lam). Khách thường mua về để ngâm rượu với hy vọng “ông uống bà khen” như lời tiếp thị, quảng cáo?!

Du khách nếu là người thích chơi lan, sẽ tha hồ lựa chọn những giống lan lạ, quí hiếm của vùng núi Hoàng Liên Sơn bày bán dọc theo đường ra công viên hồ nước Sapa. Chợ phiên ở Sapa nhộn nhịp vào tối thứ bảy kéo dài đến Chủ nhật hàng tuần. Khi hoàng hôn buông xuống đỉnh núi Fansipan hùng vĩ, các nam nữ thanh niên người H'Mông, Dao đỏ từ các làng bản quanh Sapa háo hức đi “chợ tình” ở thung lũng Sân Quần trước nhà thờ Đá. Chợ tình Sapa có sức hấp dẫn, gây sự tò mò đặc biệt đối với du khách từ phương xa tới. Ở đây, từ thủa khá xa xưa, trai gái người dân tộc có thể nhờ âm thanh của khèn, sáo, đàn môi, kèn lá và những điệu xòe, điệu múa hay bằng những lời hát mang âm hưởng du dương, lãng mạn của núi rừng để tìm gọi hay gặp gỡ bạn tình. Đi chơi chợ Sapa, một tiết mục hấp dẫn không thể bỏ qua, nếu các bạn đã lên đến đấy tham quan và tìm sự thư giãn.

Hoàng Thám / Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
14 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khám phá phiên chợ 'đặc sản' Sapa