“Những con tin” nào ?
Câu trả lời tìm thấy trong hồi ký chính trị Việt Nam nhân chứng của trung tướng Trần Văn Đôn, nguyên Phó thủ tướng (trong chính phủ Nguyễn Bá Cẩn) kiêm Tổng trưởng Quốc phòng (sau khi thủ tướng Cẩn ra đi) - ấn hành lần thứ nhất bởi NXB Xuân Thu (tháng 4.1989) tại California, Mỹ; thuật lại:
“Ngày 23.4 (1975), lúc 11 giờ, trung tướng Vĩnh Lộc, Chỉ huy trưởng Trường Cao đẳng Quốc phòng, trung tướng Nguyễn Bảo Trị, Phụ trách các trường huấn luyện quân sự, đại tá Nguyễn Huy Lợi, đại tá Vũ Quang và đại tá Trần Ngọc Huyến đến nhà tôi ở đường Alexandre de Rhodes (lúc đó tôi xử lý thường vụ chức vụ Tổng trưởng Quốc phòng vì nội các Nguyễn Bá Cẩn từ chức, nay chờ nội các mới sẽ chuyển giao)” (Trần Văn Đôn, sđd tr. 462).
Tại cuộc gặp, các tướng tá nói tới việc Mỹ đang “bỏ rơi ta” để “tháo chạy” cho nhanh, nên cần phải: “Bắt tất cả những người Mỹ còn lại làm con tin !”.
Nếu ông Đôn đồng ý, 2 vị tướng và 3 vị tá kia sẽ đủ sức hợp đồng và điều động để “bắt người Mỹ làm con tin”. Nhưng ông Đôn ngăn lại, bảo: “thế nào Mỹ cũng biết và có kế hoạch để đối phó. Thủy quân lục chiến Mỹ đang chờ ở ngoài khơi (vùng biển Nam Việt Nam) sẽ đổ bộ với lực lượng hùng hậu, chừng đó sẽ đổ máu thêm nhiều người, tình thế sẽ rối rắm nguy ngập hơn (…). Bỏ rơi ta (Nam Việt Nam) là chính phủ Mỹ và quốc hội Mỹ. Bắt một số người Mỹ tại Sài Gòn làm con tin thì tội nghiệp cho họ mà chẳng ích lợi gì” (sđd, tr. 464).
Căng thẳng qua đi. “Những con tin” đã không bị bắt và tất cả người Mỹ còn lại ở Sài Gòn ra đi an toàn, trừ một hai trường hợp hiếm hoi, thiếu may mắn phải tử nạn trên đường di tản. Như chiếc trực thăng định mệnh CH-46 khi vòng lại đáp xuống tàu Hancock đã trượt đường bay rơi xuống biển, lật nhào - khiến viên phi công và phụ lái chết đuối. Người ta đưa ra nhiều con số tổng kết, ở đây chúng tôi ghi nhận số liệu của Olivier Todd (sđd Kỳ 6, tr. 272) về đợt di tản “có một không hai” của Mỹ:
* Ở sân bay Tân Sơn Nhất (trước 29.4.1975): bốc đi được 5.600 người.
* Ở tòa đại sứ Mỹ:đưa 2.206 người - trong đó có 1.373 công dân Mỹ ra đi.
* Lực lượng không quân và hải quân Mỹ: thực hiện 689 chuyến bay, trong đó có 160 chuyến bay đêm, không kể các máy bay tiêm kích hộ tống.
* Tàu Pioneer Commander: tiếp nhận 4.669 người từ cửa sông Sài Gòn chạy ra biển.
* 8 tàu của Mỹ: đón 29.783 người khác.
Sau ngày tổng thống Ford xét lại kế hoạch “di tản điên rồ Talon Vise” và nới rộng số lượng đón tiếp người Việt, các phương tiện tổng hợp của Mỹ bao gồm các loại máy bay, chiến hạm, đã đưa đi tất cả 130.000 người Việt Nam (so với con số giới hạn là chỉ đón 50.000 người Việt lúc đầu).
Colby viết: “Nam Việt Nam đã sụp đổ một cách hoàn toàn đến nỗi người Mỹ cảm thấy họ không thể làm bất cứ điều gì để thay đổi kết cuộc của nó. Rồi sau đó là những chăm sóc cần thiết cho 130.000 người Việt Nam chạy thoát được vào những giờ phút cuối và cho 500.000 người khác đã phải đương đầu với sóng gió biển Đông để trốn chạy trên những tàu thuyền cũ nát trong những tháng tiếp theo. Và cuối cùng là việc chuyên chở, thu xếp nơi ăn chốn ở cho họ. Tất cả những việc làm đó đã làm cho dư luận Mỹ quên đi mặc cảm tội lỗi của họ đối với Nam Việt Nam” (sđd. tr 18).
Đúc kết, đàng sau sự kiện lịch sử 30.4, Colby đọng lại một câu hỏi lớn, đề dẫn từ một vài con số không nhỏ: “Cuộc chiến tranh này đã cướp đi sinh mạng của 58.000 binh sĩ Mỹ, làm 300.000 người khác bị thương và làm Mỹ thiệt hại tới 150 tỷ đô la”.
Và: “vấn đề chủ yếu liên quan đến thất bại ở Việt Nam được nêu ra là tại sao nó lại có thể xảy ra như thế? Hạm đội hùng hậu của Hoa Kỳ gồm nào hàng không mẫu hạm, nào tuần dương hạm, ngư lôi hạm (…) có đủ hỏa lực mạnh để nghiền nát vũ khí của Bắc Việt ra thành tro bụi. Hàng mấy chục pháo đài hay B-52 của không quân chiến lược Hoa Kỳ có thể dễ dàng đến từ Guam để dội xuống đầu kẻ thù của mình hàng trăm “quả bom sắt thép”, hoặc thậm chí cả những vũ khí hạt nhân có trong tay. Quân đội Mỹ hãy còn triển khai ở nhiều nơi trên khắp thế giới để giúp đỡ các nước bạn bè hoặc ngăn cản quân thù hoạt động. Thế mà sức mạnh khổng lồ ấy đã không thể thay đổi gì được kết cục của cuộc chiến tranh ở Việt Nam - mâu thuẫn giữa tiềm lực ấy với thực tế thất bại ở Việt Nam đòi hỏi một sự giải thích…” (William Colby, sđd tr. 16-17).
Các nhà nghiên cứu ở Việt Nam có cách nhìn khác với Colby. Như: PGS. TS. Hồ Sơn Đài trong lời tựa cuốn “Về đại thắng mùa xuân năm 1975 qua tài liệu của chính quyền Sài Gòn” (sđd Kỳ 1, tr. 7) nêu lên những con số cụ thể hơn, có “6,5 triệu lượt binh sĩ Mỹ trực tiếp tham chiến, lúc cao nhất tới 68% bộ binh, 60% lính thủy đánh bộ, 32% lực lượng không quân chiến thuật, 50% lực lượng không quân chiến lược Mỹ” cộng với hơn một triệu lính VNCH và quân các nước đồng minh, cùng “gần 8 triệu tấn bom đạn, lôi kéo đến 39 quốc gia và vùng lãnh thổ” trực tiếp hoặc gián tiếp tham chiến - qua 6 đời tổng thống Mỹ “chi gần 700 tỷ đô la, huy động 22.000 xí nghiệp với 6 triệu công nhân công nghiệp, hơn 1/3 tổng số nhà khoa học, 260 trường đại học tham gia nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh”. Để rồi, từ sau 30.4.1975 “nước Mỹ chỉ thu về được một cơn địa chấn tâm lý - xã hội kéo dài nhiều thập kỷ”.
Đến nay “hàng nghìn công trình nghiên cứu khoa học về cuộc chiến tranh Việt Nam, trong đó có cuộc tiến công và nổi dậy của nhân dân Việt Nam trong mùa xuân không thể nào quên năm 1975. Dù vậy, sự hiểu biết về cuộc chiến tranh ấy, về cuộc Tổng tấn công và nổi dậy ấy vẫn chưa thể gọi là đầy đủ, thấu đáo. Nhiều bí mật liên quan đến mưu toan, quyết sách, sự kiện, diễn biến thực tế của phía đối địch với cách mạng vẫn còn ẩn sâu đâu đó trong kho lưu trữ, trong trí nhớ của người trong cuộc. Làm lộ diện những bí mật ấy không chỉ để phục dựng đầy đủ hơn lịch sử cuộc chiến tranh đang mờ dần về quá khứ, mà còn để từ đó tìm ra những bài học lịch sử cho hôm nay - khi mà loài người vẫn đang hàng ngày đối diện với nguy cơ chiến tranh và nô dịch” (còn nữa).
Giao Hưởng