Ông Giang Chấn Tây (Công ty Bội Ngọc) cho rằng các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu luôn trong trạng thái hoạt động bấp bênh, thua lỗ rất nặng nề.

Loạt doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu xin gặp Thủ tướng

Hoài Lam | 03/07/2023, 20:03

Ông Giang Chấn Tây (Công ty Bội Ngọc) cho rằng các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu luôn trong trạng thái hoạt động bấp bênh, thua lỗ rất nặng nề.

Cho rằng việc sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu có sự chậm trễ, nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vừa có đơn xin gặp Thủ tướng Chính phủ.

Ông Giang Chấn Tây (Công ty Bội Ngọc) cho rằng các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu luôn trong trạng thái hoạt động bấp bênh, thua lỗ rất nặng nề.

Nguyên nhân chính, theo ông Tây, Nghị định 95/2021/NĐ-CP và các thông tư liên quan không có lợi cho doanh nghiệp bán lẻ, nhất là doanh nghiệp không nhận được chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức được quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Thông tư 104/2021/TT-BTC.

“Chính bởi quy định không ghi rõ tỷ lệ phân chia các khoản này ở các khâu nên doanh nghiệp đầu mối đã gom hết khi lỗ, và khi lời thì bù lỗ các khoản lỗ của kỳ trước chưa bù lỗ hết, thậm chí là bù lỗ cho các khoản lỗ do đầu tư kinh doanh ngoài ngành”, ông Tây nói.

Ngoài ra, ông Tây cho rằng trong Nghị định 95/2021/NĐ-CP cũng không ghi rõ giá bán buôn tối đa, không quy định chi phí định mức, không quy định chiết khấu tối thiểu cho doanh nghiệp bán lẻ để duy trì chi phí tối thiểu hoạt động xuyên suốt. Vì vậy, chiết khấu có thời điểm rất lâu duy trì ở mức tiệm cận 0 đồng hoặc âm, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ thua lỗ kéo dài, phải cầm cố, bán tài sản để bù lỗ.

xang.jpg
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết họ gặp nhiều khó khăn

Trước thực tế đó, các doanh nghiệp bán lẻ bày tỏ sự hoan nghênh Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo phải sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP.

“Chúng tôi cũng đặt rất nhiều kỳ vọng vào việc sửa đổi này, đồng thời đã gửi rất nhiều kiến nghị, góp ý đến Bộ Công Thương - đơn vị soạn thảo nghị định. Trong đó, doanh nghiệp bán lẻ đề nghị nghị định mới cần phải quy định rõ chi phí định mức, tỷ lệ phân chia chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức ở các khâu, ghi rõ giá bán buôn tối đa, cho phép doanh nghiệp được tự định giá bán…”, ông Tây nêu.

Theo các doanh nghiệp, dự thảo Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu đã có một số điểm mới, như cho phép doanh nghiệp bán lẻ được lấy hàng từ nhiều nguồn, điều chỉnh thời gian điều hành giá từ 10 ngày xuống 7 ngày, doanh nghiệp được chủ động quyết về giá bán… Tuy nhiên, đến nay, đã hết quý 2/2023, nghị định sửa đổi vẫn chưa được ban hành.

Các doanh nghiệp cho rằng sự chậm trễ này khiến doanh nghiệp bán lẻ vẫn tiếp tục nhận mức chiết khấu “ban phát” từ thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối thông qua sự quyết định của thương nhân đầu mối, tiếp tục chuỗi ngày kinh doanh thua lỗ đã kéo dài suốt hơn một năm qua.

“Không những thế, đến nay, dù đã quá hạn trả lời theo quy định hiện hành, nhưng Bộ Công Thương và Bộ Tài chính vẫn không có phản hồi cho các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu về việc xem xét hoàn trả chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái ngày 17.4.2023”, ông Tây nói.

Từ những lý do đó, các doanh nghiệp cho biết họ mong được gặp và đối thoại trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ (dự kiến sẽ có khoảng 5 - 7 người là chủ doanh nghiệp đại diện xin gặp Thủ tướng).

Mục đích gặp là được trực tiếp báo cáo với Thủ tướng về tình hình khó khăn của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu và kiến nghị về các nội dung cần thiết phải sửa trong Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu; đồng thời mong Thủ tướng sớm ban hành nghị định ấy để giúp cho ngành xăng dầu bước sang trang mới ổn định, hiệu quả, công bằng; bảo đảm ổn định an ninh năng lượng quốc gia, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bán lẻ nói riêng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
3 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Loạt doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu xin gặp Thủ tướng