Trước khi chợp mắt, Nguyễn Cao Kỳ còn thấy đại sứ Martin cũng xuống tàu Blue – Ridge. Vậy là ông đại sứ không thể rời Sài Gòn và di tản hết những người ghi trong danh sách đã hứa theo đường Tân Sơn Nhất vì sân bay đã bị quân giải phóng khống chế. Từ ngoài biển, tất cả lắng nghe diễn tiến ngày 30.4 qua làn sóng phát thanh…

Kỳ 48: Đoạn cuối Sài Gòn qua hồi ký Nguyễn Cao Kỳ

Một Thế Giới | 18/01/2015, 04:24

Trước khi chợp mắt, Nguyễn Cao Kỳ còn thấy đại sứ Martin cũng xuống tàu Blue – Ridge. Vậy là ông đại sứ không thể rời Sài Gòn và di tản hết những người ghi trong danh sách đã hứa theo đường Tân Sơn Nhất vì sân bay đã bị quân giải phóng khống chế. Từ ngoài biển, tất cả lắng nghe diễn tiến ngày 30.4 qua làn sóng phát thanh…

Kỳ 47: Tổng thống một tuần Trần Văn Hương “liên hiệp” với hoàng hôn 
Kỳ 46: Cuộc lấn chiếm và vẽ cờ sau hiệp định Paris

Nguyễn Cao Kỳ phóng xe jeep đến dinh Độc Lập để gặp Trần Văn Hương và viết trong Hồi ký “phải mất hơn một tiếng đồng hồ mới đến được trung tâm”, cảnh hoảng loạn trên đường phố làm cản trở giao thông. Kỳ viết: “Tôi thấy một anh lính xắn cao tay áo, lấy làm hãnh diện khoe hai cánh tay ra với người bạn. Hai cánh tay của anh ta... đeo đầy đồng hồ lên đến tận khuỷu tay! Vòng qua một góc phố, tôi phải ngưng xe lại một lát và thấy một đứa trẻ ngồi trên xe ba gác, cổ đeo lủng lẳng một vật gì trông giống cái máy ảnh. Song đáng để ý là nó còn có một thứ khác nữa: một khẩu súng ngắn và một cây tiểu liên bên cạnh. Quanh tòa đại sứ Mỹ, những người hôi của đang khiêng đi những tấm thảm, bồn tắm bằng sứ, trường kỷ và cả những tủ đựng hồ sơ. Khắp nơi mùi hôi thối xông lên, mùi nước sông, trộn lẫn với mùi cống rãnh lộ thiên không ai vét sạch, mùi cá khô, cả mùi của những thùng rượu whisky bị vỡ…”.
Ngay khi tới dinh Độc Lập, Kỳ được đưa vào gặp Trần Văn Hương. “Ôi, ông già Hương chân tình, người đã tặng tôi 200.000 đồng làm quà cưới vợ (đủ để trang trải chi phí nặng nề của lễ cưới tại khách sạn Caravelle...). Lúc này mắt ông ta đã kém đến nỗi gần như không thấy chữ nữa...” và Kỳ “quyết gắng sức lần chót” bằng cách yêu cầu Hương bổ nhiệm chính Kỳ chỉ huy quân đội. Ông Hương trả lời:
- Không thể được. Song tôi có thể để thiếu tướng làm phụ tá quân sự đặc biệt cho tôi vào vài ngày nữa...
Nhưng lúc 5 giờ chiều hôm đó 28.4.1975, tại phòng họp dinh Độc Lập, ông Trần Văn Hương trao quyền lại cho Dương Văn Minh thay làm tổng thống - Phó tổng thống là ông Nguyễn Văn Huyền và thủ tướng là ông Vũ Văn Mẫu. Trung tướng Vĩnh Lộc được chỉ định làm tổng tham mưu trưởng (thay Cao Văn Viên). 11 giờ 30 trưa 29.4, bàn giao phủ thủ tướng, Trần Văn Đôn thuật: “Ông Mầu đến đúng nghi lễ, đi bằng xe Mercedes dành cho thủ tướng... Ông Mẫu nói chuyện với mấy ông tổng trưởng:
- Tôi vừa lên đài phát thanh tuyên bố, yêu cầu Mỹ phải rút khỏi Nam Việt Nam trong vòng 24 giờ đồng hồ kể từ 5 giờ sáng nay.

Nghe ông Mẫu nói, tôi (Trần Văn Đôn) dùng điện thoại màu xanh lá cây dành riêng cho thủ tướng và phó thủ tướng để liên lạc với tòa đại sứ Mỹ:

  • Chuyện gì xảy ra đó? Tôi vừa nghe ông tân thủ tưởng (Vũ Văn Mẫu) yêu cầu DAO rút khỏi Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ?
  • Không phải riêng DAO mà tất cả những người Mỹ sẽ rút. Nếu ông muốn đi thì lên Tòa đại sứ Mỹ trước 2 giờ trưa này.
Tôi chào mọi người và ra về lúc 12 giờ. ”
Đến 7 giờ 30 tối hôm đó (29.4), Trần Văn Đôn cùng đại tá Khấu lên chuyến trực thăng bốc khỏi sân thượng tầng 9 của tòa nhà dùng làm cơ sở CIA trên đường Gia Long và đáp xuống chiến hạm Hancock vào ban đêm.

Những người khác? Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm trong lúc vội vã đã “bỏ quên’’ Đặng Văn Quang (đứng đầu cơ quan an ninh phủ tổng thống). Quang đã gây oán với khá nhiều người nên khi bị kẹt lại Sài Gòn, em út Nguyễn Cao Kỳ đòi bắn Quang:

- Quang hiện ở Bộ tổng tham mưu và người ta bảo là hắn ta tức giận điên cuồng vì Thiệu đã hứa cho hắn đi theo nhưng rồi lại ra đi mà không cho hắn biết. Thưa thiếu tướng (Kỳ), chúng tôi có thể bắt hắn đem hành hình được không?..."
 Kỳ  bảo: “Hãy bắt hắn nhưng đừng hành hình”.

Số hên giúp Quang thoát khỏi vòng lùng bắt và ra được chiến hạm Hancock ở đó có tướng Ngô Dzu và 2000 người di tản.
Sáng sớm 30.4. trung tướng Vĩnh Lộc, Tổng tham mưu trưởng, trung tướng Trần Văn Trung. Tổng giám đốc Nha chiến tranh chính trị, đại tá Trần Ngọc Huyến và một số sĩ quan khác lên đoàn xe rời Bộ Tổng tham mưu đến công xưởng hải quân, dùng một chiếc tàu hư duy nhất còn để ở xưởng vượt sông Sài Gòn. Đến cửa biển, tàu chỉ chạy một máy, bị hỏng hóc ngừng hẳn. Nhờ máy truyền tin kêu cứu, đề đốc Chung Tấn Cang và phó đề đốc Diệp Quang Thụy phái tàu tới vớt.

Nguyễn Cao Kỳ thì đã "đưa Mai và các con tôi đi Honolulu trên chiếc máy bay quân sự cuối cùng cửa Mỹ cất cánh rời căn cứ không quân Tân Sơn Nhất. Vợ tôi chỉ có 20 phút để xếp va-li sau bữa điểm tâm và tôi cũng không có mặt để mà chia tay”.

Kỳ kể vậy và bảo trong tuyệt vọng ông bay đến bộ tổng tham mưu thấy "khu nhà này trước kia tấp nập hàng nghìn sĩ quan và binh sĩ giờ đây vắng ngắt... lúc bước xuống cầu thang tôi gặp tướng Ngô Quang Trưởng, tôi hỏi: "Anh làm gì ở đây?”. Trưởng đáp:
- Tôi không biết phải làm gì nữa!
Gia đình Trưởng đã di tản từ nhiều ngày trước vì thế tôi bảo ông ta “vậy thì hãy đi với tôi”.
Tập hợp 6, 7 phi công khác trên chiếc máy bay lên thẳng. Kỳ tự lái rời Sài Gòn đáp xuống tàu sân bay Midway ngoài khơi. Đô đốc Harris đưa tất cả sang tàu chỉ huy Blue-Ridge bằng trực thăng Mỹ:
"Khi 14 người chúng tôi, toàn là sĩ quan cao cấp, bước ra khỏi máy bay thì một đại tá Mỹ của tàu Blue-Ridge mở miệng chào đón chúng tôi bằng một tiếng quát lớn:”Tất cả các ông hãy lại đây!”. Ông ta dẫn chúng tôi đến một cái bàn và nói "Các ông cảm phiền cho chúng tôi khám người". Khám được nửa chừng thì có người nói thầm gì đó, ông ta thấp giọng bảo tôi: "Xin ông đi theo tôi”. Ông ta dẫn vào một buồng ngủ nhỏ, hỏi: "Ông từ đâu tới? Sài Gòn phải không?”. Tôi gật đầu. Cuối cùng: “Ông là ông Kỳ?”. Tôi lại gật đầu. Đêm ấy sau khi tôi gặp viên chỉ huy tàu, ông đại tá Mỹ đến xin lỗi tôi. Tôi nói rằng tôi biết rõ là hiện nay ở mọi nơi đều có sự lẫn lộn và ngay cả nghi ngờ. Nhưng không sao nhịn được, tôi lại nói thêm:
- Điều mà tôi không sao hiểu được là tại sao ông ta lại đối xử với tôi và các sĩ quan đi cùng tôi như ông đã làm? Chúng tôi có thể đã thua, nhưng không phải chỉ riêng chúng tôi thua - người Mỹ các ông cũng thua!”..
Sau những lời cay đắng đó, Kỳ xin vài viên thuốc ngủ. Viên sĩ quan quân y Mỹ chỉ đưa đúng một viên, với một cốc nước, chờ ông uống xong mới chịu quay đi.

Trước khi chợp mắt, Kỳ còn thấy đại sứ Martin cũng xuống tàu Blue – Ridge. Vậy là ông đại sứ không thể rời Sài Gòn và di tản hết những người ghi trong danh sách đã hứa theo đường Tân Sơn Nhất vì sân bay đã bị quân giải phóng khống chế. Từ ngoài biển, tất cả lắng nghe diễn tiến ngày 30.4 qua làn sóng phát thanh… (Còn nữa)
Mai Nguyễn 
Bài liên quan
Phiên thẩm vấn Tổng thống Yoon Suk-yeol lần hai bắt đầu vào chiều 16.1
Hãng Yonhap News đưa tin Văn phòng Điều tra tham nhũng quan chức cấp cao Hàn Quốc (CIO) sẽ bắt đầu phiên thẩm vấn Tổng thống Yoon Suk-yeol lần hai vào lúc 14 giờ ngày 16.1.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kỳ 48: Đoạn cuối Sài Gòn qua hồi ký Nguyễn Cao Kỳ