Ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc phân tích VFS cho rằng những áp lực về vĩ mô và những sai phạm gây lũng đoạn thị trường, cộng với môi trường lãi suất cao ảnh hưởng đến mức độ hấp dẫn của thị trường cổ phiếu.

Lãi suất cao, sai phạm lũng đoạn thị trường… khiến cổ phiếu bớt hấp dẫn

Hoài Lam | 20/04/2023, 12:05

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc phân tích VFS cho rằng những áp lực về vĩ mô và những sai phạm gây lũng đoạn thị trường, cộng với môi trường lãi suất cao ảnh hưởng đến mức độ hấp dẫn của thị trường cổ phiếu.

Thị trường cổ phiếu kém sôi động sau thời gian bùng nổ

Trong điều kiện các dòng vốn quan trọng từ hoạt động kinh doanh, tín dụng ngân hàng, trái phiếu đang tắc nghẽn thì thị trường cổ phiếu được kỳ vọng sẽ là một kênh huy động vốn tiềm năng cho các doanh nghiệp bất động sản (BĐS), bởi doanh nghiệp không phải chịu áp lực chi trả lãi vay, nhất là trong môi trường lãi suất cao như hiện nay. Tuy nhiên thực trạng hiện tại đối với thị trường cổ phiếu cũng không diễn biến tích cực hơn so với thị trường trái phiếu và tín dụng ngân hàng.

Từ đầu năm đến nay, không có doanh nghiệp BĐS mới nào niêm yết trên sàn. Đối với hoạt động phát hành tăng vốn, với hình thức phát hành riêng lẻ và phát hành cho cổ đông hiện hữu chỉ ghi nhận 6 doanh nghiệp bất động sản thông báo kế hoạch là NVL (975 triệu cổ phiếu), TIG (24 triệu), CX8 (1,8 triệu), TCD (282 triệu), IJC (126 triệu), NBB (50 triệu), tuy nhiên tổng quy mô chỉ khoảng 1.700 tỉ đồng. Đây là con số rất hạn chế so với quy mô hơn 1,2 triệu tỉ đồng dư nợ trái phiếu và tín dụng ngân hàng.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cho rằng việc doanh nghiệp không thể huy động vốn từ thị trường cổ phiếu được đánh giá là diễn biến phù hợp trong bối cảnh thị trường thời gian qua.

Theo ông Hoàng, thị trường cổ phiếu cũng chứng kiến những diễn biến kém sôi động khi thanh khoản trung bình sụt giảm mạnh từ khoảng hơn 21 nghìn tỉ/phiên giai đoạn nửa cuối 2021 và nửa đầu 2022 xuống dần về thời điểm hiện tại, thanh khoản trung bình chỉ còn hơn 10 nghìn tỉ/phiên trong 2 tháng đầu năm 2023.

“Những áp lực về vĩ mô ảnh hưởng đến triển vọng của thị trường và những sai phạm gây lũng đoạn thị trường cộng với môi trường lãi suất cao là những yếu tố ảnh hưởng đến mức độ hấp dẫn của những loại tài sản rủi ro này”, ông Hoàng nói.

Một nguyên nhân khác, theo ông Hoàng, là mục đích phát hành khó được chấp thuận bởi nhà đầu tư. Doanh nghiệp muốn huy động được dòng tiền cổ phiếu cần thực hiện niêm yết trên sàn giao dịch hoặc phát hành tăng vốn sau khi đã phát hành. Tuy nhiên mục đích phát hành cũng như khả năng được chấp thuận phụ thuộc rất lớn vào triển vọng của doanh nghiệp đó cũng như thị trường BĐS.

“Việc phát hành phải nhằm mục đích cơ cấu lại nguồn lực tài chính, mở rộng hoạt động kinh doanh, tuy nhiên doanh thu, lợi nhuận năm 2022 của các doanh nghiệp chứng kiến sự suy giảm mạnh mẽ. Doanh số bán hàng tụt giảm vì vậy thay vì mở rộng hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp sẽ ưu tiên duy trì hoặc thu hẹp quy mô. Tương tự việc triển vọng kém tích cực cũng không thể đảm bảo được lợi tức cho cổ đông nếu thực hiện góp vốn nhằm giúp doanh nghiệp trả nợ”, ông Hoàng nói.

hoang.jpg

Thị trường cổ phiếu kém sôi động sau thời gian bùng nổ

Theo ông Hoàng, với những triển vọng kém tích cực trong năm nay, cổ phiếu BĐS cũng không phải là nhóm ngành thu hút dòng tiền trên thị trường chứng khoán.

“Kết quả hoạt động kinh doanh tụt giảm khiến thị giá hàng loạt các cổ phiếu BĐS giảm mạnh, thậm chí mức giảm được tính bằng lần, nhất là đối với những doanh nghiệp có tỷ lệ đòn bẩy cao ví dụ như DIG, CEO, NVL, PDR... Những nhịp hồi của nhóm cổ phiếu này chủ yếu đến từ dòng tiền đầu cơ không ổn định. Vì vậy ngay kể cả khi doanh nghiệp được Ủy ban Chứng khoán chấp nhận tăng vốn cũng khó có thể thu hút nhà đầu tư trên thị trường bởi mức độ rủi ro cao”, ông Hoàng nêu.

Nhiều hy vọng cho nửa cuối năm

Ông Nguyễn Minh Hoàng đánh giá, mặc dù đối mặt với không ít khó khăn nhưng so với kênh trái phiếu và tín dụng ngân hàng thì phát hành cổ phiếu vẫn được đánh giá là tiềm năng hơn trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp có tỷ trọng đòn bẩy không quá cao, năng lực triển khai dự án mạnh, quỹ đất sạch dài hạn tốt.

Tuy nhiên, phát hành ra công chúng ở thời điểm hiện tại là khá khó khăn, nhưng nhìn vào những diễn biến gần đây về mặt vĩ mô, thị trường có cơ sở để kỳ vọng những chuyển biến tích cực cho triển vọng phát hành thành công trong giai đoạn nửa cuối năm.

“Môi trường lãi suất có xu hướng hạ nhiệt giảm áp lực cho người dân có nhu cầu mua nhà: CPI Mỹ tháng 3 diễn biến tích cực từ 6% xuống 5%, nhiều hơn so với mức dự báo 5,2% cộng thêm việc các ngân hàng tại Mỹ đang gặp rủi ro hệ thống kỳ vọng sẽ làm giảm tốc tốc độ tăng lãi suất của Fed và khả năng quay đầu chính sách vào cuối năm nay”, ông Hoàng nói.

hoang.png
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS)

Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng cho hay áp lực từ vĩ mô hạ nhiệt, tỷ giá ổn định sẽ tạo ra rất nhiều dư địa để Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ nền kinh tế.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện mua vào khoảng 4 tỉ USD trong quý 1/2023, tương đương bơm khoảng hơn 95 nghìn tỉ ra nền kinh tế; kế hoạch giải ngân đầu tư công hơn 700 nghìn tỉ hỗ trợ việc bơm tiền ra nền kinh tế. Trong tháng 3, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có 2 lần hạ lãi suất điều hành tạo nền tảng để hạ nền lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý sẽ cần 1, 2 quý để quá trình này tác động được vào lãi suất cho vay bởi hiện tại nguồn vốn huy động lãi suất cao trước đó vẫn còn đó trong điều kiện tăng trưởng tín dụng không quá khả quan, chỉ đạt 1,61% trong 3 tháng đầu năm.

Một yếu tố nữa, theo ông Hoàng là hàng loạt các quyết sách được đưa ra trong 1 tháng cho thấy nỗ lực gỡ rối thị trường từ các nhà điều hành chính sách: Nghị quyết 08 về trái phiếu, Nghị quyết 33 bao gồm 3 vấn đề pháp lý, nguồn vốn và nhà ở xã hội, Đề án 338 về phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, Nghị quyết 10 cơ sở pháp lý chính thống cho bất động sản nghỉ dưỡng và du lịch... Trong đó, Nghị quyết 08 đã phần nào cho thấy được tác động tích cực khi trong quý 1, khối lượng TPDN đã phát hành khi nghị định này có hiệu lực là hơn 23.800 tỉ đồng.

“Nguồn thanh khoản dồi dào, lãi suất hạ nhiệt cùng với các quyết sách về giải quyết vấn đề trái phiếu, giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ… nhằm giải quyết vấn đề cầu của người mua nhà và áp lực vốn của doanh nghiệp. Cùng lúc đó, đề án về nhà ở xã hội và nghị quyết về vấn đề pháp lý của bất động sản nghĩ dưỡng lại hướng đến vấn đề cung của thị trường BĐS, tập trung vào nhu cầu thực chất của thị trường. Các nghị định đề án này cũng sẽ giúp cải thiện niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường BĐS, từ đó dần cải thiện mức độ quan tâm và thanh khoản của các cổ phiếu BĐS”, ông Hoàng nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãi suất cao, sai phạm lũng đoạn thị trường… khiến cổ phiếu bớt hấp dẫn