Do tình hình dịch COVID-19 phức tạp tại TP.HCM nên nhiều địa phương trên địa bàn thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội.

Lao động tự do, bán rau, bốc vác, gom rác… ở TP.HCM được hỗ trợ bao nhiêu trong thời gian dịch COVID-19

Tú Viên | 03/07/2021, 17:56

Do tình hình dịch COVID-19 phức tạp tại TP.HCM nên nhiều địa phương trên địa bàn thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội.

Nhiều lao động tự do bị ảnh hưởng đến mưu sinh và không biết mình sẽ nhận được hỗ trợ ra sao nếu phải đi cách ly hay chịu cảnh khốn khó tại chỗ.

ban-rau.jpeg

Theo Nghị quyết về một số chế độ, chính sách đặc thù phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM do HĐND TP.HCM vừa ban hành hôm 25.6.2021, có khoản quy định với lao động tự do.

Cụ thể, chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 như sau:

Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) cư trú hợp pháp trên địa bàn TP.HCM (trường hợp tạm trú phải có đăng ký tạm trú được cơ quan công an xác nhận) bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn 4.000.000 đồng/tháng (mức chuẩn cận nghèo của thành phố giai đoạn 2021-2025) làm một trong sáu loại công việc sau: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; bán vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); làm công việc thuộc một số lĩnh vực ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND Thành phố tại Công văn số 1749/UBND-VX ngày 30.5.2021.

Mức hỗ trợ: 50.000 đồng/người/ngày. Thời gian hỗ trợ: áp dụng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27.3.2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện đến ngày 31.12.2021.

Về câu hỏi người lao động tự do cần làm gì để có tiền trợ cấp thì Giám đốc Sở LĐTB-XH TP.HCM Lê Minh Tấn khẳng định: “Người lao động cũng không phải làm thủ tục gì. Ngoài một số lĩnh vực sẽ do chủ sử dụng lao động thống kê, thì danh sách cụ thể người lao động tự do sẽ do ấp, khu phố, tổ dân phố, tổ nhân dân lập theo mẫu. Sau đó, UBND xã, phường, thị trấn rà soát, xét duyệt và niêm yết danh sách công khai người lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ. Qua 2 ngày niêm yết, hồ sơ sẽ được UBND TP Thủ Đức, quận huyện thẩm định và gửi kết quả về xã, phường, thị trấn để chi trả tiền mặt trực tiếp cho người dân”.

Ngoài ra, Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND cũng quy định chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại các doanh nghiệp; cơ sở sản xuất, kinh doanh; cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp dân lập, tư thục (có trụ sở chính tại TP.HCM) có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động, từ 30 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1.5.2021 đến hết ngày 31.12.2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong khoảng thời gian từ ngày 1.5.2021 đến hết ngày 31.12.2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương thì được hỗ trợ 1 lần 1.800.000 đồng/người.

Riêng đối với người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; người đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha, hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng.

Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND cũng nêu chính sách hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Người lao động làm việc tại các doanh nghiệp; cơ sở sản xuất, kinh doanh; cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp dân lập, tư thục (có trụ sở chính tại TP.HCM) chấm dứt hợp đồng lao động trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến ngày 31.12.2021; có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (trừ các trường hợp người lao động không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm năm 2013 và các văn bản hướng dẫn liên quan) thì được hỗ trợ 01 lần 1.800.000 đồng/người.

Riêng đối với người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; người đang nuôi con chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 01 người là mẹ hoặc cha, hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng.

Trong trường hợp những người thuộc diện trên phải đi cách ly y tế tập trung thì được hưởng hỗ trợ từ ngân sách TP.HCM với tiền ăn là 80.000 đồng/người/ngày trong thời gian phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung. Đồng thời, TP.HCM cũng hỗ trợ cho người tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19 với mức chi 120.000 đồng/người/ngày.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
6 phút trước Theo dòng thời sự
Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tại Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25.11.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lao động tự do, bán rau, bốc vác, gom rác… ở TP.HCM được hỗ trợ bao nhiêu trong thời gian dịch COVID-19