Thị trường bất động sản có "độ trễ" nên nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc, tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Việc này dẫn đến một số doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể có nguy cơ phá sản.

‘Luật chồng luật’ khiến thị trường bất động sản ách tắc

30/10/2019, 06:15

Thị trường bất động sản có "độ trễ" nên nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc, tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Việc này dẫn đến một số doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể có nguy cơ phá sản.

Thị trường bất động sản TP.HCM đang bị ách tắc - Ảnh: Phan Diệu

Theo số liệu Sở Xây dựng TP.HCM, trong 9 tháng đầu năm 2019, số lượng dự án nhà ở hoàn thành tại thành phố đã bị sụt giảm mạnh, chỉ có 17 dự án, với 111 ha và 12.453 căn hộ.

Toàn thành phố cũng chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%. Đặc biệt, không có dự án được công nhận chủ đầu tư và chỉ 12 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm khoảng 72%. Trong thời gian này, chỉ có 24 dự án được cấp phép xây dựng, giảm khoảng 38% so với cùng kỳ năm 2018.

Thành phố cũng chỉ có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn với 19.662 căn nhà, giảm 58,44% về số lượng dự án và giảm 30,56% về số lượng căn nhà so với năm 2018.

Trong 9 tháng qua, các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm khoảng 30-50% số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp. Nhiều nhà cung cấp thiết bị, vật tư bị sụt giảm doanh thu bán hàng. Các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, vật liệu xây dựng gặp khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ khiến người lao động trong ngành này thiếu việc làm, giảm thu nhập.

Nhận định về nguyên nhân khiến thị trường bất động sản bị sụt giảm, ách tắc, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết là do một số quy phạm pháp luật, Văn bản dưới luật thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ. Điều này dẫn đến vướng mắc, xung đột, gây ra vướng mắc, ách tắc trong quá trình áp dụng pháp luật.

Cạnh đó, công tác thực thi pháp luật còn những mặt hạn chế và cũng do có phát sinh yếu tố rủi ro trong thi hành công vụ, nên đã xuất hiện tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn quan liêu, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, các vướng mắc, khó khăn, ách tắc của doanh nghiệp và thị trường bất động sản chưa được xem xét giải quyết kịp thời.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp bất động sản chưa thật sự quan tâm đầu tư vào phân khúc thị trường nhà ở bình dân có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội.

Do vậy, ông Lê Hoàng Châu đề nghị UBND TP.HCM sớm báo cáo Chính phủ giải quyết vướng mắc đối với các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, gồm đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất ở, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Chủ tịch Hiệp hội cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở: "nhận chuyển quyền sử dụng đất (hoặc đất ở và các loại đất khác) phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai để xây dựng nhà ở thương mại" để phù hợp với Khoản (1.b) Điều 169 và Khoản 2 Điều 191 Luật Đất đai và đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

"Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, các ngân hàng thương mại có thể gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ; đồng thời nguồn thu ngân sách nhà nước từ tiền sử dụng đất và thị trường bất động sản sẽ còn bị sụt giảm mạnh hơn nữa", ông Châu dự báo.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Luật chồng luật’ khiến thị trường bất động sản ách tắc