Nếu bạn hay dùng mì gói (mì tôm), có thể bạn đã không thoát được nguy cơ "không an toàn" này. Bởi vì 100% mẫu mì gói xét nghiệm đều chứa hóa chất acid oxalic - một tác nhân gây lắng đọng tạo ra sỏi thận.
Giáo sư Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Hội Y tế Công cộng đã công bố con số này tại hội thảo: “An toàn thực phẩm và dinh dưỡng với acid oxalic” tổ chức, tại TP.HCM, chiều 26.12.
Giáo sư Sơn đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Khoa học công nghệ Công ty Sắc ký Hải Đăng, một địa chỉ có thẩm quyền thường xuyên xét nghiệm thực phẩm.
Công ty Hải Đăng đã phát hiện 100% mẫu mì gói (62 mẫu) và 100% mẫu măng tươi (9 mẫu) có acid oxalic, từ tháng 6 đến tháng 10.2013.
Không thể biết chính xác nguồn acid oxalic này có mặt trong mì gói theo cách nào, từ nguyên liệu hay trong quá trình sản xuất.
Tuy nhiên, giáo sư Sơn lưu ý, acid axolic có 2 loại. Một là, acid oxalic vốn tự nhiên có trong nhiều loại rau củ quả, ngũ cốc. Hai là, thị trường còn có acid oxalic công nghiệp - loại hữu cơ có tính khử nên được sử dụng để tẩy trắng, khử gỉ sét, tẩy một số loại vết bẩn.
Không thể biết chính xác nguồn acid oxalic này có mặt trong mì gói theo cách nào, từ nguyên liệu hay trong quá trình sản xuất.
Để phân biệt hai loại acid oxalic này, được cho thêm vào hay có sẵn trong tự nhiên, phải dựa trên phân tích tỉ lệ đồng vị trong khối phổ. Tuy nhiên, phương tiện phân tích này chưa có ở Việt Nam, Giáo sư Sơn nói.
Dù cách nào, đối với người tiêu dùng, tác nhân gây sỏi thận này đã có mặt trong mì gói, với phạm vi không có vùng an toàn - 100%.
Acid oxalic trong cơ thể gặp calci tạo ra oxalat calci tạo sỏi thận. Uống nhiều nước để pha loãng nước tiểu nhằm giảm hàm lượng oxalat calci và tăng pH, là một trong những cách hóa giải, tiến sĩ - bác sĩ Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế Công cộng, nói.
Tin, ảnh: Mai Hoàng