Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Nhiều người lao động ở các tỉnh không có việc làm, không có lương thực và tiền dự trữ.
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn
Chiều tối 16.9, 14 hiệp hội doanh nghiệp đã có thư gửi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về chiến lược “Phòng chống dịch theo điểm” phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới.
Văn bản nêu, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 do biến chủng Delta khiến việc giãn cách xã hội tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh miền Nam đã kéo dài từ 2 đến 3 tháng. Giãn cách, phong tỏa diện rộng và kéo dài khiến các doanh nghiệp (DN) gặp rất nhiều khó khăn và tình hình này không thể kéo dài.
So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) của TP.HCM tháng 8.2021 giảm 49,2%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 59,4%. Khoảng 18% DN EU đã chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam.
“Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy, người lao động mất việc làm, nông-ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm. Nhiều lao động ở các tỉnh không có việc làm, không có lương thực và tiền dự trữ”, văn bản nêu rõ.
Các DN cho rằng với các tiếp cận chống dịch linh hoạt mới thì yêu cầu khởi động lại nền kinh tế là rất cấp bách. Để đảm bảo cả 3 trụ cột y tế, kinh tế, xã hội như “kiềng 3 chân”, cả ba chân đều cần phải vững mới có thể phòng chống dịch lâu dài.
“Cộng đồng DN rất hoan nghênh Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 29.8.2021 đã xác định quan điểm “phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp”, tức là chuyển từ mục tiêu “Zero COVID-19” hiện nay sang mục tiêu “Sống chung với dịch”. Quan điểm này phù hợp với quan điểm của WHO nêu ngày 7.9.2021 và quan điểm của nhiều quốc gia trên thế giới”, văn bản nêu.
Trao quyền chủ động cho DN
Các hiệp hội kiến nghị chỉ thị, quy định phòng chống dịch phải do Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ban hành, thống nhất trên toàn quốc; bãi bỏ và nghiêm cấm các giấy phép con không đúng quy định.
Ngoài ra, các tỉnh thành cần thành lập Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp, là thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch địa phương, có kênh liên lạc trực tiếp với Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng để kịp thời giải quyết các vấn đề của DN.
Các DN cũng đề nghị xem xét ban hành chỉ thị mới trên cơ sở điều chỉnh, bổ sung hoặc sửa đổi Chỉ thị số 15, 16, phù hợp với mục tiêu mới “sống chung với COVID” mà không làm quá tải hệ thống y tế; bỏ khái niệm hàng hóa thiết yếu; không phong tỏa theo vùng rộng mà theo điểm dân cư nhỏ nhất có nguy cơ cao (xóm, tổ dân phố, ngõ phố, khu tập thể, phân xưởng, phòng ban); sửa đổi quyết định 2686/QĐ-BCĐQG “Quy định đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng chống dịch COVID-19” cho phù hợp với thực tiễn.
Trong thư, các hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ quán triệt các địa phương hướng dẫn trao quyền chủ động trong mô hình và phương thức tổ chức cũng như vận hành phòng chống dịch cho các tổ chức/DN. Khuyến khích DN lập bảng chấm điểm các tiêu chí để tự đánh giá; hướng dẫn rõ ràng cho DN áp dụng đồng bộ toàn quốc về quy tắc test COVID-19 trong nhà máy/DN; xây dựng các trạm y tế lưu động tại các khu công nghiệp.
Chính phủ cũng cần quán triệt các địa phương không cực đoan đóng cửa DN nếu lây nhiễm chỉ trong phạm vi hẹp của 1 dây chuyền/phân xưởng/bộ phận riêng biệt; gộp Sổ sức khỏe và Giấy thông hành điện tử, tiêm chủng, kê khai y tế, đi đường trên phần mềm duy nhất để quản lý theo mã QR Code xanh thống nhất trên toàn quốc, không để mỗi tỉnh 1 phần mềm, vừa tốn kém, vừa kém hiệu quả.
DN kiến nghị các cơ quan, ban ngành, địa phương chấp thuận các các văn bản scan, gửi online để được giải quyết các thủ tục phục vụ sản xuất kinh doanh và hành chính trong thời gian dịch cho tới khi thực hiện dịch vụ công cấp độ 4.
Ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động
Trong kiến nghị này, các DN đề nghị Chính phủ quán triệt các địa phương ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động, sau tuyến đầu chống dịch, người già và người có bệnh nền.
Đồng thời, Chính phủ cần thống nhất và quán triệt các địa phương việc tạo cơ chế thông thoáng, thống nhất giữa các tỉnh để thuận lợi việc đi lại của người lao động trong chuỗi sản xuất, cung ứng; áp dụng việc test COVID-19 âm tính thay vì cách ly 14 ngày.
Với người lao động đã tiêm 2 mũi vắc xin, hoặc người đã khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng (có chứng nhận của bệnh viện, hoặc xét nghiêm có kháng thể chống vi rút SAR-COV 2 trong máu và vi rút âm tính, những người này sau 6 tháng cần tiêm vắc xin) thì được cấp mã QR Code xanh để làm việc và đi lại ở tất cả các vùng. Nếu họ từ vùng có nguy cơ cao hơn đến vùng có nguy cơ thấp hơn thì cần xét nghiệm âm tính
Song song với đó, cần đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp phép cho chuyên gia và nhà quản lý nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam. Công nhận hộ chiếu vắc xin cho các chuyên gia, nhà quản lý nước ngoài vào Việt nam để làm việc.
Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương bãi bỏ các hạn chế về vận tải hàng hóa giữa các vùng, chỉ kiểm tra tại điểm đầu và điểm đến. Nếu đến từ các vùng có dịch, tuân thủ 5K + xét nghiệm âm tính trong 72 giờ + nguyên tắc “bong bóng” (không tiếp xúc). Các vùng khác chỉ cần 5K.
Các DN cũng đề nghị có chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng, gia hạn nợ cho các DN, HTX, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh; miễn, giảm, hỗ trợ liên quan đến: BHXH, kinh phí công đoàn, các loại thuế, phí, tiền điện, nước...