Lãi suất bình quân liên ngân hàng có xu hướng giảm ở các kì hạn dưới 1 tháng. Cụ thể, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng giảm lần lượt 0,15%/năm, 0,09 %/năm và 0,13%/năm xuống mức 4,7%/năm, 4,76%/năm và 5,05%/năm.
Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài qua hệ thống báo cáo thống kê, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong tuần từ ngày 17 - 21.12.2018 bằng VND đạt xấp xỉ 253.249 tỉ đồng, bình quân 50.650 tỉ đồng/ngày, tăng 3.729 tỉ đồng/ngày so với tuần trước đó.
Doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong tuần đạt khoảng 130.925 tỉ đồng, bình quân 26.185 tỉ đồng/ngày, tăng 8.354 tỉ đồng/ngày.
Theo kỳ hạn, các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (61% tổng doanh số giao dịch VND) và kỳ hạn 1 tuần (19% tổng doanh số giao dịch VND). Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm và 1 tuần với tỷ trọng lần lượt là 72% và 15%.
Về lãi suất, đối với các giao dịch bằng VND, so với tuần trước, lãi suất bình quân liên ngân hàng có xu hướng giảm ở các kì hạn dưới 1 tháng. Cụ thể, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng giảm lần lượt 0,15%/năm, 0,09 %/năm và 0,13%/năm xuống mức 4,7%/năm, 4,76%/năm và 5,05%/năm.
Đối với các giao dịch USD, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần có xu hướng tăng ở các kì hạn ngắn. Cụ thể, lãi suất qua đêm, 1 tuần và 1 tháng tăng 0,08%/năm; 0,08%/năm và 0,26%/năm lên mức 2,36%/năm; 2,46%/năm và 2,84%/năm.
Trong khi đó, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,5-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,5- 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,6-7,3%/năm.
Còn lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6,0-9,0%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay USD giao động ở mức 2,8-6%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8- 4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,5-6%/năm.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước nói rằng sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.
Như vậy, kết thúc năm 2018 có thể thấy mặt bằng lãi suất đã được Ngân hàng Nhà nước duy trì ổn định trong khoảng nửa năm đầu. Sau đó, bước vào quý 3/2018, lãi suất huy động đã liên tục được các ngân hàng điều chỉnh tăng. Xu hướng tăng này còn tiếp tục kéo dài tới những ngày cuối năm 2018.
Ở thị trường liên ngân hàng, từ quý 3, lãi suất cũng liên tục được điều chỉnh tăng ở tất cả các kỳ hạn so với đầu năm. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục ổn định.
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, năm 2018, lãi suất tiền gửi của các tổ chức kinh tế và cá nhân tăng. Lãi suất tiền gửi bình quân tăng từ 5,11% năm 2017 lên 5,25% năm 2018.
Lãi suất cho vay bình quân giao động khoảng 8,91% (năm 2017 là 8,86%). Lãi suất có xu hướng tăng chủ yếu do kỳ vọng lạm phát tăng trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới biến động và các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong năm 2019. Đơn cử như tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống 40% và chuẩn bị tăng vốn cấp 2 theo Basel II.
Phan Diệu