Dịch bệnh COVID-19 đang làm thay đổi nhiều thứ, nhất là trong điều kiện thực hiện giãn cách như xã hội hiện nay, việc chăm sóc người thân bị bệnh tại các bệnh viện đang là một thách thức lớn đối với thân nhân bệnh nhân.
Thân nhân bệnh nhân như được “mở cờ”
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang phức tạp như hiện nay, hầu hết các bệnh viện địa bàn TP.HCM đều không cho thăm bệnh và hạn chế nuôi bệnh. Mỗi bệnh nhân tối đa chỉ 1 người nuôi bệnh, nhưng người nuôi bệnh phải qua rất nhiều khâu sàng lọc, đặc biệt là phải xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả âm tính.
Điều đó khiến không ít thân nhân bệnh nhân cảm thấy rất khổ sở trong việc chăm sóc người thân của mình ở bệnh viện. Vì việc chăm sóc người thân ở bệnh viện rất khó khăn, còn không chăm sóc thì sẽ ảnh hưởng lớn đến việc điều trị của người thân.
Mới đây, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã chính thức triển khai dịch vụ thay người thân chăm sóc bệnh nhân và thăm bệnh trực tuyến. Điều này, như “mở cờ” trong lòng của không ít thân nhân bệnh nhân có người nhà đang điều trị tại đây.
“Tôi thấy dịch vụ này rất thiết thực, không những giúp hỗ trợ cải thiện sức khỏe cho mẹ tôi rất nhiều mà còn giúp bà khuây khỏa hơn khi các con các cháu không thể đến thăm, chăm sóc liên tục cho bà trong mùa dịch như thế này. Các cô có chuyên môn tốt, chăm sóc cho bà rất chu đáo và bài bản. Là con của bà nhưng chưa chắc tôi đã chăm sóc cho bà tốt được như vậy”, anh T.V.H. (48 tuổi, ngụ tại Bình Thuận) người nhà của bệnh nhân ở đây chia sẻ.
Theo anh H., mẹ anh năm nay đã 83 tuổi, không may trượt chân ngã khiến khớp háng bị gãy được đưa đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM điều trị. Sau khi thực hiện phẫu thuật thay khớp háng, bà phải nằm theo dõi tại bệnh viện trong vòng 2 tuần, mọi sinh hoạt hằng ngày đều rất khó khăn. Do dịch bệnh, bệnh viện có quy định hạn chế chỉ được một người nuôi bệnh. Để chăm sóc cho bà một cách tốt nhất, đồng thời có thêm thời gian giải quyết công việc, anh đã sử dụng dịch vụ thay người thân chăm sóc của bệnh viện.
ThS Nguyễn Thị Hồng Minh – Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết đây là dịch vụ mới mà bệnh viện đang áp dụng tại hầu hết các chuyên khoa. Với dịch vụ này, nhân viên y tế sẽ giúp người nhà người bệnh chăm sóc người thân. Mục tiêu nhằm hỗ trợ, chăm sóc liên tục cho những người bệnh mà gia đình không có điều kiện chăm sóc liên tục tại cơ sở y tế.
Với tinh thần nhẫn nại, chu đáo, xem người bệnh như chính người thân trong gia đình, nhân viên y tế ở đây lên kế hoạch chăm sóc hợp lý, khoa học, đảm bảo đúng tiêu chuẩn theo chỉ dẫn của bác sĩ. Theo đó, nhân viên y tế sẽ phối hợp với điều dưỡng hỗ trợ người bệnh sử dụng thuốc và ăn uống bằng đường miệng cho người bệnh, theo dõi diễn tiến của người bệnh để có thể phát hiện sớm nhất các dấu hiệu bất thường, tăng cường hỗ trợ vệ sinh cá nhân, vận động cho người bệnh… Bên cạnh đó, nhân viên y tế sẽ luôn bên cạnh động viên, chia sẻ và hướng dẫn người bệnh trong suốt quá trình điều trị.
“Nhân viên của dịch vụ thay người thân chăm sóc ở đây thực sự là cầu nối trao đổi thông tin sức khỏe người bệnh giữa người nhà và đội ngũ nhân viên y tế. Nhân viên chăm sóc luôn bên cạnh người bệnh để động viên, chia sẻ nỗi lo lắng của người bệnh như những người thân trong gia đình. Điều này, giúp người nhà có thể hoàn toàn yên tâm dành thời gian cho những công việc riêng của mình”, điều dưỡng Minh chia sẻ.
Nhân viên được đào tạo nghiệp vụ
Theo Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM tất cả quy trình chăm sóc đều được thực hiện bởi những nhân viên được đào tạo nghiệp vụ hỗ trợ chăm sóc, thành thạo các kỹ năng chăm sóc và phục vụ người bệnh với thái độ cởi mở, thân thiện, nhẹ nhàng.
Để làm được điều này, bệnh viện thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo cập nhật các xu hướng mới trong chăm sóc người bệnh an toàn, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu chuẩn hóa và hội nhập thế giới. Ngoài ra, bệnh viện cũng chú trọng đào tạo vấn đề tâm sinh lý như: đào tạo chuyên sâu vấn đề tâm lý đến nhân viên, giúp họ có thể hiểu, cảm thông, chia sẻ những khó khăn mà người bệnh đang mắc phải, giúp tinh thần người bệnh được thoải mái, vui vẻ, góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi của người bệnh.
Bên cạnh dịch vụ thay người thân chăm sóc bệnh nhân, bệnh viện còn triển khai thăm bệnh trực tuyến qua màn hình máy tính được bố trí tại Phòng giải thích tình trạng bệnh.
Tại đây, những hình ảnh bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp điều trị và chăm sóc, cùng người bệnh được tích hợp truyền trực tuyến đến Phòng giải thích tình trạng bệnh. Thông qua màn hình này, người nhà người bệnh sẽ yên tâm hơn khi được nghe các bác sĩ giải thích tình trạng bệnh, và trò chuyện trực tuyến với người thân của mình.
Hình thức này được áp dụng đối với các Đơn vị Hồi sức và các phòng bệnh nặng tại các khoa lâm sàng (không có người nuôi bệnh) như khoa Thần kinh – Phòng Điều trị tích cực Đột quỵ cấp, khoa Hô hấp – Phòng bệnh nặng, khoa Tim mạch can thiệp – Phòng Hồi sức tim, khoa Hồi sức tích cực, Đơn vị Hồi sức Ngoại Thần kinh, Đơn vị Gây mê hồi sức Phẫu thuật tim mạch. Mỗi khoa, đơn vị sẽ có một khung giờ nhất định để giải thích tình trạng bệnh trực tuyến với người nhà người bệnh.
“Trong điều kiện phòng chống dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, việc làm này vừa đảm bảo quy định không thăm bệnh, đáp ứng mục tiêu phòng chống dịch, vừa tạo điều kiện cho người nhà người bệnh được cập nhật tình hình sức khỏe của người thân đang điều trị tại bệnh viện”, điều dưỡng Minh nói.
Có thể nói, trong lúc dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp, việc đa dạng hóa các dịch vụ tiện ích trên, giúp người nhà người bệnh hoàn toàn an tâm trong quá trình người bệnh điều trị, dù không trực tiếp chăm sóc những người thân yêu của mình.