Mới đây, người đứng đầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang đã trả lời báo chí rằng: Từ hơn một tháng nay, ông Trịnh Xuân Thanh, tỉnh ủy viên , nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang đã cáo bệnh và xin phép Tỉnh ủy cho được nghỉ để chữa trị. Chức danh Phó chủ tịch tỉnh không còn nhưng về bên Đảng, ông Thanh vẫn còn là tỉnh ủy viên. Và ông vẫn là cán bộ, hưởng lương bên Văn phòng UBND tỉnh cho nên đây vẫn được xem là đầu mối nắm được ông Trịnh Xuân Thanh hiện bệnh trạng thế nào?
Thế nhưng, đọc trên báo mấy ngày qua, vẫn chưa có một lãnh đạo hoặc người có trách nhiệm nào phát ngôn chính thức ông Thanh bị bệnh gì và hiện ở đâu. Thậm chí đến cả cấp Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng né trả lời, chỉ nói “không rõ"!
Trong thực tế vài chục năm qua ở nước ta, khi những quan chức hoặc cựu quan chức bị đưa vào tầm ngắm của các cơ quan tố tụng hoặc Thanh tra Chính phủ, kiểm tra Đảng... thì có những trường hợp "bất chợt đổ bệnh". Tôi không nói tất cả hiện tượng này đều thiếu trung thực vì cũng có trường hợp bệnh thật sự và cần được xem xét cho phù hợp với đạo lý. Nhưng quả là khó hiểu khi không ít vụ việc được đưa ra ánh sáng thì những người phải chịu trách nhiệm lại được xem xét cho giảm nhẹ hình thức xử lý "vì lý do sức khỏe, bệnh tật" của đương sự.
Điển hình và gây "ấn tượng" nhất với người dân gần đây là vụ sai phạm ở đường ống nước sạch sông Đà. Chỉ trên 20 km đường ống mà có tới 18 lần xảy ra vỡ ống hoặc sự cố nứt ống liên tục trong vài năm, gây thiệt hại nhiều chục tỉ đồng cho Nhà nước và ảnh hưởng đến đời sống người dân Thủ đô. Dư luận cả nước, không riêng gì Hà Nội, cũng không bằng lòng với cách đưa lý do miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người mắc sai phạm chỉ vì những người đó "chưa phạm tội lần nào", cùng các tình tiết giảm nhẹ khác ta thường nghe như "có nhân thân tốt", "có thành tích cống hiến cho đất nước trong quá khứ"...
Đặc biệt là cụm từ “đối tượng chưa phạm tội lần nào", dù có thể đúng như thế, theo tôi cũng không nên đưa ra, xem như một tình tiết để giảm nhẹ cho người có tội, vốn là cán bộ có hiểu biết pháp luật. Nó thiếu tính thuyết phục với dư luận xã hội.
Có câu chuyện, nghe qua thì chẳng ăn nhập với chủ đề này nhưng ngẫm nghĩ kỹ, nó cũng góp phần giúp chúng ta có một lối nhìn chính xác hơn về những cái chưa ổn trong khía cạnh “nhân đạo” của pháp luật.
Trong thực tế, khi xét xử các tội phạm buôn bán ma túy và các trọng án khác, nhiều nữ tội phạm biết được quy định của pháp luật là nếu tội phạm đang mang thai thì chưa thi hành án tử hình. Vì thế họ đã lợi dụng, tìm mọi cách để có bầu liên tục, đặc biệt là trong thời gian họ buôn bán ma tuý mà chưa bị lộ, phòng khi lỡ chân sa lưới. Còn khi đã lộ và bị bắt đi tù, lại có chuyện hài hước hơn, ví như chuyện phạm nhân liên tục mang bầu trong trại giam, có khi đến lần thứ 3 như tôi biết cách đây chục năm để rồi rất khó thi hành án tử hình ngay với họ.
Đây chính là kẽ hở, chưa nói là có thể có thêm sự tòng phạm của ai đó có trách nhiệm trợ giúp họ trong trại giam mà lẽ ra, với các đối tượng chờ thi hành án tử hình này phải được canh gác nghiêm ngặt hơn ai hết. Không có lý gì để họ "vô tư" khai rằng sở dĩ mang thai được là... "qua lỗ thông hơi"! Gần đây nhất là chuyện nữ phạm nhân khai trước tòa rằng mình mang bầu do đã xin tinh trùng của bạn tù bằng cách cho vào... túi nylon rồi chuyển qua cho tù nữ "xử lý"!
Những ví dụ nói trên chỉ khiến dư luận thêm bất bình vì tính phi lý qua những lời khai của phạm nhân. Nếu cơ quan quản lý trại giam cũng như luật pháp ban hành mà chặt chẽ hơn, nghiêm khắc hơn, sẽ không thể có chuyện tương tự như thế xảy ra...
Tôi hy vọng rằng nhiệm kỳ mới này của Quốc hội khoá 14, pháp luật sẽ được thực thi nghiêm túc với kẻ phạm tội, bất luận họ là ai, chức tước họ dù cao thế nào cũng phải xử nghiêm khắc, đúng pháp luật. Nói như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông nhắc lại quan điểm của mình với tư cách người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam: Sẽ không để một ai, để cấp nào can thiệp, che chắn khi Đảng sẽ quyết liệt tiến hành xem xét nguyên Phó chủ tịch Hậu Giang về quá trình công tác liệu có "chạy chức" (từ khi đi làm cho nhà nước vào năm 1995 cho đến năm 2010, ông Trịnh Xuân Thanh đã kinh qua khoảng 10 chức vụ, có nhiều chức chỉ tại vị nửa năm không hơn). Đó là chưa kể giai đoạn "chạy" khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) về Bộ Công thương (2013-2015) nhưng trong 3 năm đó cũng đã qua 4 chức vụ (không kể chức Phó chủ tịch Hậu Giang); chuyện "chạy thành tích" (khoảng 26 tháng, PVC nhận 3 danh hiệu thi đua cao quý, bản thân ông Thanh thì nhận Huân chương Lao động Hạng Ba) và đây chính là thứ danh hiệu khiến cựu Bí thư Hậu Giang bị loá mắt nghĩ là ông Thanh rất tài năng rồi nhận về, không xác minh, không xin ý kiến thường vụ tỉnh ủy; rồi chuyện "chạy tội" (sai phạm khi lãnh đạo PVC để gây thất thoát gần 3.300 tỉ mà vẫn không bị kỷ luật với cả 2 nhân vật vốn đứng đầu PVC và lại còn được thăng các chức mới nhanh chóng mặt)...
Từ câu chuyện ông Trịnh Xuân Thanh đang cáo bệnh gần đây và việc các cơ quan của Đảng, Chính phủ đang vào cuộc rốt ráo để sớm đưa ra kết luận, đề xuất hướng xử lý nghiêm khắc, cần cảnh giác với những trường hợp cáo bệnh để mong được nương nhẹ. Cũng rất nên thành lập Hội đồng giám định Y khoa để kết luận chính xác với những chữ ký chuyên môn, có chịu trách nhiệm, tránh để lọt người, lọt tội. Mong rằng Đảng, Chính phủ nên xem đó như một điển hình của một tầng lớp quan chức tha hóa trong Đảng cần phải loại bỏ, qua đó lấy lại hình ảnh đẹp về mình trong đời sống xã hội...
Quốc Phong