Do ảnh hưởng của dịch bệnh, lễ hội lâu đời và kỳ lạ nhất ở Nhật Bản đã phải hạn chế số người tham dự và thay đổi cơ cấu tổ chức.
Lễ hội khoả thân là một sự kiện văn hoá lâu đời của Nhật Bản đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Sự kiện thường niên có lịch sử gần 1.000 năm và thu hút hơn 10.000 người đàn ông mặc khố tham dự nhưng năm nay các trưởng lão tại đền Sadaiji Kannonin, tỉnh Okayama, miền Trung Nhật Bản đã phải chọn cách thu hẹp quy mô tổ chức.
Lễ hội khỏa thân sẽ được tổ chức vào ngày 20.2 tới với một hình thức hoàn toàn khác mọi năm. “Nếu như trước đây chúng tôi có thể đón hơn 10.000 người đàn ông đổ về tham dự, thì năm nay điều này là bất khả thi và vô cùng nguy hiểm vì đại dịch COVID-19”, Yuji Omori, phát ngôn viên của đền cho biết.
Mặc dù năm ngoái lễ hội được tổ chức khi đại dịch đã bùng phát, lúc đó tình hình vẫn trong tầm kiểm soát vì thế các sự kiện đều diễn ra như thường. Thế nhưng năm nay mọi thứ đã phải thay đổi. Lần này lễ hội sẽ mời 141 người chiến thắng ở các lần tổ chức từ năm 1989 đến tham dự và truyền hình trực tiếp sự kiện. Các tấm bùa sẽ được truyền tay liên tục cho đến khi vị trụ trì rút ngẫu nhiên tên của những ai tham gia từ một thùng gỗ để ấn định người thắng cuộc.
Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng quyết định cấm khán giả và huỷ bỏ việc bắn pháo hoa, các quầy hàng bán đồ ăn và đồ lưu niệm cũng được yêu cầu tách biệt khỏi ngôi đền.
Lễ hội khoả thân Nhật Bản hay còn gọi là Hadaka Matsuri là lễ hội diễn ra vào ngày thứ Bảy tuần thứ ba của tháng Hai hàng năm tại ngôi đền Saidaiji Kannonin, thành phố Okayama, miền tây Nhật Bản.
Trong lễ hội, những người đàn ông phải cởi bỏ quần áo trong cái lạnh thấu xương của mùa đông nước Nhật, chỉ mặc duy nhất một chiếc khố trắng được gọi là fundoshi và mang một đôi tất trắng có tên là tabi.
Nghi lễ kỳ lạ và đặc biệt này có truyền thống rất lâu đời, khởi nguồn ở ngôi đền Saidaiji. Ban đầu, những người tham gia tụ tập trước cổng đền, tranh nhau bắt một tấm bùa bằng giấy do vị đạo sĩ ném ra. Tuy nhiên, do chất liệu giấy dễ rách, hỏng, ngày nay, tấm bùa này được thay bằng một cây gậy bằng gỗ dài 20 cm gọi là shingi. Họ làm như thế với mục đích chờ để là người bắt một trong hai chiếc gậy may mắn sẽ được vị thầy tu trong ngôi chùa ở Okayama ném ra. Theo truyền thống Nhật Bản, người nào có cơ hội bắt được cây gậy thần, bỏ vào chiếc hộp gỗ (gọi là masu) chứa đầy gạo thì anh ta sẽ được may mắn và hạnh phúc trong 12 tháng tới.
Chỉ hai người may mắn sẽ chụp lấy được “tấm bùa” của cả năm và nếu có ai giành được nó, những người xung quanh sẽ cố chạm vào người anh ta để hưởng chút may mắn đang lan tỏa.
Lễ hội Hadaka Matsuri được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể vào năm 2016. Bên cạnh đó, nhiều lễ hội khỏa thân khác cũng được tổ chức ở khắp Nhật Bản, ví dụ như tại vùng Yotsukaido, TP Chiba, đàn ông mặc khố chiến đấu và đưa trẻ em qua vũng bùn như một cách trừ tà.