Việc đưa vải thiều vào hệ thống siêu thị ở Mỹ là một thành công lớn trong việc thúc đẩy tiêu thụ trái cây của Việt Nam sang thị trường này.

Vải thiều Việt sang Mỹ còn gặp khó do chưa có cơ sở chiếu xạ ở miền Bắc

Tuyết Nhung | 03/07/2023, 14:55

Việc đưa vải thiều vào hệ thống siêu thị ở Mỹ là một thành công lớn trong việc thúc đẩy tiêu thụ trái cây của Việt Nam sang thị trường này.

Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco (Mỹ) ngày 3.7 cho biết có gần 20 tấn quả vải tươi được vận chuyển theo đường biển đã nhập khẩu vào Mỹ thành công, chính thức được phân phối, bày bán tại hệ thống siêu thị Safeway và Albertsons tại các bang bờ tây nước Mỹ, trong đó có Washington, Oregon và California kể từ ngày 30.6, đúng dịp Quốc khánh 4.7.

vai-thieu.png
Quả vải Việt Nam với giá bán 3,99 USD/pint (0,47kg) tại ngăn mát của siêu thị Safeway

Việc tiếp tục đưa quả vải vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị này với giá cả khá cạnh tranh, chỉ 3,99 USD/pint, tương đương 200.000 đồng/kg là một thành công lớn trong việc thúc đẩy tiêu thụ trái cây của Việt Nam nói chung và trái vải nói riêng tại thị trường Mỹ. Phần lớn trái cây của nước ta xuất khẩu sang Mỹ mới chỉ tiếp cận được hệ thống chợ, siêu thị nhỏ phục vụ người tiêu dùng gốc Á.

Mức giá 200.000 đồng/kg là mức rất cạnh tranh so với vải tươi được nhập từ Trung Quốc, Mexico (đang bán ở chợ châu Á tại San Francisco là 4,99 USD/pound, tương đương 259.000 đồng/kg), là hai nguồn cung cấp chính và cũng là hai đối thủ cạnh tranh lớn nhất của quả vải tươi Việt Nam. Đây là kết quả của rất nhiều nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ.

Tuy nhiên, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco cho rằng việc xuất khẩu trái vải vào thị trường Mỹ hiện còn gặp nhiều khó khăn, đáng kể nhất là chưa có cơ sở chiếu xạ được Mỹ công nhận tại miền Bắc Việt Nam. Sự thiếu vắng các cơ sở chiếu xạ theo tiêu chuẩn Mỹ để đảm bảo điều kiện xuất khẩu trái cây tươi, nhất là quả vải do thời gian bảo quản được ngắn, sang thị trường này là một thách thức lớn do phải vận chuyển vào TP.HCM để chiếu xạ, làm tăng chi phí vận chuyển, hao hụt về số lượng, chất lượng của trái cây xuất khẩu và trên hết là làm giảm thời gian tiêu thụ trái vải trong hệ thống phân phối.

Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, Chi nhánh Thương vụ tại San Francisco đã chủ động báo cáo, phối hợp với các cơ quan, đơn vị của các bộ ngành liên quan cũng như Bộ Nông nghiệp của Mỹ để tìm cách tháo gỡ vấn đề này.

Đến nay, mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước hai bên đã hết sức thúc đẩy, tạo điều kiện nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn do doanh nghiệp đứng ra làm đại diện đầu mối cho Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội gặp một số khó khăn nên không triển khai các hoạt động như cam kết.

Ngoài ra, công nghệ bảo quản sau thu hoạch của Việt Nam còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chưa có tính đồng bộ trong quy trình sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển, chưa kiểm soát ổn định được nhiệt độ, độ ẩm... do đó chưa đảm bảo kéo dài thời hạn sử dụng của các loại trái cây, rau củ quả nói chung và quả vải nói riêng.

Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang cho biết địa phương này có gần 30.000ha vải thiều. Trong đó, diện tích vải thiều đủ điều kiện xuất khẩu đi Mỹ đã được cấp 17 mã số vùng trồng với khoảng 205 ha. Năm nay, sản lượng vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ ước đạt 1.500 tấn.

Ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho rằng Mỹ là thị trường lớn, nhiều tiềm năng và nếu quả vải thiều được thị trường này chấp nhận, cũng đồng nghĩa việc có thể xuất khẩu sang nhiều thị trường khác trên thế giới.

Bài liên quan
Vải thiều, nhãn Việt Nam chinh phục thế giới
Hai loại trái cây này là đại diện tiêu biểu của ngành rau quả Việt Nam chinh phục thị trường thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Đỉnh cao thắng lợi của cách mạng Việt Nam
4 giờ trước Sự kiện
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vải thiều Việt sang Mỹ còn gặp khó do chưa có cơ sở chiếu xạ ở miền Bắc