Trần Kim Tuyến tin lời, lập tức gọi viên Chánh sở Cảnh sát đặc biệt vào Phủ tổng thống yêu cầu chấm dứt ngay những biện pháp bao vây và điều tra quấy nhiễu an ninh chính trị đối với Mã Tuyên và Phú Lâm Anh.
Được chỉ thị trực tiếp của giám đốc tình báo Phủ tổng thống nên viên Chánh sở cảnh sát răm rắp thi hành mà “không cần thắc mắc hoặc tìm hiểu lý do” của mệnh lệnh. Ông ta trực tiếp buộc đô trưởng nội an Sài Gòn và mật vụ Quận 5 chấm dứt điều tra gây phiền phức cho Mã Tuyên (và Phú Lâm Anh). Nhờ vậy cả hai cự phú người Hoa ấy được yên ổn làm ăn.
Từ đó đến ngày đảo chánh, Mã Tuyên chỉ gặpTrần Kim Tuyến một lần duy nhất trong cuộc vận động bầu cử năm 1961 (xem thêm Kỳ 17) và về sau được đề cử làm thủ lãnh Thanh niên Cộng hòa vùng Chợ Lớn (Quận 5) - việc “tham chính” của Mã Tuyên cũng chỉ dừng lại ở mức “khiêm tốn” đó.
Với Ngô Đình Diệm, Mã Tuyên đại diện Hoa kiều tại miền Nam và Chợ Lớn, vào dinh Độc Lập chúc mừng Quốc khánh vào 26.10 hàng năm, để được “bắt tay với tổng thống” rồi ra về.
Với Ngô Đình Nhu, Mã Tuyên chưa hề gặp mặt.
Nên đêm 1.11.1963 là lần đầu tiên gia đình Mã Tuyên được đón tiếp anh em tổng thống Diệm trong cơn lốc thời thế. Trần Kim Tuyến (cùng Cao Thế Dung) qua cuốn “Làm thế nào để giết một tổng thống” đã viết là, giả thử Mã Tuyên cam tâm phản bội, thì:
“Ông ta chỉ cần cho vợ con đi cấp báo với phe đảo chánh, tất nhiên anh em ông Diệm sẽ không còn phương thế nào để chống đỡ và anh em ông tất đã bị phe đảo chánh bắt ngay vào đêm 1.11.1963. Song gia đình Mã Tuyên không đang tâm như vậy. Ngược lại đã đón tiếp tổng thống Diệm với tất cả lòng cung kính”.
Mã Tuyên đưa anh em ông Diệm lên trú tại căn phòng khang trang nhất trên lầu, rồi bảo vợ con và tất cả người nhà lui xuống bên dưới tầng trệt, không ai được phép lai vãng lên đó. Đêm ấy, Mã Tuyên thức trắng để tự tay nấu nước pha loại trà quý nhất cho tổng thống uống và bưng lên những thức ăn ngon, mà không hề hay biết “một ngày sau đó cả gia tài cơ nghiệp nhà Mã Tuyên bị sụp đổ tan tành”. Gần sáng, Ngô Đình Nhu đề nghị Ngô Đình Diệm thực hiện “giải pháp tình thế” để thoát vòng vây của quân nổi dậy, bằng cách chia nhau hai người đi hai ngã:
* Ngô Đình Nhu sẽ cải trang thành dân thường để len lỏi chạy lên vùng II chiến thuật - nương vào lực lượng của tướng Nguyễn Khánh để lật ngược thế cờ.
* Ngô Đình Diệm sẽ đến vùng IV, tập hợp lực lượng phản công.
Nhưng Ngô Đình Diệm không bằng lòng, bảo là anh em sống chết có nhau, không được rời nhau. Vì thế rạng sáng, hai ông thay quần áo, bận complet, lên chiếc xe Land Rover đến nhà thờ Cha Tam, do đại úy Thọ lái. Hồi ký Đỗ Thọ (ấn hành 1970 bởi cơ sở xuất bản Hòa Bình) kể lại, lúc ấy:
“Trong nhà thờ (Cha Tam) đèn nến đã sáng trưng. Có lẽ buổi lễ đầu sắp sửa đến, tổng thống Diệm và ông Nhu quỳ xuống ở hàng ghế đầu. Tôi (Đỗ Thọ) đứng ở đằng sau lưng (đúng với vị trí) thường tình của một sĩ quan tùy viên (…) Tổng thống Diệm, ông Nhu và tôi theo chân Cha Xứ vào bên trong. Tổng thống nói với Cha Xứ là đến đây quá đường đột, phiền Cha. Nên sẽ đi nữa, chứ không lưu lại làm liên lụy, khổ sở cho nhà thờ. Cha Xứ trả lời là tổng thống đừng nghĩ điều đó. Nhà thờ là nước Chúa, ai đến cũng được, đâu phải riêng tổng thống. Tổng thống và ông cố vấn yên tâm ở lại đây, đừng ra đi, lắm phần nguy hiểm”.
Tiếp đó, linh mục Jean ở nhà thờ Cha Tam tìm mọi lời thuyết phục để hai anh em tổng thống không nên gặp các tướng lãnh chỉ huy cuộc đảo chánh. Cuộc đối thoại được ghi lại qua “Làm thế nào để giết một tổng thống” - nguyên văn:
Linh mục Jean: tổng thống và ông cố vấn không nên e ngại, tôi sẽ làm tất cả khả năng của tôi, tổng thống và ông cố vấn ra đi lúc này vô cùng nguy hiểm.
Tổng thống Diệm: Cảm ơn Cha, tôi thấy không có gì nguy hiểm cả. Cá nhân tôi, tôi dâng trọn cho ý Chúa và Mẹ Maria nhưng tôi vẫn còn là nguyên thủ quốc gia, tôi còn trách nhiệm với dân.
Linh mục Jean: Xin tổng thống và ông cố vấn nghĩ lại. Chính tôi sẽ đưa tổng thống và ông cố vấn đến một nơi an toàn nhất.
Linh mục Jean có đề nghị tổng thống Diệm và ông cố vấn Nhu nếu không muốn tỵ nạn trong tu viện hoặc trong nhà thờ thì Cha Jean sẽ tìm cách tốt nhất để đưa hai ông đến tỵ nạn tại tòa đại sứ Pháp hoặc đại sứ Trung Hoa.
Tổng thống Diệm từ chối lần cuối: “Xin cảm ơn Cha, tôi không có tội gì với quốc dân và quốc gia này, tôi không thấy có lý do gì phải lẩn tránh!”.
Cuộc đối thoại chưa dứt, Hội đồng Quân nhân cách mạng đã tung cánh quân thứ hai do tướng Mai Hữu Xuân - nguyên Giám đốc Nha An ninh quân đội, đại tá Dương Ngọc Lắm và đại úy Nguyễn Văn Nhung (tùy viên của tướng Dương Văn Minh từ năm 1955) cùng một số sĩ quan khác dẫn đầu ào đến nhà thờ: “Chiếc xe tăng cồng kềnh (M113) tiến vào, rú lên những âm thanh ghê rợn. Rồi hai ba chiếc khác tiếp theo (xe Jeep) và còn một vài chiếc nữa đậu ở phía ngoài đường, họng súng chĩa vào phía trong (nhà thờ) như sẵn sàng nhả đạn”… (còn nữa)
Giao Hưởng