Theo âm lịch, rằm tháng 8 là Trung thu, còn gọi là Tết nhi đồng. Tất nhiên Trung thu hay Tết nhi đồng nguyên thủy xuất phát từ một sự tích rất đẹp của Trung Hoa du nhập vào nước ta và một số nước Đông Nam Á.

Nghĩ về chiếc bánh Trung thu cho trẻ em nghèo

05/09/2016, 18:45

Theo âm lịch, rằm tháng 8 là Trung thu, còn gọi là Tết nhi đồng. Tất nhiên Trung thu hay Tết nhi đồng nguyên thủy xuất phát từ một sự tích rất đẹp của Trung Hoa du nhập vào nước ta và một số nước Đông Nam Á.

Theo thời gian và phát triển của xã hội, Tết Trung thu biến tướng dần theo môi trường và màu sắc văn hóa của mỗi nước. Riêng Việt Nam, ngày Tết nhi đồng ngày càng “biến hóa” kỳ ảo, xa dần truyền thống và gần như không còn là ngày Tết của trẻ em mà là một “lễ hội” giao tiếp của người lớn, phân chia đẳng cấp hết sức rõ ràng và quả thực rất đáng buồn.

Nhớ ngày xưa, ngày tôi còn học tiểu học ở quê làng, gần tới ngày Trung thu, thầy cô đã lên kế hoạch cho đêm rằm tháng 8 một cuộc “rước đèn” ngoạn mục. Nhà trường tổ chức cuộc thi làm đèn Trung thu ở mỗi lớp do học sinh tự làm để bình chọn ra những chiếc đèn đẹp nhất tham dự đêm rước đèn. Học sinh nào có đèn được bình chọn ra các giải nhất, nhì, ba, khuyến khích đều có thưởng. Phần thưởng cũng chỉ là một chiếc bánh Trung thu, những viên kẹo đủ màu sắc, nhưng lại khiến cho học sinh tham dự cuộc thi sự hào hứng khó tả.

Đi học về, bỏ công sức ra chặt tre, vót nan, hì hụi làm khung đèn Trung thu kiểu truyền thống như: con bướm, con gà, con thỏ, ngôi sao… giấy làm đèn là loại giấy kiếng, đủ màu. Trước khi “rước đèn đi khắp xóm làng”, học sinh dự cỗ Trung thu tại lớp, những chiếc bánh Trung thu nhỏ xíu, xấu xí, vài thứ bánh kẹo khác, hát những bài hát về Trung thu rộn ràng rồi đốt đèn, kéo nhau đi dọc con đường làng dài cả 2 cây số, ngược lại sân trường rồi… tan hàng. Vậy mà vui như Tết. Và đó mới đúng là Tết Trung thu với học trò ngày xưa, với trẻ em thôn quê.

Nhiều năm trước đây ở thành phố tôi vẫn còn chứng kiến trẻ con trong xóm chơi trò rước đèn trong đêm Trung thu nhưng đèn thì không phải các em tự làm mà được cha mẹ mua ở chợ. Tất nhiên đèn do những nghệ nhân ở khu phố làng nghề có thâm niên làm đèn Trung thu ở Sài Gòn, Chợ Lớn làm thì đẹp hơn nhiều, tuy vẫn làm thủ công nhưng giấy bóng màu, trang trí, vẽ hình họa con này con kia “thiện nghệ” hơn, hoa mỹ hơn đèn Trung thu trẻ con tự làm. Trẻ con ngày nay chơi đèn Trung thu khỏi phải bỏ công ra làm, bánh Trung thu được ăn nguyên chiếc, thơm ngon hơn, sang trọng hơn.

Nhưng tôi thấy đã mất dần ý nghĩa truyền thống của ngày Tết nhi đồng trong tâm tưởng. Nhưng rồi đất nước mở cửa, hội nhập, xã hội phát triển, kinh tế khá hơn, ngày Trung thu đã thấy phân chia đẳng cấp của chiếc đèn truyền thống ở các làng nghề, phố nghề và đèn Trung thu ngoại nhập. Vào những ngày này, các bậc cha mẹ đi chợ chọn mua đèn Trung thu cũng tùy theo túi tiền của mình, người có thu nhập trung bình thì chọn mua đèn truyền thống, xấu hơn, vẫn đốt đèn cầy (nến); người khá giả thì chọn mua đèn ngoại nhập, sử dụng pin thắp sáng, mẫu mã các loại đèn sang trọng hơn, giá đắt gấp đôi, gấp ba… tiền nào của đó theo quy luật thị trường.

Một đêm rước đèn Trung thu ở xóm tôi đã thấy lẫn lộn đèn truyền thống, đèn ngoại nhập, trẻ con vì thế đã có sự so bì, ghen tị, cãi nhau. Bánh Trung thu cũng thế, trẻ con nhà nghèo ăn bánh bình dân bán ngoài lề đường vài trăm ngàn một hộp, trẻ em nhà khá giả ăn bánh thương hiệu nổi tiếng vài trăm ngàn, sang trọng hơn đã có loại bánh vài triệu, kèm rượu Tây, trà ngoại. Mấy năm gần đây, đặc biệt năm nay đèn Trung thu truyền thống đã không còn cạnh tranh nổi với đèn Trung thu ngoại nhập, ở chợ loại đèn truyền thống giảm dần, một số làng nghề, phố nghề làm đèn Trung thu có thâm niên sau một thời gian cố gắng đeo đuổi nghề đã phải bỏ cuộc. Đèn Trung thu nhập ngoại tràn lan, sự hào nhoáng đã có sức nặng đè bẹp hình ảnh khiêm nhường của đèn thủ công giấy kiếng, những con gà, con bướm, con thỏ đã lùi dần vào dĩ vãng, nghệ nhân làng nghề, phố nghề buồn thiu.

Bánh Trung thu Như Lan mấy năm trước đã gọi là đắt với giá mấy trăm ngàn một hộp nhưng năm nay thương hiệu này đã trở thành thương hiệu bình dân, nhường chỗ cho các thương hiệu từ nhà hàng, khách sạn, tiệm bánh “có yếu tố nước ngoài” tham gia thị trường bánh Trung thu với giá mỗi hộp bánh cao ngất ngưởng. Bánh Trung thu ngoại nhập thì khỏi nói, có thương hiệu bánh dát vàng, trau chuốt từ trong ra ngoài mẫu mã hộp bánh thật lộng lẫy, thật sang trọng dành cho người giàu có, không chỉ mua cho con ăn mà còn tặng phẩm ngoại giao, ứng xử giữa người lớn với người lớn. Một hộp bánh Trung thu dát vàng kèm cặp rượu, hộp Ô Long, Hồng Xà loại đựng trong bình sứ, bọc lụa vàng với giá trên 10 triệu, hay cao hơn nữa thì đâu phải để cho trẻ con thưởng thức Tết nhi đồng? Và chắc chắn, trẻ con nhà nghèo dù có nằm mơ cũng không thấy.

Rằm tháng 8 là Tết nhi đồng, là lễ hội Trung thu của trẻ em khắp nơi, trăng Trung thu luôn sáng như gương và sáng đều khắp mọi nhà. Nhưng đó là chuyện trên trời, còn chuyện dưới đất ngay tại thành phố này chứ không nói ở các vùng quê xa xôi, vẫn còn nhiều hộ gia đình nghèo, thậm chí rất nghèo, dù cố gắng cũng không thể bỏ ra vài trăm ngàn mua một hộp bánh giá “bình dân” cho con ăn, bỏ ra cả trăm ngàn mua một chiếc đèn Trung thu nhập ngoại cho con vui chơi với chúng bạn trong xóm.

Đâu đó còn những trẻ em lang thang sống ngoài hè phố, không có cả mái ấm gia đình thì làm gì có một bữa cỗ Trung thu dù chỉ là chiếc bánh bình dân, một chiếc đèn giấy kiếng thắp nến? Không ai bắt một người giàu phải thưởng thức Trung thu như một người nghèo, nhưng ta hãy nghĩ tới ước mơ, một chiếc bánh Trung thu giá bình dân của trẻ em nghèo và tấm lòng của người tử tế với sự bất hạnh. Không ai chọn cửa để sinh ra, nhưng mỗi người có thể gõ cửa nhà người khác trong đêm Trung thu với một trái tim còn ấm áp nghĩa tình.

Từ Kế Tường

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghĩ về chiếc bánh Trung thu cho trẻ em nghèo