Nhưng trưa ấy, Quân giải phóng đã tràn vào dinh Độc Lập, nên bài diễn văn trên không bao giờ được đọc. Tuy vậy, dưới góc độ tư liệu, vẫn có thể xem đó là bài diễn văn cuối cùng của nền Cộng hòa miền Nam (Sài Gòn) trước khi bị khai tử và cần được tham khảo. Bởi, nội dung bài diễn văn cho thấy vai trò và quan điểm của giới trí thức Sài Gòn vào thời điểm lịch sử 30.4.1975:

1. Muốn tiến đến giải pháp hòa giải và hòa hợp dân tộc.

2. Khẳng định thành phần chính phủ mới (dự định ra mắt trưa 30.4.1975) gồm những vị đã từng là nạn nhân của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và chưa hề tham gia hoạt động trong chính quyền đó.

Nay chúng tôi giới thiệu toàn văn bài diễn văn nói trên để bạn đọc và các nhà nghiên cứu lịch sử tham khảo:

Kính thưa Tổng thống,

Kính thưa quý liệt vị,

Nhận lãnh trách nhiệm thành lập nội các trong giai đoạn hiện tại là nhận lãnh công việc đội đá vá trời. Chúng tôi tuyệt nhiên không hề có ảo tưởng và đã nhận thức rõ các khó khăn vô cùng lớn lao đang chờ đợi. Nhưng chúng tôi không thể cam lòng từ chối trọng trách mà Tổng thống Dương Văn Minh giao phó vì quá thiết tha với hòa bình và hòa giải dân tộc. Hơn nữa, nếu có phải hy sinh, thiết nghĩ chúng tôi cũng có thể tự an ủi hy sinh đây là hy sinh cho chính nghĩa, cho hòa bình, cho nhân đạo, cho tình dân tộc, chứ không phải cho chiến tranh tang tóc, điêu tàn vô ý thức.

Kính thưa Tổng thống,
Kính thưa quý liệt vị,

Những vị chấp nhận tham gia vào Chính phủ do chúng tôi điều khiển đều là những nhân vật đã từng tranh đấu cho Hòa bình, đã từng nếm trải đắng cay, đau khổ, hay đã từng là nạn nhân của chính sách hiếu chiến, tham nhũng, độc tài, độc diễn, của ông Nguyễn Văn Thiệu.

Là những người trong sạch chưa hề tham gia chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, các quý vị mà chúng tôi mời tham gia Chính phủ này, hằng thiết tha ôm ấp hoài bão làm một gạch nối để thực hiện một sự hòa giải giữa các phe lâm chiến. Như vậy, Chính phủ nay là một Chính phủ gom những phần tử hoàn toàn thuộc thành phần thứ ba, theo tinh thần Hiệp định Paris.

Thành phần thứ ba là thành phần đông đảo nhất trong cộng đồng quốc gia và vì thế cũng phức tạp nhất, bao gồm nhiều xu hướng dị biệt, đi từ Trung hữu sang tới Trung tả.

Trước tình thế vô cùng khẩn trương của đất nước, chúng tôi không có đủ thời giờ để tiếp xúc thăm dò ý kiến của tất cả các đoàn thể, lực lượng chính trị thứ ba. Do đó, chúng tôi không dám có tham vọng đại diện cho tất cả thành phần thứ ba ở trong và ngoài nước. Nhưng đây là kết quả tối đa mà chúng tôi có thể thực hiện trong một thời gian tối thiểu.

Hơn nữa, điều mà chúng tôi có thể đoan quyết cùng toàn thể đồng bào là ý chí tha thiết phục vụ đất nước trong một giai đoạn tối khẩn trương, không cho phép một ai trì hoãn hay chậm trễ. Chính thiện chí ấy đã thúc đẩy tất cả chúng tôi cùng đứng ra nhận lãnh nhiệm vụ khó khăn này, chứ không phải vì mưu đồ danh lợi.

Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã từng nhiều lần kêu gọi phía Việt Nam Cộng hòa có một Chánh phủ Hòa bình, với các nhân vật không dính líu với chế độ Nguyễn Văn Thiệu, để tái lập thương nghị. Chính phủ Hòa bình nay giờ đây đã được thành lập. Thành phần thứ ba đã đứng lên để đóng góp cho sứ mạng hòa bình, cho sự nghiệp hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Đồng bào toàn quốc đang trông chờ từng ngày, từng giờ, từng phút để máu và nước mắt dân tộc ngưng chảy vì chiến cuộc. Chúng tôi thiết nghĩ rằng những người anh em phía bên kia chắc cũng không vui sướng trước cảnh súng đao và các tang tóc điêu tàn của đồng bào ruột thịt. Chúng tôi tin tưởng rằng mọi vấn đề dù khó khăn đến đâu, cũng có thể được giải quyết trên bàn Hội nghị với tinh thần hòa giải, hòa hợp và tình huynh đệ giữa những người con cùng một mẹ Việt Nam. Tại sao chúng ta còn cần phải bắn giết lẫn nhau, gây thêm tang tóc, đau thương, cùng cực cho nhau, khi chính sách Nguyễn Văn Thiệu đã cáo chung và các người lãnh đạo chế độ này đã đưa nhau xa lìa Tổ quốc, nếu không muốn nói là chạy trốn?

Vấn đề chính còn lại là sự lựa chọn giữa chiến thắng quân sự hay chiến thắng lòng người, sự đoàn tụ trong tiếng reo mừng của Dân tộc hay sự ly tán trong lời than tiếng khóc của Quốc dân.

Trước khi chấm dứt, trong niềm tin tưởng rằng tinh thần Hòa giải Hòa hợp Dân tộc và tình nghĩa đồng bào ruột thịt sẽ thắng, chúng tôi xin vắn tắt tóm lược chương trình của chính phủ hòa bình này trong bốn điểm thiết yếu như sau :

1. Vãn hồi hòa bình bằng đường lối hòa giải hòa hợp dân tộc trên căn bản Hiệp định Paris.

2. Tôn trọng các quyền lợi tối thượng của dân tộc và các tự do căn bản của con người.

3. Kiến thiết đất nước trong Hòa giải và hòa hợp.

4. Giao hảo và hợp tác trên trường quốc tế với tất cả các quốc gia bạn, không phân biệt ý thức hệ, trên căn bản bình đẳng và tôn trọng chủ quyền quốc gia.

Sau đây là thành phần của Chính phủ hòa bình do chúng tôi điều khiển:

- Thủ tướng Chính phủ kiêm Tổng trưởng ngoại giao

: Giáo sư VŨ VĂN MẪU

- Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng

: Giáo sư BÙI TƯỜNG HUÂN

- Phó Thủ tướng đặc trách Xã hội và Cứu trợ

: Bác sĩ HỒ VĂN MINH

- Quốc vụ khanh kiêm Tổng trưởng Y tế

: Bác sĩ LÊ KHẮC QUYẾN

- Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa

: Giáo sư PHẠM ĐÌNH ÁI

- Quốc vụ khanh

: Luật sư TRẦN NGỌC LIỄNG

- Tổng trưởng Nội vụ

: Ông HỒNG SƠN ĐÔNG

- Tổng trưởng Thông tin

: Dân biểu LÝ QUÝ CHUNG

- Tổng trưởng Giáo dục

: Giáo sư NGUYỄN VĂN TRƯỜNG

- Tổng trưởng Xã hội và Cứu trợ

: Bác sĩ NGUYỄN VĂN MẪN

- Tổng trưởng Cựu Chiến binh

: Dân biểu NGUYỄN VĂN BINH

- Tổng trưởng Tài chính

: Giáo sư VŨ THIỆN VINH

- Tổng trưởng Kinh tế

: Giáo sư NGUYỄN VŨ DIÊU

- Tổng trưởng Tư pháp

: Thẩm phán TRẦN THÚC LINH

- Tổng trưởng Canh nông

: Giáo sư CHÂU TÂM LUÂN

- Tổng trưởng Lao động

: Luật sư TRẦN VĂN TỐT

- Tổng trưởng Giao thông, Công chánh và Bưu điện

: Kỹ sư PHAN NGỌC THỂ

- Bộ trưởng Ngoại giao

: Tiến sĩ CAO HUY THUẦN

- Bộ trưởng Nội vụ

: Dân biểu ĐOÀN MAI

- Bộ trưởng Phủ Thủ tướng

: Dược sĩ TỐNG LỊCH CƯỜNG

- Bộ trưởng Thông tin

: Ông DƯƠNG VĂN BA

- Bộ trưởng Giáo dục

: Giáo sư NGUYỄN ĐỘ

- Thứ trưởng Quốc phòng

: Ông BÙI THẾ DUNG

Trân trọng kính chào Tổng thống và Quý liệt vị. (còn nữa)
Giao Hưởng