Sau hơn hai tiếng đồng hồ bắn nhau, trời gần sáng, nhiều xác chết đẫm máu lộ rõ trên mặt đường thủ đô, mà thắng bại giữa hai bên vẫn chưa ngã ngũ. Thi đứng trước dinh Độc Lập trấn an:
- “Tất cả các điểm xung yếu của Sài Gòn đều đã được quân đội cách mạng đánh chiếm, chỉ còn dinh Độc Lập này thôi, chiến thắng đang đến gần!”
Phía ngoài xa, báo về :“đã dàn xong trận địa pháo !” Các khẩu đại bác 57 ly đã hướng nòng vào dinh Độc Lập sẵn sàng chờ lệnh nhã đạn để yểm trợ Tiểu đoàn 3 nhảy dù xung phong đánh vỗ mặt vào cổng trước.
Tất cả chỉ đợi lệnh của Nguyễn Chánh Thi (là nổ súng).
Thi, lại đang nóng ruột, chờ cho được đại đội thiện chiến của Tiểu đoàn 1 nhảy dù (sau khi hoàn thành việc tước vũ khí và kiểm soát doanh trại của Lữ đoàn phòng vệ Phủ tổng thống) sẽ đến tăng viện và đảm trách đánh thọc ngang vào bên hông dinh.
Đang lúc đó, Thi muốn bắn thử một trái vào dinh để “dò mục tiêu và điều chỉnh tác xạ”. Bất ngờ, sĩ quan tham mưu đến báo với Thi: trong dinh đơn phương ngưng bắn, để cử đại diện Văn phòng tổng thống Võ Văn Hải, cùng một viên tướng nữa ra gặp Bộ tư lệnh đảo chánh để điều đình. Họ đang chờ Thi trước cổng dinh.
Thi gật đầu, mạnh bạo bước tới. Gặp mặt, Võ Văn Hải thông báo:
- “Ông Cụ (Ngô Đình Diệm) đã bằng lòng giải tán chính phủ. Vợ chồng Ngô Đình Nhu sẽ phải ra đi ! Không nên đổ máu thêm vô ích !”.
Hải trao Thi cuộn băng ghi âm lời hứa của tổng thống Diệm.
Viên tướng đi kèm Hải nói với Thi, giọng thân mật:
- “Vừa vừa thôi Thi ơi ! Tụi Việt Cộng đang đánh mạnh ở miền Tây !”.
Hẳn ông Cụ và các yếu nhân trong Phủ tổng thống đã nghe “nhật lệnh của Nguyễn Chánh Thi” phát đi trên đài phát thanh Sài Gòn cách đó mấy giờ, nên họ ứng xử uyển chuyển như vậy.
Do yêu cầu tư liệu, chúng tôi để nguyên văn Nhật lệnh trên (in trong hồi ký NCT, sđd Kỳ 25, tr.125) để bạn đọc và các nhà nghiên cứu rộng đường tham khảo:
“Tổng tư lệnh Quân đội cách mạng Nguyễn Chánh Thi gửi: tướng lãnh, sĩ quan, hạ sĩ quan và binh lính !
“Chánh phủ Ngô Đình Diệm sau 6 năm cầm quyền đã tỏ ra hoàn toàn bất lực trong công cuộc cứu quốc và kiến quốc, giữa lúc Cộng sản ngày càng tăng áp lực. Ngô Đình Diệm đã áp dụng chính sách độc tài phong kiến, gia tộc trị mù quáng, đặt những tham vọng ích kỷ của gia đình y lên trên quyền lợi tối cao của đất nước.
“Quân đội, lực lượng chính yếu của Quốc gia bị nghi kỵ, chia rẽ, mọi tầng lớp nhân dân bị bóc lột, áp bức, miệt thị - tự do không được bảo đảm, dân tộc bị dồn vào họa diệt vong.
“Trước tình thế đen tối ấy của đất nước, quân đội đã đứng lên lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm và tạm thời điều khiển chính phủ với sự tham gia của những nhân sĩ quốc gia để kịp thời thi hành những biện pháp cần thiết chống Cộng và cứu quốc.
“Cuộc cách mạng của quân đội đã thành công !
“Quân đội đoàn kết tiến lên diệt Cộng, bảo vệ tự do, đem lại an ninh cho đất nước !
“Quân đội không đảng phái, chỉ nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, tôn trọng quyền lợi của đồng bào !
“Hội đồng cách mạng và Chính phủ lâm thời hoàn toàn tin tưởng ở lòng ái quốc và ý chí diệt Cộng của quân đội !
Vậy, toàn thể quân nhân các cấp, các đơn vị phải bình tĩnh tuân theo kỷ luật, cố gắng làm nhiệm vụ diệt Cộng, bảo vệ an ninh cho đồng bào trong giờ phút quyết liệt này.
Nhiệm vụ chúng ta là nhiệm vụ lịch sử !
Hành động chúng ta là hành động cứu quốc !
Quân đội sẽ hoàn thành nhiệm vụ cứu quốc !
Sài Gòn, ngày 11.11.1960
Đại tá Nguyễn Chánh Thi - Tổng tư lệnh tối cao Quân đội cách mạng”.
Nghe nhật lệnh, thiếu tá Lữ Đình Sơn và đại úy Phan Lạc Tuyên đã mang 10 đại đội biệt động quân, 6 thiết giáp xa, cùng toàn thể sĩ quan dưới quyền đến tham chiến (gia nhập lực lượng đảo chánh). Đáng ghi nhận, thống tướng Lê Văn Tỵ và đại tướng Dương Văn Minh đã lên tiếng đồng tình và ủng hộ Nguyễn Chánh Thi như thế nào ? (còn nữa).
Giao Hưởng