TS Phan Phương Nam cho rằng bên cạnh các giải pháp đã thực hiện, cần tính tới các giải pháp khác quyết liệt hơn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nhiều hơn.

Liều thuốc nào "giảm đau" cho nền kinh tế?

Huyền Trang - Hoài Lam | 20/09/2021, 20:43

TS Phan Phương Nam cho rằng bên cạnh các giải pháp đã thực hiện, cần tính tới các giải pháp khác quyết liệt hơn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nhiều hơn.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Nghị quyết đã tập trung vào nhóm giải pháp đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng.

TS Phan Phương Nam, Phó trưởng Khoa Luật Thương mại, Đại học Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với phóng viên Một Thế Giới về vấn đề này.

Nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc chúng ta tính đến chuyện mở cửa nền kinh tế. Nghị quyết này sẽ có tác động như thế nào tới lộ trình mở cửa nền kinh tế, thưa ông?

TS Phan Phương Nam: Hiện tại, rất khó để đưa số ca nhiễm về mức 0 vì biến chủng Delta lây lan rất mạnh và khó có thể kiểm soát. Do thời gian phong tỏa kéo dài nên nền kinh tế và doanh nghiệp đã chịu những ảnh hưởng nhất định. Do đó, ở thời điểm hiện tại, Nghị quyết có tác động rất lớn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp.

Linh hoạt, thích ứng sẽ giúp chúng ta giảm bớt áp lực về tăng trường kinh tế trong những tháng cuối năm và tạo tiền đề tốt cho năm 2022 sắp tới.

Các nước trên thế giới đã tiến hành mở cửa như thế nào, Việt Nam có thể học gì từ họ, thưa ông?

TS Phan Phương Nam: Có thể ví dụ điển hình là Thái Lan. Thái Lan đang dần nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch tại 29 tỉnh, thành phố trong khu vực màu đỏ sậm, tức vùng kiểm soát khắt khe và tối đa, trong đó có cả thủ đô Bangkok.

Hiện Thái Lan chia thành 3 vùng kiểm soát dịch. Đỏ sẫm là vùng kiểm soát khắt khe và tối đa. Đỏ là vùng kiểm soát khắt khe gồm 37 tỉnh. Cam là vùng kiểm soát với 11 tỉnh.

Còn đối với việc mở cửa du lịch quốc tế, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan ngày 9.9 cho biết, nước này có kế hoạch mở cửa đón du khách nước ngoài trở lại Bangkok và các điểm du lịch nổi tiếng khác từ tháng 10 tới.

Với quá trình mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đang là nước đi sau, nên chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế của người đi sau để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả.

Nhìn ở một bình diện rộng hơn, tác động từ đại dịch COVID lần thứ 4 tới kinh tế Việt Nam được đánh giá là lớn. Ông nghĩ như thế nào về tăng trưởng những tháng còn lại cuối năm?

TS Phan Phương Nam: Tăng trưởng cho những tháng cuối năm thật sự là vấn đề lo ngại bởi tác động làn sóng COVID lần thứ 4 là rất lớn.

dn-2.jpeg
DN gặp nhiều khó khăn trong đại dịch COVID-19

Đợt dịch lần này đã tác động trực tiếp vào những trung tâm kinh tế và các trung tâm công nghiệp, đầu não kinh tế như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM và Hà Nội nhưng GDP các quý 1, 2 vẫn tăng khả quan.

Đợt dịch lần 3 và 4 này có xu hướng kéo dài và chưa biết bao giờ dừng lại. Đợt dịch lần thứ 4 này tác động rất mạnh đến tăng trưởng kinh tế quý 3 và có thể sang quý 4. Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp lâm vào đình trệ, tăng trưởng 6,5% là rất khó khăn.

Tiếp xúc với doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp tâm sự với tôi rằng họ không thể tiếp tục kinh doanh, tức phải phá sản chứ không đơn giản chỉ là cầm cự cho qua ngày nữa.

Tôi cũng rất lo ngại về dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam sẽ chững lại sau đại dịch này.

Vậy chúng ta có thể trông chờ vào những động lực quan trọng nào những tháng cuối năm nay?

TS Phan Phương Nam: Điều này phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách trong đại dịch. Ví như, nếu chúng ta có thể mở cửa, nới lỏng dãn cách trong chừng mực nhất định và có thể cho những người tiêm đủ 2 mũi vắc xin đi lại và hoạt động bình thường thì các ngành dịch vụ và sản xuất có thể mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, cũng có cơ hội cho tăng trưởng cuối năm là đầu tư công và tiêu dùng, xuất khẩu, đây là động lực quan trọng cho tăng trưởng trong nước, đặc biệt các lĩnh vực có liên quan đến đầu tư.

Dấu hiệu phục hồi của kinh tế thế giới đã xuất hiện. Đà xuất khẩu đã có. Ngay từ lúc này, doanh nghiệp trong nước phải chuẩn bị nguyên, nhiên vật liệu để đón lấy.

Theo ông, giải pháp căn cơ nào để có thể "giảm đau" cho nền kinh tế, giúp cho tăng trưởng Việt Nam từ giờ đến cuối năm? Thưa ông?

TS Phan Phương Nam: Tôi cho rằng, bên cạnh các giải pháp đã thực hiện, chúng ta cần tính tới các giải pháp khác quyết liệt hơn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nhiều hơn.

Ví như với việc miễn giảm các loại thuế như đã công bố, tôi đề xuất chúng ta hãy giảm các loại thuế khác, ví như thuế giá trị gia tăng. Lý giải đơn giản, khi thuế giá trị gia tăng được giảm thì người dân và doanh nghiệp sẽ cùng được lợi, người dân có thể mua hàng với mức giá rẻ, còn doanh nghiệp sẽ bán được nhiều hàng hơn, từ đó thúc đẩy nền kinh tế.

dn-4.jpg
TS Phan Phương Nam, Phó trưởng Khoa Luật Thương mại, Đại học Luật TP.HCM

Chúng ta cũng tính tới việc hỗ trợ tài chính và hỗ trợ lãi suất để giảm áp lực tài chính. Chúng ta có thể điều chỉnh lãi suất cơ bản xuống. Với sự hỗ trợ thiết thực ấy, tôi tin rằng doanh nghiệp có thể hưởng lợi và nền kinh tế sẽ bớt đau.

Còn vấn đề mục tiêu kép thì sao, thưa ông? Theo ông, đâu sẽ là giải pháp để chúng ta thực hiện tốt mục tiêu kép?

TS Phan Phương Nam: Với mục tiêu kép, tôi cho rằng chúng ta thực hiện chống dịch quyết liệt nhưng phải duy trì sản xuất kinh doanh để tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Hai mục tiêu đó tùy hoàn cảnh cụ thể để điều chỉnh sự tập trung mọi nguồn lực cho phù hợp.

Theo đó, có một số vấn đề chúng ta cần lưu ý như sau:

Thứ nhất là đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc xin với tỷ lệ càng cao càng tốt. tôi hiểu rằng việc đàm phán vắc xin đang rất khó khăn bởi nguồn cung hạn chế. Nhưng không còn cách nào khác, thời điểm hiện tại, bằng mọi cách để tìm nguồn vắc xin, thúc đẩy nhiều nguồn, nhiều kênh hơn nữa. Cùng với đó, phải xúc tiến khẩn trương các quy trình, thủ tục rút gọn để nhanh chóng sản xuất vắc xin trong nước.

Thứ hai, đồng thời với chống dịch, phải sơ kết, tổng kết thường xuyên các phương pháp chống dịch trong thời gian qua để khắc phục ngay những hạn chế đáng tiếc. Đã có những bài học rút ra từ dịch bệnh, nhưng do chưa được tổng kết, đánh giá cụ thể, nên chưa đúc rút thành những kinh nghiệm sâu sắc cả về cách thức lãnh đạo, quản lý và phương án, phác đồ điều trị dưới góc độ chuyên môn. Đến giờ, việc chuyển trạng thái và phương pháp chống dịch, như việc phân chia thành các tầng điều trị bệnh nhân là phù hợp với mức độ nặng nhẹ và sự lây nhiễm ở các đối tượng khác nhau.

Khi giãn cách xã hội phải lấy ý thức công dân làm trọng, thực hiện tốt các mục tiêu khác, chứ bây giờ tôi thấy vẫn cứng nhắc quá trong việc phong tỏa, cách ly tập trung, vô hình trung làm tắc nghẽn mạch máu lưu thông của các quan hệ kinh tế - xã hội. Phương pháp đó có thể phù hợp với giai đoạn đầu, khi nguồn lây dễ phát hiện, nhưng bây giờ mức độ lây lan nhanh của dịch bệnh, không triệu chứng, truy vết khó khăn nên phải thay đổi cho phù hợp.

Thứ ba, phải gắn liền các chính sách chống dịch với chính sách an sinh xã hội bởi khi và chỉ khi các người lao động đảm bảo được cuộc sống thì họ mới có thể yên tâm chống dịch.

Ngoài ra, cũng phải tính tới các kế sách lâu dài khác đảm bảo an sinh cho người dân. Có thể phải tính tới việc điều chỉnh một số mục tiêu phát triển kinh tế, mặc dù con số về sản xuất, tiêu dùng mấy tháng đầu năm 2021 là khả quan, nhưng đó là do những kết quả gối đầu cuối năm ngoái, năm nay chỉ có 4 tháng yên ổn làm ăn thôi. Thế nên những tháng cuối năm 2021 sẽ rất khó khăn.

Tôi nghĩ rằng phải tính tới kịch bản điều chỉnh mục tiêu năm nay cho phù hợp, làm sao lượng được sức mình cho phù hợp để mà phấn đấu, không cố căng mình ra đạt bằng được cả hai mục tiêu thì rất khó.

Đồng thời, cũng phải có kịch bản chuẩn bị cho làn sóng dịch bệnh lần thứ 5 với chủng vi rút mới mà nhiều nhà khoa học đã cảnh báo là sẽ phức tạp hơn có thể quay trở lại. Đây là khoảng thời gian giữa năm, thời điểm thường xuyên xảy ra thiên tai lũ lụt, nên phải lường trước để chuẩn bị đối phó cho phù hợp với thảm họa kép có thể xảy ra.

Cảm ơn ông!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Liều thuốc nào "giảm đau" cho nền kinh tế?