Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là nhiều dự án nhà ở bị “ách tắc, đứng hình”. Việc này dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dự án, thiếu nguồn cung sản phẩm, nhất là thiếu loại căn hộ nhà ở thương mại có giá bán vừa túi tiền, nhà ở xã hội.

Thị trường bất động sản TP.HCM đang bị ách tắc

26/10/2019, 09:11

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là nhiều dự án nhà ở bị “ách tắc, đứng hình”. Việc này dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dự án, thiếu nguồn cung sản phẩm, nhất là thiếu loại căn hộ nhà ở thương mại có giá bán vừa túi tiền, nhà ở xã hội.

Không ó dự án được công nhận chủ đầu tư tại TP.HCM 9 tháng đầu năm 2019 - Ảnh; Phan Diệu

HoREA cho biết thị trường bất động sản TP.HCM đang bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở. Cụ thể, 9 tháng năm 2019, toàn thành phố chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%. Đặc biệt, không có dự án được công nhận chủ đầu tư và chỉ 12 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm khoảng 72%. Trong thời gian này, chỉ có 24 dự án được cấp phép xây dựng, giảm khoảng 38% so với cùng kỳ năm 2018.

Thành phố cũng chỉ có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn với 19.662 căn nhà, giảm 58,44% về số lượng dự án và giảm 30,56% về số lượng căn nhà so với năm 2018.

Số lượng dự án nhà ở hoàn thành cũng sụt giảm mạnh khi chỉ có 17 dự án (bằng 1/3 năm 2018), trong đó có 3 dự án nhà ở xã hội, với tổng diện tích đất 111,43 ha, quy mô 12.453 căn nhà (10.085 căn hộ chung cư, 2.368 nhà ở thấp tầng; tổng diện tích sàn xây dựng 1.306.320m2).

Theo HoREA, khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là nhiều dự án nhà ở bị “ách tắc, đứng hình” dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dự án, thiếu nguồn cung sản phẩm, nhất là thiếu loại căn hộ nhà ở thương mại có giá bán vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Tình trạng mất cân bằng cung - cầu do nguồn cung quá ít trong lúc nhu cầu quá cao làm cho giá nhà dễ bị đẩy lên cao, dễ xuất hiện tình trạng đầu cơ, đầu tư lướt sóng.

“Xét về bản chất, thị trường bất động sản thành phố không xấu, do tổng cầu về nhà ở có khả năng thanh toán vẫn cao và sức mua, tính thanh khoản vẫn tốt. Thế nhưng, thị trường bất động sản hiện nay đang lâm vào tình thế khó khăn có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, dẫn đến quy mô thị trường bị sụt giảm trong 2 năm gần đây. Nếu không có các biện pháp xử lý hiệu quả thì có thể còn tiếp tục bị sụt giảm trong thời gian tới”, HoREA nhận định.

Về xu thế của thị trường bất động sản thành phố, cơ quan này nói rằng sau giai đoạn "đóng băng" (2011-2013) đã bắt đầu phục hồi và đi vào chu kỳ tăng trưởng trở lại từ cuối năm 2013, đầu năm 2014 cho đến nay. Năm 2017, thị trường bất động sản đạt được mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm gần đây.

Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2018 đến nay, thị trường bất động sản thành phố bị sụt giảm mạnh, cả về số lượng dự án và số lượng sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ có giá vừa túi tiền, căn hộ bình dân.

Về cơ cấu sản phẩm nhà ở đưa ra thị trường, báo cáo của Sở Xây dựng cho thấy, tổng số nhà ở đủ điều kiện huy động vốn từ năm 2017 đến hết tháng 9.2019 là 90.969 căn nhà. Trong đó, phân khúc cao cấp (giá từ trên 40 triệu đồng/m2) là 23.405 căn nhà, chiếm 25,73%; phân khúc trung cấp (giá từ trên 20-40 triệu đồng/m2) là 36.617 căn nhà, chiếm 40,26%; phân khúc bình dân (giá dưới 20 triệu đồng/m2) là 30.947 căn nhà, chiếm 34,01% tổng số nhà ở.

Riêng 9 tháng đầu năm 2019, tổng số nhà ở đủ điều kiện huy động vốn là 19.662 căn nhà. Trong đó, phân khúc cao cấp là 3.916 căn nhà, chiếm 19,92%; phân khúc trung cấp là 4.275 căn nhà, chiếm 21,75%; phân khúc bình dân là 11.471 căn nhà, chiếm 58,33% tổng số nhà ở.

Đáng chú ý, việc thị trường sụt giảm khiến thu ngân sách giảm theo. Năm 2018, thu ngân sách nhà nước của TP.HCM từ đất chỉ đạt 22.600 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 6,3% tổng thu nội địa, bị sụt giảm đến 16,8% và số thu từ tiền sử dụng đất dự án giảm đến 22,5% so với năm 2017.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, số thu từ tiền sử dụng đất dự án lại tiếp tục xu thế sụt giảm, chỉ thu được 9.861 tỉ đồng, giảm 18,26% so với cùng kỳ năm trước và chỉ còn chiếm tỷ trọng 3,9% tổng thu ngân sách nội địa. Số nợ tiền sử dụng đất của doanh nghiệp trong 9 tháng lên đến 1.072 tỉ đồng.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Doanh nghiệp bán dẫn chần chừ đầu tư vào Việt Nam vì lo ngại thiếu điện
một giờ trước Thị trường và chính sách
Các doanh nghiệp công nghệ cao như bán dẫn cho rằng hiện tượng thiếu điện của Việt Nam là một trong những yếu tố lớn khiến họ chần chừ đưa ra quyết định đầu tư.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thị trường bất động sản TP.HCM đang bị ách tắc