Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát tín hiệu Điện Kremlin có thể sẵn sàng đàm phán chấm dứt xung đột miễn là phương Tây phải đáp ứng một số điều kiện nhất định.

Nga sẽ đàm phán chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine với một số điều kiện

Hoàng Vũ | 31/10/2022, 17:18

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát tín hiệu Điện Kremlin có thể sẵn sàng đàm phán chấm dứt xung đột miễn là phương Tây phải đáp ứng một số điều kiện nhất định.

Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình nhà nước Nga vào cuối tuần trước, Ngoại trưởng Lavrov đã thảo luận về khả năng đàm phán giữa Nga và phương Tây. Ông cho biết Nga "luôn sẵn sàng lắng nghe các đồng nghiệp phương Tây nếu họ đưa ra yêu cầu thiết thực để tổ chức một cuộc trò chuyện".

Ông Lavrov đã nêu hai điều kiện mà phương Tây cần phải đồng ý để các cuộc đàm phán thành công. Đầu tiên, Ngoại trưởng Nga đề cập là phương Tây cần phải "tính đến đầy đủ các lợi ích của Liên bang Nga và an ninh của nước này".

Nga, trong nhiều năm, đã lo ngại về sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Điện Kremlin coi đây là mối đe dọa đối với các lợi ích an ninh của nước này. Trong suốt cuộc xung đột, nhiều quốc gia Đông Âu bao gồm Phần Lan - có chung đường biên giới với Nga - đã nỗ lực gia nhập NATO, củng cố tổ chức và giáng đòn vào phạm vi ảnh hưởng của Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ yêu cầu Ukraine trung lập trong các cuộc đàm phán với phương Tây.

Điều thứ 2, theo ông Lavrov, phương Tây sẽ phải "cung cấp cho Nga một số cách tiếp cận nghiêm túc giúp xoa dịu căng thẳng". Tuy nhiên, ông đã không đưa ra chi tiết cụ thể về cách chính xác phương Tây có thể làm như vậy, mặc dù trước đó Nga đã cáo buộc các nước châu Âu “làm sâu sắc thêm căng thẳng” thông qua việc hỗ trợ Ukraine và các lệnh trừng phạt đã làm suy yếu nền kinh tế của Moscow.

larvov.png
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov - Ảnh: Getty

"Chúng tôi cần được tiếp cận với các đề xuất thực tế dựa trên các nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lợi ích lẫn nhau, nhằm tìm kiếm sự thỏa hiệp và cân bằng lợi ích của tất cả các nước trong khu vực này", ông Lavrov nói.

Hôm 29.10, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng cho biết rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào để chấm dứt chiến tranh Ukraine trước tiên sẽ cần phải được tổ chức với Mỹ.

Phát biểu của Ngoại trưởng Lavrov được đưa ra sau hơn 8 tháng kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24.2. Các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine đình trệ kể từ tháng 3. Việc Nga gần đây sáp nhập 4 vùng lãnh thổ tại Ukraine khiến căng thẳng giữa Nga với Ukraine nói riêng và với phương Tây nói chung leo thang hơn.

Ukraine vốn đang nhận được sự hỗ trợ từ phương Tây, đã tăng cường phản công thời gian qua, trong khi Nga cũng không có dấu hiệu từ bỏ xung đột.

Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleh Nikolenko hôm 31.10 đã nêu điều kiện để Kyiv và Moscow có thể đàm phán hòa bình, bao gồm việc Nga rút quân khỏi nước láng giềng. "Đề xuất thực tế duy nhất là Nga phải chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến và rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine", ông Nikolenko nói.

Đề cập với tuyên bố trước đó của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, ông Nikolenko cho rằng đây chỉ là màn "tung hỏa mù" với mục đích "câu giờ" trong bối cảnh quân đội Nga đang gặp bất lợi tại Ukraine. "Chừng nào Nga còn tiếp tục cuộc chiến thì mọi vấn đề chỉ có thể giải quyết trên chiến trường", ông Nikolenko nói thêm.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đó cũng đã đưa ra yêu cầu ngồi lại với các nhà lãnh đạo Nga để chấm dứt chiến tranh đang tàn phá đất nước.

Ông Zelensky cho biết vào tháng 9 rằng các điều kiện đàm phán phải đổi lại các lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn nữa đối với Nga. Ông Zelensky nói rằng Nga phải bị loại bỏ khỏi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cam kết bảo vệ cuộc sống của người Ukraine, công nhận biên giới và đảm bảo an ninh mới cho Ukraine.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng lợi ích của Ukraine nên là trung tâm của bất kỳ cuộc đàm phán nào để chấm dứt xung đột. Trong một tuyên bố hồi đầu tháng 10, ông Biden và các nhà lãnh đạo thế giới tái khẳng định cam kết "cung cấp sự hỗ trợ mà Ukraine cần để duy trì chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nga sẽ đàm phán chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine với một số điều kiện