“Nói chung là học viên có thể bị đánh với bất cứ lý do gì, lâu ngày uất ức bị dồn nén nên ai cũng muốn phá trại, về nhà”, T. cho biết.

Tiền Giang: Lý giải chuyện học viên nhiều lần đào thoát khỏi cơ sở cai nghiện

Thanh Anh | 04/01/2021, 12:20

“Nói chung là học viên có thể bị đánh với bất cứ lý do gì, lâu ngày uất ức bị dồn nén nên ai cũng muốn phá trại, về nhà”, T. cho biết.

Những cuộc đào thoát liên tiếp

Đêm 25.11.2020, Khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang tiếp nhận nữ bệnh nhân H.K.T. (34 tuổi, quê quán ấp An Hòa, xã Định An, huyện Gò Quau, tỉnh Kiên Giang) từ Cơ sở Cai nghiện ma túy Tiền Giang (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, trực thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang). Bệnh nhân T. nhập viện trong tình trạng trúng độc, nôn ói dữ dội, chân tay co giật liên tục.

1(1).jpg

Cơ sở cai nghiện ma túy Tiền Giang, nơi liên tiếp xảy ra các vụ học viên phá trại, đào thoát - Ảnh: Thanh Anh

Các cán bộ của Cơ sở Cai nghiện ma túy Tiền Giang cho biết, bệnh nhân T. được đưa vào hôm 21.11 để thực hiện cai nghiện bắt buộc theo quyết định của tòa án. Khoảng 19 giờ ngày 25.11, học viên T. xin đi vệ sinh, nhưng sau đó bất ngờ uống nước xà phòng với ý định tự tử. Rất may các cán bộ và nhân viên y tế của cơ sở cai nghiện phát hiện kịp thời và đưa T. vào bệnh viện cấp cứu. Khi đã qua cơn nguy kịch, T. cho biết mình cố ý uống nước xà phòng để được đưa vào bệnh viện, sau đó sẽ tìm cách tẩu thoát.

Bởi lẽ T. từng nghe kể, trước đó vào ngày 6.6, có 2 nhóm học viên ở khu B và khu A của cơ sở cai nghiện đã gây ra 1 cuộc hỗn chiến khiến 12 người bị thương, 17 người bỏ trốn. Sau cuộc hỗn chiến, cơ sở cai nghiện đã đưa 11 người bị thương đến Bệnh viện đa khoa trung tâm Tiền Giang điều trị. Nhưng ngay trong đêm 6.6, có 4 học viên bị thương tích nhẹ đã bỏ trốn khỏi bệnh viện.

Đó là Trần Văn Lâm (35 tuổi, ngụ phường 10, TP.Mỹ Tho, bị tòa bắt buộc cai nghiện trong thời hạn 24 tháng, tính từ ngày 19.4.2019), Nguyễn Thành Lâm (26 tuổi, ngụ xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, Tiền Giang, bị bắt buộc cai nghiện 24 tháng, tính từ ngày 16.9.2019), Nguyễn Thành Vinh (22 tuổi, ngụ xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây, Tiền Giang, bị bắt buộc cai nghiện 15 tháng, tính từ ngày 28.7.2019) và Hồ Hiếu Thảo (27 tuổi, ngụ phường 8, TP.Mỹ Tho, bị cai nghiện bắt buộc 18 tháng, tính từ ngày 20.8.2019).

Cũng trong đêm 25.11.2020, khoảng 23 giờ có 4 học viên dùng cưa sắt cưa đứt các chắn song bằng sắt ở nhà vệ sinh phòng số 31 (thuộc tầng 2, khu 2 của cơ sở cai nghiện Tiền Giang), sau đó dùng mùng, mền buộc thành dây đu, nhảy qua khỏi hàng rào bảo vệ cao hơn 3 mét, trốn thoát thành công. Khi điều tra sự việc, cơ quan công an và các cán bộ của cơ sở cai nghiện phát hiện 4 học viên này trước đó đã lấy trộm cưa sắt của những người thợ sửa ống nước vào sửa chữa trong cơ sở, chờ cơ hội đào thoát.

Cơ sở cai nghiện ma túy Tiền Giang lại “nổi tiếng” với những cuộc đào thoát tập thể xảy ra từ năm 2018 đến nay, gây xôn xao dư luận và khiến người dân trong khu vực hoang mang, lo sợ. Trong năm 2020 vừa qua, ngoài vụ đánh nhau làm 12 học viên bị thương, 4 người bỏ trốn hôm 6.6, vào đầu tháng 2 tại cơ sở này đã xảy ra vụ hơn 30 học viên bất ngờ tấn công nhân viên chuyển phát cơm và nhân viên trực cổng rồi đào thoát ra bên ngoài.

2(1).jpg
Học viên đào thoát kéo nhau đi trên quốc lộ 1 trong vụ phá trại rúng động dư luận vào tháng 8.2018 - Ảnh: Thanh Anh

Trước đó, vào tháng 11.2019, gần 120 học viên của cơ sở cai nghiện này đã lấy lý do bị đối xử không tốt, đòi gặp lãnh đạo cơ sở. Khi không được đáp ứng yêu cầu, họ đồng loạt đập phá cơ sở vật chất, khống chế cán bộ quản lý và nhân viên bảo vệ, lấy chìa khóa mở cổng và tràn ra bên ngoài. Thoát khỏi cơ sở cai nghiện, các học viên đã lấy 8 xe máy của người dân trong khu vực để tẩu thoát, số còn lại đi bộ tản ra nhiều hướng để bỏ trốn.

Nhưng vụ vượt trại “nổi đình nổi đám” nhất của học viên cơ sở cai nghiện ma túy Tiền Giang là vụ xảy ra vào tháng 8.2018. Trong vụ này, một nhóm nhỏ học viên đã gây sự đánh cán bộ của cơ sở cai nghiện bị thương, sau đó khoảng 200 học viên khác đã cùng nhau la hét gây rối trật tự, phá hoại cơ sở vật chất và phá cổng tràn ra bên ngoài.

Nhóm học viên này cởi trần khoe những hình xăm trổ vằn vện, hò hét kéo nhau đi trên quốc lộ 1, tràn vào các nhà dân lấy lấy trộm đồ đạc, tài sản, xe cộ… khiến nhiều người bất an, hoảng hốt. Trong tất cả những vụ phá phách cơ sở cai nghiện để đào thoát, lực lượng Công an tỉnh Tiền Giang phải hết sức vất vả để truy tìm và đưa những học viên bỏ trốn trở về tiếp tục cai nghiện.

Những nguyên nhân bất ngờ

Nói về nguyên nhân học viên nhiều lần đập phá, tấn công cán bộ của cơ sở cai nghiện ma túy để đào thoát, Nguyễn Hữu T., 1 người từng là học viên cai nghiện, cho biết: “Cơ sở này luôn có khoảng 500- 600 học viên, nhưng phần lớn đều bị đưa vào cai nghiện bắt buộc theo quyết định của tòa án, số tự nguyện cai nghiện rất ít. Những người bị cai nghiện bắt buộc phần lớn là dân anh chị, giang hồ, nên luôn tìm mọi cách gây rối, phá trại để bỏ trốn”.

Theo T., điều kiện sống trong cơ sở cũng không quá hà khắc, trong thời gian cai nghiện các học viên được cho đi lao động, học nghề. Tuy nhiên, khi về phòng nghỉ thì “cơn ác mộng” mới bắt đầu. “Trong các khu vực đều có các tổ tự quản, đứng đầu các tổ tự quản là những tay anh chị có máu mặt, rất hung thần. Học viên có điều gì làm tổ trưởng tự quản không vừa ý là bị bắt quỳ gối, bị đánh đập rất dã man.

Ví dụ, học viên xếp chiếc mền không vừa ý tổ trưởng cũng bị bắt quỳ, bị đánh, quỳ không ngay ngắn cũng bị đánh. Còn giữa khu A và khu B luôn có 1 mối hiềm khích lâu đời, nên thường xảy ra đụng độ. Ví dụ, vụ trốn trại xảy ra hôm tháng 6 là do giữa khu A và khu B huyết chiến làm 12 người bị thương, 17 người bỏ trốn. Nói chung các học viên bị cai nghiện bắt buộc đều không muốn ở trong trại, nên tìm được bất cứ lý do gì nhỏ nhặt cũng làm cho to chuyện để phá trại, đào thoát”, T. cho biết.

3(1).jpg

Học viên cơ sở cai nghiện ma túy Tiền Giang - Ảnh: Thanh Anh

Trên thực tế, những nguyên nhân khiến học viên cơ sở cai nghiện Tiền Giang liên tiếp đào thoát đã được mổ xẻ cụ thể trong chuyến thị sát của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại cơ sở này vào tháng 7.2020. Sau khi khảo sát, tiếp xúc học viên và thân nhân, Bộ trưởng nhận định nguyên nhân khiến học viên thường tìm cách đào thoát khỏi cơ sở là do người cai nghiện bình thường bị sắp xếp ở chung với những kẻ có tiền án tiền sự, từ đó bị những người này kích động, lôi kéo.

Bộ trưởng đã yêu cầu lãnh đạo cơ sở cần phân chia các khu vực riêng biệt giữa người cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc, giữa người cai nghiện bình thường và các đối tượng có tiền án, tiền sự và phải xử lý nghiêm những kẻ kích động, cầm đầu lôi kéo học viên gây rối, trốn trại.

Đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện tại cơ sở cai nghiện đang quản lý 663 học viên, trong đó có 15 học viên nữ, 28 người tự nguyện cai nghiện. Tổng số cán bộ, viên chức và người lao động tại cơ sở là 107 người, đảm bảo đủ quân số phục vụ. Cơ sở đã hoàn tất giai đoạn 1 việc mở rộng cơ sở vật chất với 2 khu nhà ở có sức chứa khoảng 780 học viên, gồm nhiều phòng, mỗi phòng phục vụ từ 9 đến 12 người.

Hiện nay cơ sở đang tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 với 3 khu nhà ở, sức chứa khoảng 1.200 học viên. Đáng chú ý là cơ sở cai nghiện đã tách biệt được nhóm người nghiện có tiền án, tiền sự, chuyên lôi kéo kích động mọi người gây rối trật tự, phá trại đào thoát, ra khỏi những người cai nghiện bình thường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiền Giang: Lý giải chuyện học viên nhiều lần đào thoát khỏi cơ sở cai nghiện