Đầu tháng qua, TikTok bắt đầu tuyển dụng nhân sự để xây dựng nên mạng lưới kho vận tại Mỹ.

Tham vọng thành ‘siêu cường logistics’ của Trung Quốc

Cẩm Bình | 31/10/2022, 10:04

Đầu tháng qua, TikTok bắt đầu tuyển dụng nhân sự để xây dựng nên mạng lưới kho vận tại Mỹ.

Nhiều vị trí được tuyển sẽ làm việc cho trung tâm xử lý - hoàn tất đơn hàng toàn cầu ở Seattle và Los Angeles phục vụ cho tham vọng phát triển thương mại điện tử của nền tảng mạng xã hội này.

Nỗ lực trên chỉ là một phần trong tham vọng trở thành “siêu cường logistics” của Trung Quốc. Bắc Kinh dựa vào không ít công ty tư nhân như TikTok giúp họ đạt được tham vọng.

Khi tham gia mảng phân phối - giao hàng, các “ông lớn” công nghệ và thương mại điện tử Trung Quốc đang đặt nền móng cho thay đổi lớn trong ngành logistics toàn cầu. Ngoài TikTok, thương hiệu thời trang nhanh Shein cũng có kế hoạch lập trung tâm phân phối cùng trung tâm xử lý - hoàn tất đơn hàng tại Mỹ. Công ty vận chuyển Cainiao trực thuộc Alibaba, công ty giao hàng JD Logistics trực thuộc JD.com, công ty chuyển phát nhanh toàn cầu SF Express cạnh tranh khốc liệt giành thị phần. Năm ngoái, Trung Quốc thành lập một tập đoàn logistics quốc doanh khổng lồ với vốn đăng ký 30 tỉ Nhân dân tệ, đặt mục tiêu làm “đơn vị tổ chức chuỗi cung ứng toàn cầu”.

Trung Quốc tìm cách đạt tham vọng thành “siêu cường logistics” trong bối cảnh tình trạng gián đoạn thương mại toàn cầu do đại dịch khiến tầm quan trọng của chuỗi cung ứng linh hoạt cùng mạng lưới logistics mạnh mẽ được chú ý đến. Mỹ cùng đồng minh thì tìm cách giảm phụ thuộc hàng hóa và công nghệ Trung Quốc. Bắc Kinh ngược lại - cũng đề ra chiến lược quốc gia giảm thiểu phụ thuộc nước ngoài song song tối đa hóa phụ thuộc toàn cầu với nước này.

Logistics chính là lĩnh vực mới nhất mà Trung Quốc áp dụng chiến lược trên. Phương thức thực hiện là: xác định ngành đã chín muồi để xảy ra sự gián đoạn tạo điều kiện cho công nghệ mới nổi, làm chủ công nghệ đó rồi nắm lấy cơ hội vượt mặt các quốc gia đi trước. Đây là cách làm giúp Bắc Kinh thống trị ngành xe điện và pin dù trước đây không phải “cường quốc ô tô".

Tương tự, công nghệ mới trong lĩnh vực logistics như robot tự hành hay phân tích dữ liệu có thể tăng cường vị thế cạnh tranh của Trung Quốc với các đối thủ truyền thống.

Theo nhà phân tích Jeffrey Towson: “Logistics vận hành rất đơn giản. Khi đã có thiết bị không người lái, robot, phần mềm thì bạn chỉ cần cắm điện vận hành thôi. Tôi dự báo vài công ty Trung Quốc sẽ trở thành đơn vị hàng đầu thế giới ở lĩnh vực này”.

thlogistics.jpg
Trung Quốc dựa vào công ty tư nhân để hiện thực hóa tham vọng thành "siêu cường logistics" - Ảnh: Reuters

Xây dựng “hệ thống lưu thông hiện đại” 

Về cơ bản, logistics chỉ là chuyển hàng từ điểm A đến điểm B. Nhưng hoạt động vận chuyển đơn giản này ở quy mô lớn lại đóng vai trò “mạch máu” của mọi quốc gia. Trung Quốc xem đây là ngành chiến lược làm nền tảng cho hiệu quả lẫn khả năng cạnh tranh kinh tế.

Trung Quốc muốn nâng tầm logistics thành “hệ thống lưu thông hiện đại” tích hợp các luồng lưu thông thương mại, tài chính, đi lại lẫn hàng hóa.

Về tài chính, quốc gia châu Á triển khai đồng Nhân dân tệ số và tìm cách thay thế mạng lưới thanh toán toàn cầu SWIFT. Về thương mại và hàng hóa, họ đặt ra tầm nhìn về một mạng lưới kho vận toàn cầu do Trung Quốc định hình hứa hẹn giảm chi phí, góp phần kiểm soát tốt hơn hoạt động xuất nhập khẩu, giúp nước này tăng cường ảnh hưởng với các luồng lưu thông thương mại.

Một mảng mà Trung Quốc đạt tiến bộ đáng kể vài năm gần đây là số lượng kho hàng ở nước ngoài được vận hành bởi đơn vị xuất khẩu hoặc công ty thương mại điện tử xuyên biên giới. Số liệu chính thức cho thấy số nhà kho tăng từ dưới 100 (năm 2015) lên hơn 2.000.

Bên cạnh hạ tầng hữu hình như nhà kho, Trung Quốc còn muốn phát triển một số công ty logistics đủ sức cạnh tranh toàn cầu.

Dù Trung Quốc thống trị mảng vận tải biển, nhưng vận tải biển là một phần trong mạng lưới logistics toàn diện hơn. Các thành phần khác gồm lưu trữ, phân phối, chuyển phát quốc tế, nền tảng dữ liệu.

“Xuất khẩu của Trung Quốc bao phủ hơn 220 quốc gia và khu vực, nhưng vẫn chưa có công ty logistics có khả năng giao hàng toàn cầu như UPS, FedEx, DHL”, nhà kinh tế Wei Jigang thuộc Trung tâm nghiên cứu Phát triển, Quốc vụ viện Trung Quốc viết trong một quyển sách năm 2017.

thlo00.jpg
Robot tự hành trong kho hàng của công ty Cainiao - Ảnh: Getty Images

Cainiao, TikTok và tham vọng thay đổi thị trường logistics

Tuy nhiên, tình trạng có thể thay đổi bởi công ty vận chuyển Cainiao (trực thuộc Alibaba) được giới phân tích so sánh với hai hãng nổi tiếng Amazon và Flexport.

Cainiao đi vào hoạt động từ năm 2013, ban đầu chủ yếu tập trung vào phần mềm, cung cấp nền tảng thông tin hậu cần kết nối năng lực giao hàng giữa nhiều các đơn vị logistics.

Dần dần Cainiao đầu tư sang cả hạ tầng hữu hình: xây dựng nhà kho, trung tâm phân phối, trung tâm tập kết hàng, trung tâm logistics tích hợp. Tất cả đều được hệ thống tự động và phần mềm độc quyền của công ty hỗ trợ.

Đầu tư mang lại hiệu quả. Năm tài khóa 2022, Cainiao mỗi ngày giao trung bình 4,5 triệu kiện hàng xuyên biên giới – cạnh tranh trực tiếp với “ông lớn” trong ngành như FedEx, UPS.

Nền tảng tạo video ngắn TikTok cũng tham gia, hứa hẹn làm thay đổi thị trường logistics. Công ty có kế hoạch xây dựng “hệ thống hoàn tất đơn hàng thương mại điện tử quốc tế” gồm nhiều kho hàng cùng trung tâm hoàn tất đơn trên đất Mỹ để tăng tốc độ giao sản phẩm từ Trung Quốc cũng như giúp việc đổi trả sản phẩm trở nên dễ dàng hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
1 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tham vọng thành ‘siêu cường logistics’ của Trung Quốc