Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, hiện đang có những xu hướng công nghệ mới mang tính đột phá, hình thành nền tảng để thế giới và Việt Nam bước vào cuộc cách mạng 4.0. Vì vậy, việc rà soát, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về CNTT để phù hợp với xu thế và thực tế phát triển trở nên cấp bách.
Chiều 15.8 tại Hà Nội,Bộ TT&TT tổ chức buổi tọa đàm “Luật Công nghệ thông tin (CNTT) và định hướng phát triển trong thời gian tới”. Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ TT&TT - cho biết sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật CNTT, trong bối cảnh tình hình quốc tế, sự phát triển của Việt Nam và bản thân ngành CNTT đã có nhiều thay đổi. Tại Việt Nam, năng lực quản lý, nhu cầu ứng dụng, phát triển CNTT và trình độ dân trí cũng đã được nâng cao.
Theo Thứ trưởng, thế giới đang có những thay đổi cơ bản về KH&CN, đang có những xu hướng phát triển công nghệ mới có nhiều đột phá và sáng tạo như IoT (Internet vạn vật), AI (trí tuệ nhân tạo), Robotic… hình thành nền tảng để thế giới bước vào cuộc cách mạng 4.0. Vì vậy, việc rà soát, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về CNTT để phù hợp với xu thế và thực tế phát triển trở nên cấp bách.
Tuy nhiên, Luật CNTT đã bộc lộ một số hạn chế trong bối cảnh CNTT là ngành phát triển nhanh với các thay đổi có tác động mang tính đột phá. Từ một lĩnh vực kỹ thuật có tính hỗ trợ, CNTT đã trở thành một động lực phát triển có tác động lan tỏa, toàn diện giúp chuyển đổi các mô hình kinh doanh, nghiệp vụ truyền thống thông qua thúc đẩy sáng tạo, đổi mới dựa trên công nghệ số.
Văn bản vẫn gây khó cho doanh nghiệp
Ông Bùi Quang Ngọc - Phó chủ tịch HĐQT FPT - phân tích: “Các văn bản vẫn còn nặng về nghị quyết nhưng yếu tố cầucòn rất yếu, tính hiệu lực chưa cao. Muốn thúc đẩy mạnh vai trò của Nhà nước, bản thân văn bản phải đảm bảo và tạo được cầumang tính hoạch định, tạo ra những chính sách thúc đẩy, mở rộng những quy định… thúc đẩy ngành CNTT phát triển với mục đích tăng chuẩn hóa”.
Theo đại diện phía doanh nghiệp CMC, Luật CNTT đã cơ bản giúp ngành CNTT phát triển nhưng vẫn còn những thông tư, nghị định gây khó khăn cho doanh nghiệp như Nghị quyết 363, Nghị định 102… Và để thúc đẩy nền kinh tế số phát triển, các dịch vụ hỗ trợ như Internet, dịch vụ dữ liệu… phải càng ngày càng rẻ, mang tính bình đẳng cho mọi đối tượng, chia sẻ tri thức cho cộng đồng, nâng cao các chính sách hỗ trợ và ưu đãi…
Các chuyên gia cũng cho rằng dữ liệu là phần quan trọng trong nền kinh tế số, tài sản số… để doanh nghiệp, người dân có thể khai thác. Nếu muốn thay đổi trong giai đoạn tiếp theo, Việt Nam cần đi đầu trong việc nâng cao, quản lý dữ liệu và Bộ TT&TT nên tiến hành đo đạc, kiểm tra dữ liệu số hóa.
Về phía đơn vị được Bộ TT&TT giao chủ trì triển khai nghiên cứu, xây dựng Báo cáo đánh giá, tổng kết 10 năm thi hành Luật CNTT, ông Đào Đình Khả - Vụ trưởng Vụ CNTT nhấn mạnh: “Dự kiến, nhiệm vụ tổng kết, đánh giá sẽ kết thúc vào cuối quý 3/2017 với các nội dung chính đang được tiến hành bao gồm: đánh giá kết quả đạt được, các khó khăn, nguyên nhân trong quá trình triển khai thi hành Luật CNTT thời gian qua, tập trung vào 2 lĩnh vực là ứng dụng CNTT và phát triển ngành CNTT.
Ông Khả cũng cho biết dựa trên kết quả này cũng như những nghiên cứu về các xu thế phát triển của công nghệ tiên tiến, Bộ TT&TT sẽ đề xuất kế hoạch hoàn thiện khung pháp lý về CNTT, đáp ứng nhu cầu cũng như xu hướng phát triển trong giai đoạn tới.
Theo Vụ Công nghệ thông tin (Bộ TT&TT), Luật CNTT là văn bản pháp luật cao nhất trong lĩnh vực CNTT được thông qua ngày 29.6.2006 và có hiệu lực từ ngày 1.1.2007 điều chỉnh một cách toàn diện hoạt động CNTT cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan.
Trong 10 năm triển khai Luật CNTT và các chính sách của Đảng và Nhà nước, lĩnh vực CNTT đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. CNTT đã dần trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật, đóng góp ngày càng lớn cho GDP. Ứng dụng CNTT được triển khai tương đối rộng khắp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóavà hội nhập quốc tế.