Ngày 29.10, Nga thông báo đình chỉ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen, không qua tàu thuyền đi lại.

Những ảnh hưởng khi Nga đình chỉ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen

Cẩm Bình | 01/11/2022, 18:54

Ngày 29.10, Nga thông báo đình chỉ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen, không qua tàu thuyền đi lại.

Ukraine báo cáo có hơn 200 tàu, trong đó có nhiều tàu đã chất hàng sẵn sàng di chuyển, đã mắc kẹt khi Nga đình chỉ thỏa thuận. Tuy nhiên, đến ngày 31.10 Kyiv cho biết, hàng chục tàu đã rời cảng, trong khi Bộ Quốc phòng Nga khẳng định giao thông trên sông vẫn bị đình chỉ.

Xuất khẩu qua Biển Đen rất quan trọng: Ukraine và Nga là hai quốc gia hàng đầu thế giới về cung cấp lúa mì, lúa mạch, dầu hướng dương cùng nhiều thực phẩm khác cho châu Phi, Trung Đông và vài khu vực ở châu Á.

Lợi ích từ thỏa thuận đem lại

Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen là sự hợp tác hiếm hoi giữa Ukraine với Nga kể từ khi cuộc chiến giữa hai nước nổ ra.

Nhờ Thổ Nhĩ Kỳ cùng Liên Hợp Quốc đứng ra làm trung gian tạo điều kiện ký kết, thỏa thuận cho phép 397 tàu chở hơn 9 triệu tấn ngũ cốc an toàn rời khỏi các cảng biển của Ukraine.

Theo Liên Hợp Quốc, thỏa thuận giúp kéo giá lương thực giảm 15% so với mức đỉnh hồi tháng 3.

Thông báo đình chỉ thỏa thuận của Nga đã đẩy giá lúa mì kỳ hạn ngày 31.10 tăng 5%. Học giả Joseph Glauber thuộc Viện nghiên cứu Chính sách lương thực quốc tế (IFPRI) nhận định trong bối cảnh thị trường toàn cầu bị siết chặt, nước nghèo sẽ phải trả nhiều tiền hơn để nhập khẩu ngũ cốc.

Trước lúc Nga đình chỉ thỏa thuận, phương Tây cáo buộc Moscow “bỏ đói” các khu vực dễ bị tổn thương bằng cách từ chối xuất khẩu. Đáp lại, Nga cáo buộc hầu hết ngũ cốc xuất khẩu đều đến châu Âu thay vì các quốc gia đang phải hứng chịu nạn đói.

Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách vấn đề nhân đạo Martin Griffiths tuyên bố, 23% lượng hàng xuất khẩu theo thỏa thuận đi đến nước có thu nhập thấp hoặc trung bình thấp. Ukraine cho biết 5 triệu tấn ngũ cốc đã được xuất sang các quốc gia châu Phi và châu Á, với 190.000 tấn lúa mì được gửi đến quốc gia đang nhận được cứu trợ từ Chương trình Lương thực thế giới.

grain.jpg
Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen giúp xoa dịu khủng hoảng lương thực toàn cầu - Ảnh: Reuters

Tình hình gần đây

Một tàu chở 30.000 tấn lúa mì cho Ethiopia khởi hành hôm 31.10. Đây là một trong số hàng chục tàu chở hơn 354.000 tấn nông sản có thể rời cảng nhờ Thổ Nhĩ Kỹ và Liên Hợp Quốc nhất trí duy trì hành lang nhân đạo bất chấp Nga đình chỉ thỏa thuận. Ethiopia cùng hai nước láng giềng Somalia và Kenya hiện chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt hạn hán khắc nghiệt nhất nhiều thập kỷ ở khu vực.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia ngày 31.10 tuyên bố Biển Đen vẫn là “khu vực thù địch” nên Moscow không thể cho phép tàu thuyền đi lại mà không có sự kiểm tra của nước này. Ông phản đối quyết định cho tàu tiếp tục di chuyển bằng hành lang nhân đạo.

Nhà phân tích William Osnato thuộc công ty dữ liệu nông nghiệp Gro Intelligence cho biết bản đồ giám sát hành trình tàu không hiển thị có bất cứ tàu này di chuyển về hướng thành phố cảng Odesa – điểm tập kết hàng xuất khẩu quan trọng trên Biển Đen.

Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh nước này chỉ đình chỉ chứ chưa rút khỏi thỏa thuận. Moscow sẵn sàng cung cấp miễn phí tới 500.000 tấn ngũ cốc cho các nước nghèo trong 4 tháng tới thay cho nguồn ngũ cốc Ukraine, với sự hỗ trợ từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Những ảnh hưởng khi Nga đình chỉ thỏa thuận

Dù trừng phạt áp đặt với Nga không ảnh hưởng đến xuất khẩu ngũ cốc nước này và thỏa thuận xuất ngũ cốc cùng phân bón Nga vẫn còn hiệu lực, một số doanh nghiệp bắt đầu phải cảnh giác.

Các quốc gia đang phát triển sẽ phải tìm nhà cung cấp ngũ cốc mới, cũng như phải trả nhiều tiền hơn cho quốc gia xuất khẩu khác ngoài Ukraine và Nga như Mỹ, Argentina, Úc – nơi mùa màng đang bị hạn hán hoặc mưa lớn đe dọa. 

“Thế giới cần vụ thu hoạch lớn. 10% xuất khẩu lúa mì thế giới của Ukraine là khoảng trống lớn cần lấp đầy”, theo học giả Glauber.

Nhà phân tích Peter Meyer thuộc công ty S&P Global Platts lo ngại quyết định đình chỉ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen sẽ tác động lâu dài đến giá cả lẫn nguồn cung ngô và ngũ cốc. Giới thương nhân nghi ngờ khả năng thỏa thuận tồn tại lâu, một lý do là vì giá ngô vẫn tăng chứ không hề giảm kể từ khi Nga - Ukraine ký kết vào tháng 7.

Theo nhà phân tích Meyer, thị trường tập trung vào vấn đề khác: mực nước sông Mississippi thấp làm chậm xuất khẩu nông sản Mỹ, vụ mùa ngô đáng thất vọng ở miền tây nước Mỹ, nguy cơ ngành đường sắt Mỹ nổ ra đình công.

Cố vấn Shaun Ferris thuộc tổ chức nhân đạo Catholic Relief Services (đối tác của Chương trình Lương thực thế giới) lại nhận định quyết định đình chỉ thỏa thuận sẽ tạo tác động lan tỏa khắp thị trường khiến giá tăng cao một khoảng thời gian: “Như vậy mức giá cao kỷ lục ở Đông Phi có thể không sớm hạ nhiệt”.

Sau 4 mùa mưa với lượng mưa ít kỷ lục ở vùng Sừng châu Phi, hàng triệu người đang bị đói, hàng triệu gia súc là nguồn cung thực phẩm và của cải quan trọng chết dần. Cố vấn Ferris làm việc với nhiều công ty để gửi hàng trăm tấn thức ăn chăn nuôi đã qua chế biến tới miền bắc Kenya giữ cho gia súc sống sót. Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen bị đình chỉ đe dọa làm trầm trọng thêm tình hình.

Các quốc gia Bắc Phi và Trung Đông nghèo khó nơi bánh mì là phần quan trọng trong khẩu phần ăn không hề tìm được lương thực thay thế như gạo hay cao lương. Vì vậy mà “bóng ma” bất ổn chính trị lớn dần.

Tại quốc gia nhập khẩu lúa mì nhiều nhất thế giới là Ai Cập, khủng hoảng kinh tế khiến việc mua lúa mì trở nên khó khăn hơn, đồng tiền quốc gia rớt giá thảm hại.

Bài liên quan
Nga quyết tâm phá vỡ phòng tuyến Ukraine bằng tên lửa xuyên lục địa, Kyiv đáp trả kiên cường với nguồn lực kiệt quệ
Theo New York Times, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã bước sang một giai đoạn mới, khốc liệt hơn, với việc Nga tăng cường các cuộc tấn công dọc các mặt trận ở miền đông và miền nam Ukraine.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những ảnh hưởng khi Nga đình chỉ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen