Xuất khẩu điện sang Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Myanmar, Malaysia thậm chí cả Singapore, Lào được đánh giá đã thành công hiện thực hóa tham vọng trở thành “nguồn điện” của Đông Nam Á.

Lào với tham vọng trở thành ‘nguồn điện’ của Đông Nam Á

Cẩm Bình | 02/11/2022, 10:55

Xuất khẩu điện sang Thái Lan, Việt Nam, Campuchia, Myanmar, Malaysia thậm chí cả Singapore, Lào được đánh giá đã thành công hiện thực hóa tham vọng trở thành “nguồn điện” của Đông Nam Á.

Thủy điện chiếm phần lớn lượng điện xuất khẩu. Gần 80 đập thủy điện nằm rải rác khắp đất nước cùng nhiều đập khác dọc sông Mekong đang trong quá trình xây dựng – trong đó 1 đập nằm cách thành phố Luang Prabang được UNESCO công nhận Di sản thế giới chỉ 25km.

Đập gần Luang Prabang dự kiến hoàn thành vào năm 2027, có công suất lắp đặt 1.460 megawatt. Phần lớn điện tạo ra sẽ bán cho Thái Lan.

Vị trí chính của con đập đã được giải phóng mặt bằng, dự án mang lại thêm thu nhập cho những người lái đò địa phương như Thid Pheu. Ông thường chở công nhân từ một ngôi làng gần đó đến địa điểm xây dựng và ngược lại.

“Chúng tôi kiếm được nhiều tiền hơn khi công trình cần nhiều công nhân hơn, mỗi người trả 20.000 kip đi đò. Công trình đem đến lợi ích cho người dân vùng nông thôn ít tiền. Chỉ cần có đò là họ có thể kiếm được tiền nhờ chở người qua lại”, ông Pheu cho biết.

laos01.jpg
Người lái đò Thid Pheu - Ảnh: CNA

Tuy nhiên, dự án cũng làm dấy lên lo ngại về an toàn, môi trường, bảo vệ di sản cùng hàng loạt vấn đề khác.

Số đập thủy điện của Lào sẽ giúp Đông Nam Á đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng mà không làm tăng thêm lượng khí thải carbon. Thủy điện chiếm tỷ trọng lớn trong công suất điện năng lượng tái tạo, giúp các quốc gia giảm phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch.

Nhưng cái giá phải trả là gì?

Giáo sư Philip Hirsch thuộc đại học Sydney cho biết: “Có nhiều lo ngại con đập gần Luang Prabang sẽ ảnh hưởng đến sinh kế người dân lẫn các giá trị di sản của thành phố”.

Đập gần Luang Prabang nằm giữa đập Pak Beng được lên kế hoạch xây ở thượng nguồn với đập Xayaburi ở hạ nguồn. Giáo sư Hirsch nhận xét Lào đang ngăn sông thành một loạt hồ chứa.

Xây dựng đập đòi hỏi di dời 26 ngôi làng với gần 10.000 người. Giám đốc điều hành công ty điện lực nhà nước Electricite du Laos Chanthaboun Soukaloun nói rằng khu vực xây đập không có hạ tầng tốt, nên tái định cư góp phần cải thiện sinh kế chứ không làm người dân nghèo đi. Tuy nhiên nghiên cứu của giáo sư Hirsch chỉ ra điều ngược lại.

“Tôi chưa bao giờ thấy cộng đồng dân cư nào tái định cư để xây đập có thể thiết lập lại sinh kế, lối sống, thu nhập như mức trước khi xây đập cả”, theo giáo sư Hirsch. Ông thừa nhận tái định cư đem lại lợi ích nhất định, nhưng người dân cần thứ gì đó tạo ra thu nhập chứ không thể sinh sống với trường học, đường xá, cơ sở y tế mới.

Giáo sư Hirsch cũng lưu ý rằng Luang Prabang nằm trong khu vực nhiều đướng đứt gãy dễ xảy ra động đất, làm dấy lên lo ngại về an toàn đập lẫn an toàn của người sống xung quanh.

Lào từng hứng chịu thảm họa vỡ đập. Năm 2018, một đập phụ thuộc dự án thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy bị sập do sai sót trong xây dựng khiến 49 người thiệt mạng, 22 người mất tích, 7.000 người phải sơ tán.

laos02.jpg
Điểm xây đập thủy điện gần Luang Prabang - Ảnh: CNA

Tác động môi trường

Nếu không có dữ liệu, sự giám sát và tham gia của các bên liên qua, dự án thủy điện có thể phá hủy cộng đồng dân cư lẫn hệ sinh thái. Điều này thể hiện rõ qua tình hình dọc sông Mekong – con sông dài nhất Đông Nam Á đem lại sinh kế cho hơn 50 triệu người.

Đập Xayaburi khiến tỉnh Nong Khai của Thái Lan - cách 400km ở hạ lưu - rơi vào cảnh thiếu nước tưới tiêu. Nông dân Vinai Phrompaksa cho biết họ phải kéo dài đường ống để bơm nước khi mực nước sông xuống thấp, khi nước được xả khỏi đập thì lại chảy rất nhanh gây ngập lụt.

Ruộng lúa, vườn ớt cùng cà tím, trang trại thuốc lá của ông Phrompaksa đều bị phá hủy. Thiệt hại lên đến 40.000 - 50.000 baht.

Các đập trên sông Mekong còn ảnh hưởng đến độ phì nhiêu của đất nông nghiệp. Chúng thu thập và ngăn phù sa - loại phân bón tự nhiên rất quan trọng - chảy xuống vùng đồng bằng, theo giáo sư Hirsch. Ông lưu ý nếu loạt kế hoạch phát triển thủy điện trên sông Mekong tiếp tục được triển khai thì dự đoán đến năm 2040 khoảng 90% lượng phù sa sẽ không thể đến đồng bằng nữa.

Viễn cảnh trên tác động đến hai quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là Việt Nam và Thái Lan. Tác động sinh thái thực sự rất rộng vì sông Mekong đi qua đến 6 nước.

Năm 2011 khi đập Xayaburi khởi công, người dân Thái tập trung bên ngoài Đại sứ quán Lào ở Bangkok kêu gọi tạm dừng dự án. Họ lo ngại con đập làm hỏng hệ sinh thái sông Mekong ở tây bắc Thái Lan.

Người dân còn khởi kiện hàng loạt cơ quan nhà nước Thái, trong đó có Cơ quan Phát điện quốc gia mua phần lớn điện do đập Xayaburi sản xuất.

Cuối cùng họ thua cuộc. Con đập lớn nhất Lào hoàn thành vào năm 2019, được tài trợ bởi 6 ngân hàng Thái, do 1 công ty Thái xây dựng.

Đại diện Mạng lưới Cộng đồng sông Mekong tại bảy tỉnh đông bắc Thái Lan Ormbun Thipsuna nhớ lại một ngày tháng 7.2019 khi đập Xayaburi chạy thử nghiệm, mực nước sông trong một đêm xuống thấp 4 mét. Người dân địa phương không được cảnh báo trước, cá trong nhiều ao nuôi chết hàng loạt.

Đập thường xuyên giữ và xả nước. Chúng tạo ra điện lúc nhu cầu cao điểm, sau đó giữ nước vào ban đêm lúc mọi người không dùng nhiều điện. Như vậy có nghĩa người dân ở hạ lưu phải chịu cảnh mực nước sông thay đổi thường xuyên hàng ngày thậm chí hàng giờ.

Nông dân Boonrueng Bootseethat sống tại tỉnh Nong Khai (Thái Lan) phàn nàn: “Con sông đã thay đổi. Cá đang mất dần”.

Người ở thượng lưu cũng bị ảnh hưởng. Ngư dân Hieng Xayaxavanh sống tại làng Chom Ngua (Lào) chia sẻ: “Chúng tôi từng bắt được những loài cá lớn. Bây giờ không bắt được nữa vì chúng không thể bơi qua đập Xayaburi”.

Ngư dân Sengathid Dalaphone nói thêm: “Rất khó để cá bơi lên đẻ trứng”.

Giáo sư Hirsch cho biết đa số cá sông Mekong đều là loài di cư. Trên sông có đập thì chúng không thể hoàn thành vòng đời của mình nữa.

Ủy ban sông Mekong ước tính nếu số đập trên sông lẫn phụ lưu được xây đúng kế hoạch, đến năm 2040 lượng thủy sản sẽ giảm 40 - 80%.

laos00.jpg
Đập thủy điện Xayaburi - Ảnh: CNA

Lợi ích thủy điện đem lại cho Lào

Vì sao Lào nhất quyết đầu tư thủy điện? Để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và mở cửa thị trường Lào với thế giới, theo Bộ trưởng Năng lượng Daovong Phonekeo.

Ông cho biết hơn 2/3 công suất thủy điện hiện tại được xuất khẩu, ngành điện đóng góp 15% GDP quốc gia.

“Chúng tôi phải sử dụng tài nguyên thiên nhiên của mình mang lại nhiều thịnh vượng hơn. Phát triển thủy điện cũng trực tiếp giúp tăng tỷ lệ điện khí hóa từ khoảng 30% (năm 2000) lên 95% số hộ gia đình”, Bộ trưởng Phonekeo nói thêm.

Tuy nhiên, nhà hoạt động Gary Lee thuộc tổ chức bảo vệ môi trường International Rivers chỉ ra rằng vào mùa khô khi chịu cảnh thiếu điện, Lào lại phải mua điện bán cho Thái Lan với giá cao gấp đôi mức gia ban đầu.

“Lào nên xem xét lại chiến lược lẫn tình trạng phụ thuộc vào phát triển thủy điện quy mô lớn như phương tiện tạo nguồn thu”, theo nhà hoạt động Lee.

Ông cũng lưu ý phát triển thủy điện quy mô lớn đòi hỏi phải đi vay qua đó làm tăng nợ. Ngân hàng Thế giới (WB) vào tháng 4 cảnh báo nợ công của Lào năm 2021 đã lên đến 14,5 tỉ USD, đe dọa đến ổn định kinh tế vĩ mô quốc gia.

Bài liên quan
5 du khách thiệt mạng nghi do ngộ độc methanol tại Lào
Đài CNN đưa tin một phụ nữ Anh vừa trở thành du khách nước ngoài thứ 5 tử vong nghi do ngộ độc methanol tại Lào. Nhiều nước đã ra cảnh báo về nguy cơ uống phải rượu pha methanol khi đến quốc gia Đông Nam Á này du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lào với tham vọng trở thành ‘nguồn điện’ của Đông Nam Á