“Để bảo vệ nhân viên kia và gia đình anh ta tránh khỏi hậu quả của một lời cáo buộc oan” nên CIA và sứ quán Mỹ quyết định sắp xếp đưa anh ta về nước gấp, kèm theo yêu cầu được Nhu giúp đỡ một phần.
Nghe vậy, Nhu ngầm hiểu đòi hỏi “trục xuất” của mình sắp được đáp ứng, nên không cần kéo dài “chiến tranh lạnh” với Colby làm gì - đã mỉm cười và “trịnh trọng bày tỏ sự đồng tình, sai tổ chức canh gác cẩn mật để “bảo vệ” anh ta và gia đình cho đến lúc đi. Ra sân bay, anh ta và gia đình còn được cảnh sát võ trang (của Sài Gòn) đi xe jeep theo hộ tống! Thế là “sự cố” được ém nhẹm và không một ai bị mất mặt !” (William Colby - sđd Kỳ 3. tr. 107).
Về phía Nhu, vẫn giữ được “thể diện quốc gia” dầu phải “trải thảm cho kẻ thù” ra đi.
Về phía Colby, vẫn không mang tiếng là giải quyết sự việc theo áp lực của Nhu, để vẫn âm thầm tiếp tục giúp những cộng sự CIA người Việt từng bí mật trà trộn hoạt động trong chính biến 11.11.1960 thoát khỏi đợt truy lùng của tình báo dinh Độc Lập sau ngày thất bại. Tiêu biểu là trường hợp do chính Colby kể:
“Một phần tử chính trị ly khai trước đây làm việc cho CIA bỗng xuất hiện trước nhà một nhân viên chúng tôi và yêu cầu được giúp đỡ. Biết nếu không được giúp đỡ, chắc chắn anh ta sẽ bị bắt. Tôi cho giấu anh ta vào một ngôi nhà của cơ quan (CIA) lúc này tạm thời chưa có người ở và anh ta đã bí mật sống ở đấy nhiều ngày. Rồi một hôm, lấy cớ có một chuyến hàng cần phải chở bằng máy bay, chúng tôi cho anh ta đi, nằm giấu mình trong một túi đựng thư từ, công văn. Sau đó anh ta đến sống ở một nước châu Âu và chúng tôi đã bảo vệ được “nguồn” của chúng tôi” (William Colby - sđd tr. 108).
Giáo sư Trần Gia Phụng nêu (tài liệu đã dẫn kỳ 29): “Một nhân vật dân sự quan trọng trong cuộc binh biến ngày 11.11.1960 là Hoàng Cơ Thụy nhờ người Mỹ sắp đặt, giúp ông trốn thoát ra nước ngoài (Mark Moyar, Triumph Forsaken - the Vietnam War 1954-1965 - Cambridge University Press 2006, tr. 114). Trong sách Việt sử khảo luận (cuốn 5), Hoàng Cơ Thụy cho biết ông lưu vong từ 4.12.1960 đến ngày 20.11.1963 mới trở về sau khi chính phủ Diệm sụp đổ, nhưng không cho biết nơi lưu vong. Có tài liệu cho rằng ông Thụy trốn vào Tòa đại sứ Mỹ, qua Phi Luật Tân, rồi qua Nhật Bản”.
Cứ thế, dù đứng chung một chiến tuyến chống cộng sản, nhưng CIA và tình báo dinh Độc Lập trong lúc cùng tiến đánh mục tiêu phía trước, vẫn phải để mắt quan sát lẫn nhau, đề phòng những cú hích bất ngờ của đồng đội (như vụ 11.11.1960). Trước đó một năm (1959), tình báo dinh Độc Lập dầu đang cộng tác với CIA vẫn cứ giữ kín phần việc của mình trong vụ tổ chức lật đổ Quốc vương Norodom Sihanouk của Campuchia.
Có một số lý do để Ngô Đình Nhu quyết định tiến hành cuộc lật đổ.
Trước hết bởi chủ trương trung lập và đường lối ngoại giao “thân Cộng” của Sihanouk trở nên nguy hiểm đối với an ninh của VNCH lúc đó. Chính phủ Campuchia do hoàng thân Sihanouk lãnh đạo (với tư cách thủ tướng - rồi quốc trưởng) hé mở khả năng sẽ để “cộng sản Bắc Việt (VNDCCH)” chuyển quân xâm nhập theo đường biên giới Campuchia, hoặc mượn các cảng nước sâu làm điểm trung chuyển để tiếp tế vũ khí đạn dược, nhu yếu phẩm cho Việt cộng (Cộng sản miền Nam Việt Nam).
Bắt tay vào việc, Ngô Đình Nhu chỉ thị đặc sứ VNCH tại Campuchia là Ngô Trọng Hiếu phải bằng mọi cách tranh thủ, lôi kéo tướng Dap Choun vào cuộc (với vai trò lãnh đạo quân đảo chánh Campuchia) - vì viên tướng này: 1. Đang có mâu thuẫn với Sihanouk (chống Sihanouk trung lập và thân cộng sản) 2. Với vị trí là nguyên Bộ trưởng Bộ nội vụ, đang nắm giữ quyền thống lĩnh phía Tây Campuchia (với thủ phủ Siem Reap) - được xem là “Phó vương Cao Miên” (Campuchia) 3. Lực lượng bảo vệ hoàng cung tại thủ đô Nam Vang (Phnôm Pênh) đều là tay chân ruột rà của Dap Choun là yếu tố thuận lợi để tiếp sức đảo chánh quân sự từ trong lòng hoàng cung 4. Vợ nhỏ của Dap Choun là một phụ nữ người Việt rất được “Phó vương” sủng ái.
Chính người vợ gốc Việt trên đã góp lời thuyết phục Dap Choun giúp Tòa đại diện Việt Nam và Ngô Trọng Hiếu lật đổ Sihanouk. Dap Choun nhận lời, yêu cầu Sài Gòn hỗ trợ kinh phí thực hiện. Hai ông Diệm - Nhu bàn với Trần Kim Tuyến rút 100kg vàng trong số trữ kim của ngân khố để đem sang Campuchia giao tướng Dap Choun vận động chuẩn bị cuộc ra quân.
Số vàng trên được niêm phong cẩn mật và do đặc sứ Ngô Trọng Hiếu tự mình lái xe đến Siem Reap giao Dap Choun. Nhận vàng xong, Dap Choun đánh điện cám ơn “quà biếu” của dinh Độc Lập. Kể từ đó đều đặn mỗi ngày cứ theo thời biểu: 7 giờ sáng, 12g trưa và 9g đêm, Dap Choun liên lạc và trao đổi tin tức với cơ quan tình báo Phủ tổng thống VNCH. Lần gặp cuối cùng giữa Dap Choun và Ngô Trọng Hiếu (10.1.1959) hai bên ấn định ngày H. sẽ nổ súng, tiến đánh Nam Vang (10.2.1959).
Rủi ro xảy đến từ Sài Gòn, khi Ngô Đình Nhu ra lệnh hoãn lại cuộc lật đổ khoảng 10 ngày để Sơn Nhật Thành (một nhân vật chính trị Campuchia đối lập với Sihanouk đang lưu vong tại Việt Nam) đủ thời gian sang Thái Lan vận động ủng hộ (đưa Sơn Ngọc Thành về thủ đô Phnom Pênh thay Sihanouk).
Nhưng trong khoảng đó, Tòa đại sứ Pháp (ủng hộ Sihanouk) và đại sứ Liên Xô tại Nam Vang đã phát hiện mưu toan đảo chánh và cấp báo cho Sihanouk biết vào nửa khuya 21.2.1959.
Ngay đêm ấy, Sihanouk khẩn cấp triệu tập các tư lệnh và chỉ thị để tướng Lon Nol đem quân nhảy dù tấn công chớp nhoáng thành phố Siem Reap vào 3 giờ sáng. Đến 6 giờ hôm sau (22.2.1959), quân Lon Nol đã tràn ngập và chế ngự được thành phố Siem Reap lúc tướng Dap Choun đang còn ngủ. Dap Choun phải cải trang như dân thường mới trốn thoát vào rừng, bỏ lại nhiều tang vật quan trọng như tài liệu quân báo, đài phát sóng và 100kg vàng có đóng dấu ngân khố VNCH.
Tại mặt trận, quân chính phủ Sihanouk bắt sống hai điệp viên Sài Gòn - chuyên trách điện đài, mật mã giao dịch, hoạt động thường trực cạnh Bộ tư lệnh của tướng Dap Choun - và kết án tử hình họ. Trước lúc bị hành quyết, trên pháp trường, cả hai điệp viên Sài Gòn cùng hô to:
- Việt Nam muôn năm ! Việt Nam muôn năm !
Tiếng hô khí phách đó có sức mạnh vượt lên những định kiến chính trị và lẽ thắng bại ngoài đời, để vang động trong dư luận công chúng và trên mặt báo Campuchia đương thời. Dưới góc độ nhân văn và công bằng lịch sử mà xét, họ cũng là những anh hùng đến nay đang còn bị lãng quên? (còn nữa).
Kỳ 31: Nghệ thuật lôi kéo Sihanouk của Chu Ân Lai và tình báo Trung Nam Hải
Kỳ 36: Việt Nam - Rumania và hoàng thân Shihanouk trước "bóng ma Maoism"