Sự độc đáo về văn hóa và những chính sách rất khắt khe trong vấn đề nhập cư và nhập quốc tịch của Nhật Bản trong quá khứ khiến rất nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là điểm đến hấp dẫn về du lịch và công việc mang tính ngắn hạn.

Nhật Bản: Ít hấp dẫn lao động giỏi từ nước ngoài vì môi trường làm việc khắt khe

Nhàn Đàm | 05/12/2017, 14:10

Sự độc đáo về văn hóa và những chính sách rất khắt khe trong vấn đề nhập cư và nhập quốc tịch của Nhật Bản trong quá khứ khiến rất nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là điểm đến hấp dẫn về du lịch và công việc mang tính ngắn hạn.

Trong khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump cố gắng tìm cách để đẩy những người nhập cư nước ngoài đầy tài năng ra khỏi nước Mỹ, thì Nhật Bản lại đang tìm cách thu hút họ như một biện pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế. Nhưng, đất nước mặt trời mọc lại đang gặp nhiều khó khăn trong việc đưa những người nhập cư tài năng đến nước mình.

Sự độc đáo về văn hóa và những chính sách rất khắt khe trong vấn đề nhập cư và nhập quốc tịch của Nhật Bản trong quá khứ khiến rất nhiều người nghĩ rằng đây chỉ là điểm đến hấp dẫn về du lịch và công việc mang tính ngắn hạn. Nó đã trở thành một định kiến không dễ thay đổi, dù trong vài năm gần đây số người nước ngoài sinh sống và làm việc ở Nhật Bản đã tăng lên rất nhiều.

Hầu hết những người nước ngoài ở Nhật Bản đều chỉ thuộc diện cư dân tạm thời, một phần những lao động này sẽ được cấp chứng chỉ kỹ thuật viên thực tập trong visa, kể cả những sinh viên nước ngoài đến Nhật học tập và làm việc trong nền kinh tế nước này sau khi tốt nghiệp. Một phần những người này sẽ quay trở về quê hương sau khi hết hạn cư trú được cấp trong visa trong khi những người thay thế khác sẽ đến; còn một phần khác sẽ ở lại, đặc biệt là những người kết hôn với người dân bản địa và định cư ở Nhật. Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang không hài lòng với tình trạng chỉ thuê nhân viên nước ngoài ở các cửa hàng tiện dụng hay làm các công việc đơn giản như nấu nướng tại gia vốn là biện pháp giải quyết tình trạng già hóa dân số. Chính phủ Nhật Bản hiện tại muốn mở rộng đối tượng nhập cư đối với các kỹ sư, các nhà doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực khác.

Để thu hút tài năng toàn cầu, Nhật Bản đang cố theo đuổi chính sách tương tự như một số quốc gia đi đầu về nhập cư khác, điển hình là Canada, đặc biệt là hệ thống chính sách nhập cư dựa theo điểm. Các bằng cấp chuyên môn cao cấp, kỹ năng ngôn ngữ, kinh nghiệm làm việc cũng như các bằng cấp kỹ năng khác sẽ được xếp loại thông qua các điểm số, và những người có điểm số cao có thể giúp những người lao động nước ngoài này kiếm được một thường trú – tương đương với thẻ xanh ở Mỹ - chỉ trong vòng một năm. Bằng động thái này, Nhật Bản đang trở thành quốc gia có hệ thống cấp diện thường trú nhanh nhất trên thế giới. Sau đó, những người này sẽ cần thêm khoảng 5năm cư trú và 1năm nữa hoàn tất về mặt giấy tờ để chính thức trở thành một công dân Nhật Bản.

Vì vậy, đối với những lao động có tay nghề cao, Nhật Bản giờ đây là một trong những điểm đến dễ dàng nhất trong số các quốc gia phát triển giàu có. Tuy nhiên, điều này có vẻ như đã không xảy ra như Tokyo kỳ vọng. Theo Trung tâm Cạnh tranh thế giới - IMD, Nhật Bản là nước châu Á ít hấp dẫn nhất đối với những nhân tài nước ngoài. Theo thống kê, Nhật Bản xếp chót bảng về vấn đề này sau hầu hết các quốc gia châu Á khác, kể cả những nước đang phát triển và có môi trường sống không được đánh giá cao như Trung Quốc, Indonesia, Philippines hay cả Ấn Độ. So với hầu hết các nước xếp trên, Nhật Bản được đánh giá cao hơn về đa phần các yếu tố quan trọng nhất, từ môi trường sống an toàn, sạch sẽ và thân thiện, cơ sở hạ tầng và thực phẩm tuyệt vời, diện tích nhà ở lớn hơn cả Đức hay Anh. Vậy tại sao những nhân tài nước ngoài đang tìm việc làm lại không chọn đến Nhật Bản?

Một lý do hàng đầu là ngôn ngữ. Tim Eustace, người sáng lập Next Step – một công ty tuyển dụng ở Tokyo, cho biết ngôn ngữ đặc biệt quan trọng ở Nhật Bản. Mặc dù có rất nhiều dấu hiệu tiếng Anh trên đường phố hay các ga tàu điện ngầm, thì kinh doanh và học tập ở Nhật đều được thực hiện bằng tiếng Nhật. Eustace cho rằng nhiều lao động quốc tế hàng đầu trong các lĩnh vực như tài chính và công nghệ muốn gửi con cái đến các trường dạy bằng tiếng Anh và nói tiếng Anh ở nơi làm việc trong một thời gian nhất định.

Điều này có thể sẽ không được cải thiện trong ngắn hạn, do mức độ sử dụng tiếng Anh trong xã hội Nhật từ trước đến nay khá khiêm tốn, bản thân các nhà lãnh đạo và người dân Nhật cũng không muốn chấp nhận việc suy giảm vai trò của ngôn ngữ Nhật trong xã hội.

Tuy nhiên, đó vẫn không phải là vấn đề lớn nhất. Eustace cho rằng một mối quan tâm lớn khác của người lao động nước ngoài, đó là sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống ở Nhật Bản. Từ lâu, các công ty Nhật Bản nổi tiếng vì thường yêu cầu các nhân viên làm việc trong một khoảng thời gian dài hơn hẳn so với thông thường mỗi ngày. Dù Thủ tướng Shinzo Abe đang cố gắng cải thiện tình trạng này, nhưng tiến triển vẫn còn rất chậm. Mặt khác, văn hóa doanh nghiệp đánh giá thông qua sự nỗ lực chứ không phải trên kết quả và chất lượng hiện vẫn đang khá phổ biến ở các công ty Nhật. Một số công ty Nhật, như hãng sản xuất bánh snack Calbee, đã chuyển đổi khá thành công sang mô hình mới; tuy nhiên đây vẫn chỉ là số ít.

Ngoài ra, lương và thu nhập của Nhật hiện tại có thể cũng không hấp dẫn được những lao động tài năng nước ngoài. Hiện tại nhiều công ty Nhật Bản vẫn thuê nhân viên theo kiểu cũ: ngay sau khi họ tốt nghiệp đại học và gắn bó trong suốt phần còn lại của sự nghiệp, và tiến trình này xuất phát từ một mức lương khá thấp và việc tăng lương tương ứng với thời gian đóng góp. Những lao động nước ngoài tài năng vốn đã quen với hệ thống quốc tế về việc làm sẽ không thích và khó thích ứng với hệ thống kiểu cũ này của các công ty Nhật.

Nói cách khác, vấn đề thu hút lao động tài năng nước ngoài của Nhật Bản hiện nay cũng có gốc rễ từ các vấn đề căn bản của quốc gia này, đó là một hệ thống doanh nghiệp cứng nhắc và thiếu linh hoạt, một nền kinh tế xơ cứng do quá khứ để lại. Nó sẽ được khắc phục nếu Nhật Bản giải quyết được các bài toán kinh tế căn bản của mình.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Hà Nội công bố tình huống khẩn cấp sạt lở trên các tuyến đê bờ sông Bùi
2 phút trước Sự kiện
TP.Hà Nội vừa công bố tình huống khẩn cấp các sạt lở trên các tuyến đê, sạt lở bờ sông Bùi tại huyện Chương Mỹ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhật Bản: Ít hấp dẫn lao động giỏi từ nước ngoài vì môi trường làm việc khắt khe