Dù trên danh nghĩa, thỏa thuận cắt giảm sản lượng từ đầu năm 2017 và mới được gia hạn đến hết năm 2018 tại Vienna nhằm vực dậy giá dầu thế giới là một sự bắt tay giữa OPEC và các nước xuất khẩu ngoài OPEC (đứng đầu là Nga), nhưng trên thực tế các nhà lãnh đạo OPEC luôn được xem là kiến trúc sư trưởng cho mọi quyết định
Trên thị trường dầu thế giới ở thời điểm hiện tại, sẽ không gì chính xác hơn nếu so sánh rằng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) đang là thế lực chi phối mang tính quyết định nhất. Cũng gần giống như việc điều chỉnh nhiệt độ nóng lạnh của một chiếc vòi hoa sen để đảm bảo rằng nước luôn ấm chứ không nóng quá hoặc lạnh quá, OPEC cũng đang cố gắng gia tăng sự kiểm soát nhằm đạt được sự cân bằng của giá dầu trên thị trường thế giới theo cách có lợi nhất cho mình. Dù trên danh nghĩa, thỏa thuận cắt giảm sản lượng từ đầu năm 2017 và mới được gia hạn đến hết năm 2018 tại Vienna nhằm vực dậy giá dầu thế giới là một sự bắt tay giữa OPEC và các nước xuất khẩu ngoài OPEC (đứng đầu là Nga), nhưng trên thực tế các nhà lãnh đạo OPEC luôn được xem là kiến trúc sư trưởng cho mọi quyết định. Thị trường dầu thế giới, đang thực sự là một chiếc vòi hoa sen trong tay OPEC?
Chiến lược và cách thức kiểm soát nhằm điều khiển giá dầu kể từ đầu năm 2017 đến nay của OPEC dường như tỏ ra khá đơn giản: Thỏa thuận với các nước xuất khẩu ngoài OPEC sẽ mở rộng việc cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu, nhưng giới hạn ở mức không làm giá dầu tăng cao đến nỗi sụt giảm nhu cầu hoặc tạo ra sự hồi phục của các công ty dầu đá phiến ở Mỹ. Chiến lược đơn giản này được thực hiện thông qua việc giao phó mức sản lượng cắt giảm và thời gian thực hiện cho các nước tham gia thỏa thuận theo tính toán vẫn giúp các nước này cầm cự (ngoại trừ Lybia, Nigeria và Venezuela vốn bị ảnh hưởng bởi nội chiến hoặc khủng hoảng kinh tế).
Kết quả của chiến lược này đã được thể hiện trong tuyên bố của OPEC vào ngày thứ năm 30.11 vừa qua, khi các nhà lãnh đạo của tổ chức này cho biết thỏa thuận cắt giảm sản lượng sẽ được kéo dài đến hết năm 2018 so với mức trước đó chỉ là đến hết tháng 3.2018. Trong khoảng thời gian thỏa thuận cắt giảm được thực hiện từ đầu năm 2017, giá dầu luôn được duy trì ở quanh mức 60 USD/thùng, vào thời điểm tuyên bố gia hạn thỏa thuận cắt giảm của OPEC được đưa ra giá dầu Brent đang ở mức trên 63 USD/thùng. Mức giá này được đánh giá là đem lại lợi nhuận đáng kể cho các nước xuất khẩu dầu cả trong lẫn ngoài OPEC, nhưng là chưa đủ để có thể khiến các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ mở rộng mức độ khai thác trở lại và có thể đe dọa làm sụt giảm giá dầu do tăng nguồn cung.
Các chuyên gia đánh giá rằng đây có thể xem như một chiến thắng của OPEC khi có thể tổ chức và điều hành một thỏa thuận cắt giảm quy mô lớn diễn ra trơn tru như vậy, nhất là khi OPEC lâu nay vốn không được xem là một tổ chức có sự gắn kết nội bộ cao. Vượt qua sự bất đồng nội bộ về mức độ cắt giảm được phân chia, OPEC còn có thể lôi kéo sự tham gia của những nước xuất khẩu lớn như Nga – nhà sản xuất quan trọng hơn nhiều so với hầu hết các nước OPEC khác. Đối chiếu với những lần cắt giảm quy mô lớn trước đây cũng cho thấy sự tiến bộ của OPEC trong thỏa thuận lần này: một thập niêntrước, OPEC có thể phải mất đến vài năm mới có thể điều chỉnh và kiểm soát sản lượng theo kế hoạch đã đặt ra, vì mất thời gian cho việc khoan các giếng dầu mới lẫn nguy cơ bất ổn đối với nền kinh tế trong nước. Trong khi đó, thỏa thuận lần này kể từ khi được thông qua đến khi đi vào thực hiện chỉ mất khoảng vài tháng.
Tuy nhiên, sự kiểm soát tinh vi sản lượng và giá dầu của OPEC hiện nay cũng đang phải đối mặt với những thách thức không hề nhỏ. Dù rất thận trọng không để giá dầu vượt ngưỡng 65 USD/thùng – mốc có thể khiến các công ty dầu đá phiến Mỹ mở rộng sản lượng khai thác, nhưng khoảng cách giữa hai bên cũng đang dần thu hẹp từng chút một. Trong báo cáo mới nhất của công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy về khả năng sản xuất của các công ty dầu đá phiến ứng với mỗi mức giá khác nhau, thì sản lượng các công ty dầu phiến Mỹ sẽ tăng khoảng 0,9 triệu thùng/ngày nếu giá dầu ở mức 45 USD/thùng ít nhất là từ nay đến năm 2020; còn nếu giá dầu đạt mức 65 USD/thùng thì mức tăng sản lượng này sẽ đạt khoảng hơn 1,5 triệu thùng/ngày. Đây có thể là lý do vì sao OPEC và các nước xuất khẩu ngoài OPEC như Nga chỉ gia hạn thỏa thuận cắt giảm hiện nay đến hết năm 2018 mà không dài hơn. Một thỏa thuận gia hạn ngắn hơn cũng đồng nghĩa với việc khả năng phải điều chỉnh sản lượng cắt giảm (và qua đó là giá dầu) sẽ cao hơn. Sự kiểm soát giá dầu khi ấy của OPEC và các đồng minh có thể sẽ còn tinh vi hơn bây giờ, nhưng sẽ theo chiều hướng giá cả ngày càng giảm dần thì dường như là điều tương đối chắc chắn.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)