Kiểm toán Nhà nước đã chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý đối với 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Kiểm toán Nhà nước chuyển sang công an điều tra 5 vụ việc trong năm 2020

Lam Thanh | 05/01/2021, 17:52

Kiểm toán Nhà nước đã chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý đối với 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Ngày 5.1, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức hội nghị triển khai chương trình công tác năm 2021.

ktnn.jpg
Hội nghị tổng kết năm của ngành kiểm toán

Trình bày báo cáo tổng kết công tác năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2021, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành cho hay, mặc dù tình hình quốc tế và trong nước có những biến động phức tạp do tác động của đại dịch COVID-19, ảnh hưởng toàn diện tới hoạt động kinh tế - xã hội và công tác kiểm toán, nhưng KTNN đã hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác năm 2020 với nhiều kết quả nổi bật.

Cụ thể, năm 2020, KTNN thực hiện 174 cuộc kiểm toán (158 cuộc theo phân giao kế hoạch đầu năm, bổ sung 22 cuộc và 06 cuộc điều chỉnh giảm theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và đề nghị của các đơn vị có liên quan) tổ chức thành 188 đoàn kiểm toán.

Đến 31.12.2020, toàn ngành đã triển khai 186/188 Đoàn kiểm toán theo kế hoạch, kết thúc kiểm toán 183/186 Đoàn kiểm toán đã triển khai (3 Đoàn kiểm toán bổ sung chưa kết thúc).

Các cuộc kiểm toán đã kết thúc đều thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra, chấp hành tốt Quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn KTNN, Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên (KTV) nhà nước, các cuộc kiểm toán phát hành BCKT theo đúng quy định của Luật KTNN.

Tổng hợp kết quả kiểm toán đến 31.12.2020, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 60.035 tỉ đồng, trong đó tăng thu NSNN 4.965 tỉ đồng, giảm chi NSNN 13.836 tỉ đồng, kiến nghị khác là 41.234 tỉ đồng.

Ngoài ra, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 119 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách tránh thất thoát, lãng phí; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với nhiều tập thể và cá nhân.

Năm 2020, KTNN đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 198 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí.

KTNN đã chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán; cung cấp 131 bộ tài liệu cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, điều tra, giám sát; kịp thời cung cấp thông tin phục vụ các phiên họp của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chức năng có liên quan.

KTNN cho biết sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2021, tạo tiền đề thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; tập trung nâng cao năng lực, đổi mới tổ chức hoạt động kiểm toán, có giải pháp khắc phục tác động của dịch bệnh COVID-19; tiếp tục đổi mới phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu; đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào hoạt động kiểm toán…

Cùng với đó, tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của KTNN và phát huy vai trò KTNN là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển yêu cầu KTNN quán triệt và thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào hoạt động của KTNN, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Cùng với đó, khẩn trương xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và thi hành Luật KTNN sửa đổi, bổ sung để Chiến lược phát triển KTNN, các quy định của Luật nhanh chóng đi vào thực tiễn; Coi trọng củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức và không ngừng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức.

Ông Hiển cũng đề nghị KTNN quan tâm xây dựng, đào tạo đội ngũ công chức, KTV nhà nước trong sạch, vững mạnh, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm tương xứng với yêu cầu của nghề nghiệp; Đảm bảo trên thực tế tính độc lập của KTNN và từng Kiểm toán viên nhà nước…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kiểm toán Nhà nước chuyển sang công an điều tra 5 vụ việc trong năm 2020