Ngày 4.9, Đức Giáo hoàng Francis đã chủ trì Lễ phong Thánh cho Mẹ Teresa. Đây là sự kiện lớn của Giáo hội Công giáo La Mã, cũng là sự kiện nhắc nhở toàn thế giới hướng về những người bất hạnh nhất của nhân loại.

Mẹ Teresa – cuộc đời như phép lạ

05/09/2016, 05:15

Ngày 4.9, Đức Giáo hoàng Francis đã chủ trì Lễ phong Thánh cho Mẹ Teresa. Đây là sự kiện lớn của Giáo hội Công giáo La Mã, cũng là sự kiện nhắc nhở toàn thế giới hướng về những người bất hạnh nhất của nhân loại.

Có quá nhiều sách vở, báo chí, truyền hình, phim ảnh về cuộc đời của vị nữ tu đáng kính này. Tên của bà trở thành biểu tượng của lòng bác ái, vượt lên trên mọi định kiến về triết lý và chính trị. Bà được các tổ chức quốc tế cũng như các Chính phủ dành cho 124 giải thưởng và danh hiệu cao quý, trong đó có Giải Nobel hòa bình, phía “hữu” tôn vinh bà với Huy chương tự do từ Tổng thống Mỹ Reagan, phía “tả” cũng tôn vinh bà với Huy chương vàng từ Ủy ban Hòa bình Liên Xô. Người phụ nữ này không cần các danh hiệu, không cần các giải thưởng, tôn vinh bà chính là niềm vinh dự cho những người và những tổ chức tôn vinh.

Là một tu sĩ, nhưng Mẹ Teresa không hướng về Thiên Chúa trên thiên đường mà hướng về “những người nghèo nhất trong số những người nghèo”. Đó là những người đói khát bệnh tật trong các khu ổ chuột hay vô gia cư nơi đường phố, những người bị bệnh phong hay HIV/AIDS, những nạn nhân của chiến tranh, của thiên tai và dịch bệnh, những người bị xã hội ruồng bỏ hay quên lãng sống lây lất bên lề xã hội… Bà không chỉ ôm những đứa trẻ tật nguyền đói khát ở các khu ổ chuột Ấn Độ, đến Chernobyl để giúp các nạn nhân bị nhiễm xạ, đến những nơi tang thương nhất của Châu Phi để giúp đỡ những người bị đói, đến những vùng dịch bệnh hoành hành để chăm sóc những người cùng khổ, mà còn tự mình băng qua một trận địa đầy lửa đạn để giải cứu 37 em bé trong một bệnh viện giữa cuộc giao tranh ở Beirut năm 1982… Người phụ nữ yếu ớt này đã lập ra một dòng tu – dòng Thừa sai bác ái, với hàng ngàn tu sĩ và vô số những người tình nguyện, đã có mặt gần khắp mọi nơi trên thế giới để chăm sóc những người bất hạnh. Và như bà nói, “nếu có người nghèo trên mặt trăng, chúng tôi cũng sẽ đến đó”. Là một Ki-tô hữu nhưng bà không ngần ngại “phạm thượng” khi nói thẳng với Đức Giáo hoàng John-Paul II: “Thưa Đức Thánh Cha, cha có biết thế nào là tử tế không? Là chia cho người nghèo chỉ một nửa sự giàu sang của Vatican”.

Cũng có những chỉ trích trên thế giới, rằng việc làm của Teresa là để “làm gia tăng số giáo dân Công Giáo”, rằng bà tự giới hạn mình trong việc cứu sống người khác thay vì nỗ lực giải quyết nạn đói nghèo. Tuy nhiên, những lời chỉ trích chẳng thuyết phục được ai. “Làm gia tăng số giáo dân Công Giáo” để làm những việc tốt như bà thì có gì là xấu?

Dù Teresa là một vị Thánh nhưng bà đâu có thể đủ sức giải quyết được nạn đói nghèo trên hành tinh chúng ta. Đói nghèo không phải là sự mặc định của tạo hóa mà phát sinh từ sự tham lam, gian xảo, từ sự hám quyền hám danh hám lợi, từ sự ác độc và ngạo mạn của con người đối với đồng loại và đối với thiên nhiên. Ngay cả đói nghèo do thiên tai thì nguồn cội cũng từ việc con người tàn phá thiên nhiên. Giải quyết nạn đói nghèo là giải quyết cái gốc của nó, đó là con người phải sống thương yêu hòa bình với nhau và sống khiêm nhường với thiên nhiên. Trong diễn từ nhận giải Nobel hòa bình năm 1979, Teresa đặt câu hỏi: “Chúng ta phải làm gì để thăng tiến nền hòa bình thế giới ?” và bà tự trả lời: “Hãy về nhà và yêu chính gia đình của mình”. Yêu thương người thân của mình thì mới có thể yêu thương người khác, không yêu thương người thân của mình thì làm sao có thể yêu thương người khác được!

Quá trình phong thánh của Mẹ Teresa trải qua 2 bước: Bước thứ nhất, khi Tòa thánh Vatican công nhận bà là người có đầy đủ đức độ, là tấm gương cho các Kitô hữu và đã thực hiện được 1 “phép lạ”, bà được phong Chân phước vào năm 2003. “Phép lạ” đầu tiên đó là sự kiện một phụ nữ Ấn Độ bị một khối u ở bụng được chữa khỏi vào năm 1998 sau khi đặt bức ảnh của Mẹ Teresa lên bụng và cầu nguyện. Tòa thánh xác nhận đây là khả năng siêu nhiên của bà. Phép lạ thứ 2 được Tòa thánh công nhận dẫn đến việc bà được phong Thánh, là sự kiện một người đàn ông Brazil bị khối u ở não được chữa khỏi vào năm 2008 sau khi cầu nguyện Mẹ Teresa.

Là người “ngoại đạo”, tôi không có đủ niềm tin vào những “phép lạ” cụ thể đó mặc dù tôi tôn trọng niềm tin của đồng bào Công Giáo của mình. Nhưng tôi tin chắc điều này: Mẹ Teresa đã góp phần làm cho nhân loại trở nên khoan dung hơn, khơi mở rộng hơn con đường đi đến điều thiện, thu hẹp bớt con đường đi đến điều ác. Cả cuộc đời bà chínhlà một phép lạ.

HOÀNG HẢI VÂN

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mẹ Teresa – cuộc đời như phép lạ