Theo VEPR, xu hướng doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh có thời hạn ngày càng tăng cao rất đáng lo ngại. Họ lựa chọn đứng ngoài thị trường để xem xét tình hình, chờ đợi thời cơ và tìm kiếm các cơ hội kinh doanh thích hợp.
Kinh tế phục hồi khá tốt
Tại cuộc tọa đàm “Đối thoại chính sách: Phục hồi tăng trưởng - triển vọng và thách thức” ngày 15.10, báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho thấy kết thúc quý 3/2024, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi tương đối tốt.
Theo đó, tăng trưởng GDP sau 9 tháng đạt 6,82%, tăng hơn 1,5 lần so với mức 4,4% cùng kỳ năm ngoái với sự đóng góp chủ yếu từ khu vực công nghiệp và dịch vụ.
Ở phía tổng cầu, thương mại trên đà hồi phục và dòng vốn FDI tích cực là động lực tăng trưởng chính. Xuất nhập khẩu hàng hóa tăng nhanh hơn hơn so với dự kiến, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 578,5 tỉ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, với xuất siêu đạt 20,8 tỉ USD - mức xuất siêu khá tích cực trong thời kỳ 2020-2024.
Tuy nhiên, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch và áp lực lạm phát trong nửa đầu năm 2024 cũng đã làm giảm tốc độ tăng trưởng của vốn.
Thu ngân sách vượt kế hoạch trong khi chi tiêu công giảm so với cùng kỳ năm 2023, dẫn đến ngân sách tiếp tục đạt thặng dư cao, tạo dư địa cho các chính sách tài khoá tiếp tục trong năm 2024 như các chính sách miễn, giãn, giảm thuế, nhất là trong bối cảnh các ngành, lĩnh vực chịu thiệt hại do bão số 3.
Thương mại tăng trưởng tích cực, vốn FDI thực hiện đạt mức cao kỷ lục, du lịch phục hồi mạnh mẽ, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại trong nước đã liên tục giảm, với mức giá thấp hơn nhiều so với trần do NHNN quy định.
Tốc độ tăng cung tiền và tăng trưởng tín dụng phục hồi khá tốt, góp phần tích cực vào thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư, mặc dù vẫn thấp hơn nền trung bình trước đại dịch COVID-19. NHNN vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách tiền tệ linh hoạt tương đối thành công giai đoạn vừa qua để giảm các cú sốc và can thiệp thanh khoản, giúp hạ nền lãi suất, hỗ trợ chi phí vốn cho nền kinh tế mà không cần can thiệp lãi suất điều hành.
Số doanh nghiệp rời thị trường vẫn rất cao
Báo cáo cũng cho biết số liệu thống kê doanh nghiệp (DN) thành lập mới và quay trở lại thị trường cho thấy sự trỗi dậy của khu vực tư nhân sau năm 2021 suy thoái vì dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, đã có hơn 183 nghìn DN đăng ký mới và quy trở lại thị trường, cao hơn con số cả năm của thời kỳ 2018-2021.
Bình quân mỗi tháng, số doanh nghiệp này là trên 20,3 nghìn, vượt bậc so với các năm trước đó. Tình hình DN gia nhập thị trường khởi sắc cho thấy tín hiệu rõ ràng hơn về sự phục hồi trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, số DN rút khỏi thị trường vẫn ở mức cao và liên tục tăng từ 2020 cho đến nay. Riêng 9 tháng đầu năm 2024, tổng số DN rút lui khỏi thị trường đã tiệm cận mức của cả năm 2023 và vượt qua tất cả các năm khác, tính từ 2018, với con số 163,76 nghìn.
Bình quân mỗi tháng, có 18,2 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. So sánh với cùng kỳ năm trước, số DN rút lui khỏi thị trường trong 3 quý đầu năm 2024 đã tăng đến 21,2%. Trong đó, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 86,9 nghìn, tăng 14,6% so với cùng kỳ, xấp xỉ con số 89 nghìn - kỷ lục của năm 2023.
Đáng lo ngại là xu hướng DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn ngày càng tăng cao. Họ lựa chọn đứng ngoài thị trường để xem xét tình hình, chờ đợi thời cơ và tìm kiếm các cơ hội kinh doanh thích hợp. Các DN này chủ yếu thuộc nhóm các DN vừa và nhỏ có quy mô dưới 10 tỉ đồng và mới thành lập chưa lâu (dưới 5 năm).
Tình hình DN rút lui khỏi thị trường tăng nhanh trong thời gian qua đã phản ánh các thách thức chung mà các DN phải đối mặt, trong môi trường kinh doanh sau dịch COVID-19 và tình hình kinh tế - chính trị thế giới bất ổn. Các khó khăn này đã gây áp lực quá lớn cho DN, khiến họ trở nên nhạy cảm hơn trước các biến động và dần suy giảm khả năng tự cường và phục hồi.
Hai kịch bản cho tăng trưởng quý 4 và cả năm 2024
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VRPR, dù nền kinh tế có nhiều điểm sáng tích cực, tuy nhiên vẫn còn có những rủi ro và thách thức ở phía trước. Các chỉ số quản trị mua hàng PMI suy giảm và xuống dưới 50 điểm trong tháng 9. Tỷ lệ DN rút lui so với DN gia nhập thị trường vẫn ở xu hướng cao. Tiêu dùng trong nước lẫn giải ngân đầu tư công chưa đạt được như kỳ vọng.
Nhìn xa hơn, ông Việt cho rằng xu thế phân mảnh kinh tế - chính trị toàn cầu, hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu khiến cầu bên ngoài có thể suy giảm. Chi phí đẩy khiến năng lực cạnh tranh xuất khẩu và khả năng tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu gặp nhiều thách thức.
Trong khi đó, các yếu tố đầu vào trong sản xuất gặp nhiều rào cản cũng như tình thế khó khăn trong chuyển dịch mô hình tăng trưởng, đổi mới môi trường kinh doanh và cải cách thể chế mặc dù đạt một số tiến bộ nhưng vẫn chậm chạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong đầu tư, kinh doanh, làm nản lòng cộng đồng DN trong và ngoài nước.
Trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen, VEPR đưa ra 2 kịch bản cao và thấp. Với kịch bản cao, tăng trưởng sẽ quý 4 sẽ đi ngang với mức 7,4%, tăng trưởng cả năm 2024 dự kiến sẽ đạt mục tiêu mới 7,0% mà Chính phủ đề ra cho năm 2024. Với kịch bản thấp, tăng trưởng quý 4 sẽ dưới mức 7%, dự báo tăng trưởng cả năm 2024 sẽ dao động mức quanh mức 6,84%.