Luật sư của Arm Holdings (Anh) và Qualcomm (Mỹ) chất vấn cựu lãnh đạo Apple hôm 17.12 về một câu hỏi quan trọng cho tương lai ngành công nghiệp chip: Ai sở hữu tài sản trí tuệ được xây dựng trên kiến ​​trúc tính toán của Arm Holdings?
Thế giới số

Luật sư Arm, Qualcomm chất vấn cựu kỹ sư Apple trong phiên tòa liên quan tương lai ngành chip

Sơn Vân 18/12/2024 10:56

Luật sư của Arm Holdings (Anh) và Qualcomm (Mỹ) chất vấn cựu lãnh đạo Apple hôm 17.12 về một câu hỏi quan trọng cho tương lai ngành công nghiệp chip: Ai sở hữu tài sản trí tuệ được xây dựng trên kiến ​​trúc tính toán của Arm Holdings?

Tại phiên tòa ở tòa án liên bang Mỹ ở bang Delaware tuần này, tương lai của nỗ lực Qualcomm tham gia vào lĩnh vực máy tính xách tay (laptop) đang được đặt lên bàn cân. Qualcomm đang hợp tác với các đối tác như Microsoft để giành lại thị phần mà máy tính chạy Windows đã để mất vào tay Apple sau khi nhà sản xuất iPhone tung ra các chip tùy chỉnh của riêng mình cho MacBook.

Cạnh tranh với kiến ​​trúc x86 của Intel, sản phẩm chủ lực của Arm Holdings là kiến ​​trúc tính toán phổ biến trong smartphone và ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong máy tính xách tay lẫn trung tâm dữ liệu. Các kiến trúc tính toán cạnh tranh này là lý do khiến hầu hết ứng dụng trên smartphone không thể hoạt động trên máy tính xách tay đến gần đây.

Các công ty lớn như Apple tự thiết kế lõi tính toán dựa trên kiến trúc của Arm Holdings, trong khi Arm Holdings cũng cung cấp thiết kế lõi sẵn có cho những hãng nhỏ hơn như MediaTek sử dụng. Tranh cãi trọng tâm giữa hay công ty xoay quanh việc quyền sở hữu thiết kế lõi dựa trên kiến trúc của Arm Holdings bắt đầu và kết thúc ở đâu.

Họ bất đồng về việc liệu Nuvia, công ty mà Qualcomm mua với giá 1,4 tỉ USD vào năm 2021, có quyền chuyển nhượng các thiết kế lõi tính toán của mình cho Qualcomm sau khi bán lại hay không.

Tại tòa án liên bang Mỹ ở Delaware hôm 17.12, luật sư của cả hai bên đã gây sức ép với Gerard Williams, cựu kỹ sư Apple thành lập Nuvia vào năm 2019, về việc liệu lõi của Nuvia cuối cùng có phải là sản phẩm phái sinh từ công nghệ của Arm Holdings, hay công nghệ Arm Holdings chỉ đóng vai trò nhỏ trong công việc của Nuvia.

Sản phẩm phái sinh là khái niệm được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Về cơ bản, nó ám chỉ một sản phẩm mới được tạo ra dựa trên sản phẩm hoặc công nghệ gốc đã có sẵn. Sản phẩm phái sinh thường giữ lại một phần hoặc nhiều yếu tố từ sản phẩm gốc nhưng được chỉnh sửa, cải tiến hoặc biến đổi để tạo ra giá trị hoặc chức năng mới.

Luật sư của Arm Holding đã gây sức ép với Gerard Williams để thừa nhận rằng hợp đồng cấp phép, trọng tâm của tranh chấp, gồm cả công nghệ Arm Holdings cũng như "các sản phẩm phái sinh" và "sửa đổi" được thực hiện từ đó.

Gerard Williams nhiều lần khẳng định không đồng ý với cách diễn giải của Arm Holdings về hợp đồng, hay tất cả công việc Nuvia làm đều là sản phẩm phái sinh hoặc sửa đổi từ công nghệ của công ty Anh, nhưng ông cũng thừa nhận rằng các điều khoản trên hợp đồng có vẻ như mang ý nghĩa đó.

Daralyn Durie, luật sư của Arm Holdings, đã yêu cầu Gerard Williams đồng ý rằng: "Có thể ông không nghĩ như vậy, nhưng đó là điều hợp đồng ghi rõ".

"Tôi sẽ không nghĩ như vậy, nhưng tôi không phải là chuyên gia pháp lý", Gerard Williams trả lời.

Daralyn Durie ngay lập tức kết thúc phần chất vấn của mình.

Cuộc trao đổi với Daralyn Durie diễn ra sau phần chất vấn của luật sư Qualcomm, người đã gợi ý Gerard Williams mô tả mức độ ít ỏi của công nghệ Arm trong các chip Qualcomm dành cho smartphone, laptop và ô tô.

Gerard Williams nói nhóm phát triển của ông bắt đầu với kiến ​​trúc của Arm Holdings và được yêu cầu ước tính lượng công nghệ Arm trong các thiết kế cuối của Nuvia. "1% hoặc ít hơn", Gerard Williams trả lời.

Các nhà phân tích nói với Reuters rằng Qualcomm trả cho Arm Holdings khoảng 300 triệu USD mỗi năm và bằng chứng được đưa ra tại phiên tòa hôm 17.12 cho thấy các lãnh đạo công ty Anh tin rằng họ thất thu 50 triệu USD doanh thu mỗi năm bổ sung do Qualcomm mua lại Nuvia.

Bồi thẩm đoàn có khả năng đưa ra phán quyết sớm nhất trong tuần này và Giám đốc điều hành Qualcomm - Cristiano Amon có thể ra làm chứng.

luat-su-arm-qualcomm-chat-van-cuu-ky-su-apple-trong-phien-toa-lien-quan-tuong-lai-nganh-chip-2-.jpg
Arm Holdings và Qualcomm đang đối đầu với nhau ở phiên toàn liên quan tương lai của ngành công nghiệp chip - Ảnh: Internet

Kiến trúc của Arm Holdings và Intel là hai cách tiếp cận thiết kế bộ xử lý trung tâm (CPU) với những đặc điểm kỹ thuật khác nhau, phục vụ các nhu cầu và ứng dụng khác nhau:

1. Kiến trúc của Arm Holdings

Đặc điểm chính: Dựa trên kiến trúc RISC (Reduced Instruction Set Computer).

RISC sử dụng tập lệnh đơn giản, tối ưu hóa để thực hiện các tác vụ cơ bản và nhanh chóng.

Được thiết kế để tiết kiệm năng lượng và tạo ra hiệu suất cao trên mỗi watt năng lượng tiêu thụ.

Ứng dụng phổ biến:

Chủ yếu sử dụng trong các thiết bị di động như smartphone, máy tính bảng và các thiết bị IoT (Internet of Things), gần đây mở rộng sang laptop, máy chủ và trung tâm dữ liệu (như chip M1/M2 của Apple hoặc chip Graviton của Amazon).

Ưu điểm:

Tiết kiệm năng lượng, giúp kéo dài thời lượng pin trên thiết bị di động.

Thiết kế module hóa, cho phép các công ty như Apple hoặc Qualcomm tùy chỉnh theo nhu cầu riêng.

2. Kiến trúc của Intel (x86/x86-64)

Đặc điểm chính: Dựa trên kiến trúc CISC (Complex Instruction Set Computer).

CISC sử dụng tập lệnh phức tạp, tối ưu hóa để thực hiện nhiều tác vụ trong một lệnh duy nhất.

Thiết kế tập trung vào hiệu suất cao trong các tác vụ phức tạp.

Ứng dụng phổ biến:

Máy tính để bàn, laptop, máy chủ và trung tâm dữ liệu truyền thống.

Phổ biến trong các hệ thống Windows và Linux.

Ưu điểm:

Hiệu năng cao trong các tác vụ tính toán phức tạp và xử lý đa nhiệm.

Tóm lại

- Arm phù hợp cho các ứng dụng cần hiệu suất cao với năng lượng thấp, như thiết bị di động.

- Intel phù hợp cho các ứng dụng cần sức mạnh tính toán lớn, như máy tính và máy chủ truyền thống.

Cuộc cạnh tranh giữa hai kiến trúc ngày càng gay gắt, đặc biệt khi Arm mở rộng sang thị trường laptop và trung tâm dữ liệu, nơi Intel vốn chiếm ưu thế.

Arm Holdings có gì mà hỏi mua bộ phận sản phẩm của Intel?

Hồi tháng 9, Arm Holdings từng tiếp cận Intel (Mỹ) để tìm hiểu về khả năng mua lại bộ phận sản phẩm của hãng chip Mỹ nhưng bị từ chối, theo nguồn tin từ Bloomberg am hiểu về vấn đề này.

Arm Holdings không bày tỏ sự quan tâm đến đơn vị sản xuất chip của Intel, nguồn tin của Bloomberg cho biết và yêu cầu không tiết lộ danh tính vì các cuộc thảo luận là riêng tư.

Intel có hai đơn vị chính:

1. Nhóm sản phẩm bán các chất bán dẫn cho máy tính cá nhân (PC), máy chủ và thiết bị mạng.

2. Nhóm vận hành các nhà máy sản xuất chip.

Từng là hãng chip lớn nhất thế giới, Intel đã trở thành chủ đề bàn tán về các thương vụ mua lại gần đầu sau khi hoạt động kinh doanh suy giảm nhanh chóng trong năm nay.

Công ty có trụ sở tại thành phố Santa Clara, bang California, Mỹ đã báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2024 tồi tệ vào tháng 8, khiến cổ phiếu giảm giá sâu nhất nhiều thập kỷ. Đó là lý do Intel đang cắt giảm 15.000 nhân viên để tiết kiệm chi phí, thu hẹp kế hoạch mở rộng nhà máy và ngừng chi trả cổ tức, điều mà họ từng duy trì từ lâu.

Như một phần trong nỗ lực phục hồi, Intel đang tách rời bộ phận sản phẩm khỏi hoạt động sản xuất chip. Động thái này nhằm thu hút khách hàng và nhà đầu tư bên ngoài, nhưng cũng đặt nền tảng cho khả năng Intel sẽ bị chia tách. Đây là điều mà Intel đã xem xét, theo bản tin của trang Bloomberg.

Arm Holdings kiếm phần lớn doanh thu từ việc bán thiết kế chip cho smartphone. Thế nhưng, Giám đốc điều hành Arm Holdings - Rene Haas đã tìm cách mở rộng phạm vi ngoài ngành này, gồm cả nỗ lực tiến vào thị trường máy tính cá nhân và máy chủ, nơi mảng thiết kế chip của công ty Anh đang cạnh tranh với Intel. Dù không còn giữ ưu thế về công nghệ như trước đây, Intel vẫn thống trị thị trường máy tính cá nhân và máy chủ.

Việc kết hợp với Intel sẽ giúp Arm Holdings mở rộng phạm vi và thúc đẩy việc bán nhiều sản phẩm hơn. Hiện tại, Arm Holdings cấp phép công nghệ và thiết kế cho khách hàng. Sau đó, khách hàng của Arm Holdings sẽ chuyển chúng thành các thành phần hoàn chỉnh.

Danh sách khách hàng của Arm Holdings gồm những tên tuổi lớn trong ngành công nghệ như Amazon, Qualcomm và Samsung Electronics. Dưới sự lãnh đạo của Rene Haas, Arm Holdings đã chuyển hướng nhiều hơn đến việc cung cấp các sản phẩm hoàn chỉnh. Điều này có thể dẫn đến tình huống Arm Holdings cạnh tranh trực tiếp với chính các công ty mà họ đã cấp phép công nghệ.

Có trụ sở tại thành phố Cambridge (Anh), Arm Holdings chỉ có một phần nhỏ doanh thu so với Intel. Song, vốn hóa thị trường của Arm Holdings đã tăng vọt kể từ khi IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng) vào năm ngoái và hiện ở mức 142 tỉ USD. Các nhà đầu tư nhận thấy Arm Holdings hưởng lợi từ sự bùng nổ chi tiêu cho trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt khi công ty mở rộng vào thị trường chip cho trung tâm dữ liệu.

Arm Holdings cũng nhận được sự hỗ trợ từ SoftBank Group Corp (Nhật Bản), cung cấp cho công ty sức mạnh tài chính tiềm năng. SoftBank Group Corp hiện sở hữu 88% cổ phần của Arm Holdings.

Ngược lại, Intel đã mất hơn 60% vốn hóa thị trường trong năm nay và hiện ở mức 88,16 tỉ USD.

Hồi tháng 9, tờ Wall Street Journal đưa tin Qualcomm (hiện có vốn hóa thị trường 175,45 tỉ USD) quan tâm đến việc mua lại Intel. Song theo trang Bloomberg, thương vụ này sẽ vấp phải sự giám sát gắt gao từ các cơ quan quản lý, cả trong nước và quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Đầu tháng 12, Bloomberg cho biết Qualcomm đang xem xét lại kế hoạch mua lại toàn bộ Intel do lo ngại những phức tạp về pháp lý. Thay vào đó, hãng này có thể chỉ mua lại một số bộ phận của Intel, hoặc chờ đợi thời điểm thích hợp hơn để quay trở lại thương vụ này. Trước đó, Qualcomm được cho là đã tìm hiểu khả năng mua lại mảng thiết kế của Intel.

Việc Qualcomm e ngại rào cản pháp lý là hoàn toàn có cơ sở. Năm 2022, Nvidia đã phải từ bỏ thương vụ mua lại Arm Holdings trị giá 40 tỉ USD vì vấp phải sự phản đối của các cơ quan quản lý.

Intel từng là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, nhưng vào khoảng năm 2018, vị thế dẫn đầu này bắt đầu sụp đổ. Lý do vì TSMC (Đài Loan) dần chiếm lĩnh vị trí là nhà sản xuất chip theo hợp đồng được hầu hết hãng công nghệ lớn lựa chọn, gồm cả Apple, Nvidia và Qualcomm. TSMC hiện là hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới.

Qualcomm sản xuất chip được sử dụng trong smartphone, gồm cả iPhone, một thị trường mà Intel bỏ lỡ. Intel chủ yếu bán chip cho máy tính cá nhân và máy chủ trung tâm dữ liệu. Thế nhưng, GPU (bộ xử lý đồ họa) của Nvidia đã tạo được những bước tiến lớn vào thị trường trung tâm dữ liệu béo bở này.

Intel hầu như đã bỏ lỡ sự bùng nổ của AI thời gian qua. Chip AI Gaudi 3 của Intel, được thiết kế để cạnh tranh với Nvidia và AMD, dự kiến ​​sẽ chỉ tạo ra doanh số 500 triệu USD trong năm nay. Nvidia sẽ thu về nhiều tỉ USD trong cùng kỳ.

Qualcomm đã có những động thái hướng tới việc cạnh tranh trực tiếp hơn với Nvidia trong thời đại AI. Vào năm ngoái, Qualcomm đã tham gia một liên minh có tên UXL Foundation, cùng Google và Intel, với mục tiêu tạo ra phần mềm không phụ thuộc vào phần cứng để cạnh tranh với nền tảng CUDA thống trị của Nvidia.

Bài liên quan
Chip di động nhanh nhất thế giới của Qualcomm tăng sức mạnh AI cho các smartphone Trung Quốc để đấu với Apple
Xiaomi, Realme và Honor đã hé lộ các smartphone sở hữu chipset mới Snapdragon 8 Elite của Qualcomm khi muốn cạnh tranh với Apple và Samsung Electronics trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luật sư Arm, Qualcomm chất vấn cựu kỹ sư Apple trong phiên tòa liên quan tương lai ngành chip