TikTok đã thực hiện nỗ lực cuối cùng hôm 16.12 để tiếp tục hoạt động tại Mỹ, yêu cầu Tòa án Tối cao tạm thời chặn luật buộc công ty mẹ ByteDance (Trung Quốc) phải thoái vốn khỏi ứng dụng này trước ngày 19.1.2025 hoặc đối mặt với lệnh cấm.
Thế giới số

TikTok thực hiện nỗ lực cuối cùng để tránh lệnh cấm ở Mỹ, CEO Shou Zi Chew gặp ông Trump

Sơn Vân 17/12/2024 08:40

TikTok đã thực hiện nỗ lực cuối cùng hôm 16.12 để tiếp tục hoạt động tại Mỹ, yêu cầu Tòa án Tối cao tạm thời chặn luật buộc công ty mẹ ByteDance (Trung Quốc) phải thoái vốn khỏi ứng dụng này trước ngày 19.1.2025 hoặc đối mặt với lệnh cấm.

TikTok và ByteDance đã đệ đơn yêu cầu khẩn cấp lên các thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ để xin lệnh hoãn thi hành lệnh cấm sắp tới với ứng dụng mạng xã hội được khoảng 170 triệu người Mỹ sử dụng, trong khi họ kháng cáo phán quyết của tòa án cấp dưới ủng hộ luật này. Một nhóm người dùng TikTok tại Mỹ cũng nộp đơn yêu cầu tương tự lên Tòa án Tối cao Mỹ hôm 16.12.

Quốc hội đã thông qua dự luật và Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành luật vào tháng 4. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết TikTok gây ra "mối đe dọa an ninh quốc gia ở mức độ sâu sắc và quy mô to lớn" vì có quyền truy cập vào lượng lớn dữ liệu về người dùng Mỹ, từ vị trí đến tin nhắn riêng tư và khả năng bí mật thao túng nội dung mà người Mỹ xem trên ứng dụng.

TikTok cho rằng Bộ Tư pháp Mỹ đã tuyên bố sai về mối quan hệ của ứng dụng truyền thông xã hội này với chính phủ Trung Quốc, lập luận rằng công cụ đề xuất nội dung và dữ liệu người dùng của nó được lưu trữ tại Mỹ trên các máy chủ đám mây do Oracle vận hành, trong khi các quyết định kiểm duyệt nội dung ảnh hưởng đến người dùng Mỹ được đưa ra tại nước này.

Vào ngày 6.12, Tòa phúc thẩm liên bang tại quận Columbia ở bang Washington (Mỹ) đã bác bỏ lập luận của TikTok rằng luật này vi phạm quyền bảo vệ quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ.

Tu chính án thứ nhất là một trong những điều khoản quan trọng nhất của Hiến pháp Mỹ. Nó bảo vệ các quyền tự do cơ bản thiết yếu cho một xã hội dân chủ. Tu chính án này đã được sử dụng để bảo vệ nhiều loại hình ngôn luận, gồm cả bài phát biểu chính trị, báo chí tự do và biểu tình.

Hôm 9.12, TikTok và ByteDance đã đệ đơn khẩn cấp lên Tòa phúc thẩm liên bang Mỹ tại quận Columbia, đề nghị gia hạn thêm thời gian để trình bày vụ việc lên Tòa án Tối cao Mỹ. Hai công ty Trung Quốc thông báo rằng nếu không có hành động của tòa án, luật này sẽ "đóng cửa TikTok — một trong những nền tảng giao tiếp phổ biến nhất ở Mỹ — với hơn 170 triệu người dùng trong nước hàng tháng".

Thế nhưng, Tòa phúc thẩm liên bang Mỹ đã bác bỏ đề nghị này, cho rằng TikTok và ByteDance không đưa ra được tiền lệ pháp lý nào trước đó mà họ có thể dựa vào để trì hoãn hiệu lực một đạo luật của Quốc hội đã xác nhận là hợp hiến, trong khi chờ Tòa án Tối cao xem xét lại.

Trong hồ sơ nộp lên Tòa án Tối cao hôm 16.12, TikTok và ByteDance cho biết: "Nếu người Mỹ, được thông báo đầy đủ về những rủi ro bị cáo buộc của việc thao túng nội dung ngầm, chọn tiếp tục xem nội dung trên TikTok với đôi mắt mở to, thì Tu chính án thứ nhất trao cho họ quyền lựa chọn đó, không bị chính phủ kiểm duyệt. Nếu phán quyết trái ngược của Tòa phúc thẩm quận Columbia vẫn được giữ nguyên, Quốc hội sẽ có toàn quyền cấm bất kỳ người Mỹ nào phát ngôn chỉ bằng cách xác định một số rủi ro rằng lời nói đó bị ảnh hưởng bởi một thực thể nước ngoài".

Hai công ty Trung Quốc cho biết việc ngừng hoạt động ngay cả trong một tháng cũng sẽ khiến TikTok mất 1/3 số người dùng tại Mỹ và làm suy yếu khả năng thu hút các nhà quảng cáo, người sáng tạo nội dung và tuyển dụng nhân viên tài năng.

Tự nhận mình là một trong những "nền tảng ngôn luận quan trọng nhất" được sử dụng tại Mỹ, TikTok khẳng định không có mối đe dọa sắp xảy ra với an ninh quốc gia Mỹ và việc trì hoãn thực thi luật sẽ cho phép Tòa án Tối cao xem xét tính hợp pháp của lệnh cấm, đồng thời để chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump có thời gian đánh giá lại luật.

Đã cố gắng cấm TikTok không thành công trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình vào năm 2020, ông Trump đã đảo ngược lập trường và hứa trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay rằng sẽ cố gắng cứu TikTok. Ông Trump sẽ nhậm chức hôm 20.1.2025, một ngày sau thời hạn mà đạo luật quy định với TikTok.

"Luật sẽ đóng cửa một trong những nền tảng ngôn luận phổ biến nhất Mỹ vào ngày trước lễ nhậm chức của tổng thống. Một luật liên bang nhắm mục tiêu và cấm một nền tảng ngôn luận được một nửa người Mỹ sử dụng là điều bất thường", TikTok và ByteDance đề cập trong đơn của họ.

Khi được hỏi hôm 16.12 tại một cuộc họp báo về việc ông sẽ làm gì để ngăn chặn lệnh cấm TikTok, Trump cho biết có "một góc đặc biệt trong trái tim dành cho TikTok" và sẽ xem xét vấn đề này.

Ông Trump đã gặp Shou Zi Chew - Giám đốc điều hành TikTok tại bang Florida (Mỹ) hôm 16.12, một nguồn tin thân cận các kế hoạch tiết lộ cho hãng tin Reuters, với điều kiện giấu tên. TikTok không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận về cuộc gặp mặt này.

toa-phuc-tham-bac-yeu-cau-tu-tiktok-tam-hoan-lenh-cam-sap-toi-o-my-ong-trump-phai-lam-gi-de-giu-loi-hua1.jpg
Ông Trump liệu có cứu được TikTok? - Ảnh: Internet

Hai công ty Trung Quốc đề nghị Tòa án Tối cao Mỹ đưa ra phán quyết trước ngày 6.1.2025 để trong trường hợp bị từ chối, họ có thể thực hiện "nhiệm vụ phức tạp là đóng cửa TikTok" tại Mỹ và phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ trước thời hạn mà đạo luật quy định.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

"Kiểm tra khắt khe nhất"

TikTok phủ nhận đã hoặc sẽ chia sẻ dữ liệu người dùng Mỹ, cáo buộc các nhà làm luật Mỹ đưa ra những lo ngại mang tính suy đoán.

Michael Hughes, người phát ngôn của TikTok, cho biết sau khi công ty nộp đơn lên Tòa án Tối cao Mỹ: "Chúng tôi đang yêu cầu tòa án làm điều mà họ thường làm trong các vụ án liên quan đến quyền tự do ngôn luận: Áp dụng sự kiểm tra khắt khe nhất với các lệnh cấm ngôn luận và kết luận rằng nó vi phạm Tu chính án thứ nhất".

Trong phán quyết của mình, Tòa phúc thẩm liên bang ở quận Columbia viết: "Tu chính án thứ nhất tồn tại để bảo vệ quyền tự do ngôn luận tại Mỹ. Trong trường hợp này, chính phủ chỉ hành động để bảo vệ quyền tự do đó khỏi một quốc gia đối địch nước ngoài và hạn chế khả năng của nước đó trong việc thu thập dữ liệu về người dân Mỹ."

Đạo luật này sẽ cấm cung cấp một số dịch vụ nhất định cho TikTok và các ứng dụng thuộc sở hữu của các quốc gia đối địch nước ngoài, gồm cả việc cung cấp ứng dụng qua cửa hàng như Apple App Store và Google Play Store. Về cơ bản là ngăn cản việc tiếp tục sử dụng TikTok tại Mỹ trừ khi ByteDance thoái vốn khỏi ứng dụng trước thời hạn.

Hôm 13.12, Chủ tịch và thành viên cao cấp của đảng Dân chủ trong Ủy ban đặc biệt về Trung Quốc tại Hạ viện đã yêu cầu Giám đốc điều hành Alphabet (công ty mẹ Google) và Apple chuẩn bị gỡ TikTok khỏi cửa hàng ứng dụng tại Mỹ vào ngày 19.1.2025.

Lệnh cấm có thể mở đường cho các cuộc trấn áp trong tương lai với các ứng dụng thuộc sở hữu nước ngoài khác. Vào năm 2020, ông Trump đã cố gắng cấm WeChat, siêu ứng dụng thuộc sở hữu của gã khổng lồ Tencent (Trung Quốc), nhưng bị tòa án ngăn chặn.

Phán quyết từ Tòa phúc thẩm liên bang hôm 13.12, trừ khi Tòa án Tối cao Mỹ đảo ngược, đặt số phận của TikTok vào tay Tổng thống Biden. Ông sẽ quyết định có gia hạn thêm 90 ngày sau hạn chót 19.1.2025 hay không. Tiếp đến, quyền quyết định sẽ thuộc về Tổng thống đắc cử Donald Trump, vốn nhậm chức vào ngày 20.1.2025. Song không rõ liệu ByteDance có thể đáp ứng được gánh nặng lớn để chứng minh đã đạt tiến bộ đáng kể hướng tới việc thoái vốn cần thiết để ông Biden kích hoạt việc gia hạn hay không, hoặc liệu chính phủ Trung Quốc có chấp thuận thỏa thuận bán TikTok ở Mỹ hay không.

TikTok cung cấp hàng trăm USD cho người dùng ở Mỹ mua sắm, mời bạn bè

TikTok đã nỗ lực tăng thời gian sử dụng của người dùng và phát triển thói quen mua sắm trước khi ứng dụng có thể bị cấm ở Mỹ vào ngày 19.1.2025.

TikTok đang cung cấp cho người dùng hàng trăm USD để dành thời gian trong ứng dụng, mời bạn bè tham gia và mua sản phẩm trên TikTok Shop, trong nỗ lực mở rộng hoạt động kinh doanh nhanh nhất có thể trước khi lệnh cấm có thể xảy ra tại Mỹ.

Người dùng TikTok ở Mỹ gần đây đã bắt đầu thấy một ưu đãi có thời hạn (limited time offer), trong đó họ được nhận phần thưởng dưới dạng tín dụng TikTok Shop. Các chương trình khuyến mãi đang xuất hiện trên trang Dành cho bạn (For You), nguồn cấp dữ liệu chính mà người dùng nhìn thấy khi mở ứng dụng.

Họ cũng có thể kiếm tiền bằng cách đăng nhập ứng dụng mỗi ngày trong một tuần và lướt qua 10 sản phẩm trên TikTok Shop 5 lần mỗi tuần. Những người nhấn vào ưu đãi có thể nhận thêm 80 USD dưới dạng phiếu giảm giá để chi tiêu sau khi mua hàng trên TikTok Shop.

TikTok đã nỗ lực thúc đẩy thời gian sử dụng của người dùng và phát triển thói quen mua sắm trước lệnh cấm có thể xảy ra.

Đầu năm nay, trong một động thái riêng biệt để thu hút người dùng mới, TikTok đã bắt đầu yêu cầu mọi người tải xuống ứng dụng nếu muốn xem video TikTok mà người khác chia sẻ.

Các rào cản về mặt quy định không làm chậm lại kế hoạch tăng trưởng của ByteDance. Vào tháng 1, trang Bloomberg đưa tin tập đoàn Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng gấp 10 lần khối lượng hàng hóa được bán trên ứng dụng thông qua TikTok Shop, lên 17,5 tỉ USD. ByteDance thậm chí đã tăng tham vọng của mình kể từ đó. TikTok Shop đã tăng gấp ba doanh số bán hàng tại Mỹ lên hơn 100 triệu USD vào Black Friday.

Bài liên quan
Trái ngược ông Trump, nhiều ứng viên nội các muốn cấm TikTok ở Mỹ
Quan điểm của Tổng thống đắc cử Donald Trump về việc liệu TikTok, công ty thuộc tập đoàn ByteDance (Trung Quốc), có gây ra mối đe dọa cho Mỹ hay không đã thay đổi 180 độ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TikTok thực hiện nỗ lực cuối cùng để tránh lệnh cấm ở Mỹ, CEO Shou Zi Chew gặp ông Trump