Để tồn tại được trong đại dịch, doanh nghiệp phải được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình của Chính phủ để đảm bảo cho khả năng thanh khoản của mình.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Doanh nghiệp phải được tiếp cận vốn hỗ trợ để tồn tại trong đại dịch

Hoài Lam | 10/08/2021, 16:39

Để tồn tại được trong đại dịch, doanh nghiệp phải được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình của Chính phủ để đảm bảo cho khả năng thanh khoản của mình.

Đại dịch COVID-19 bùng phát kéo theo việc giãn cách xã hội trên diện rộng đã gây ra hàng loạt khó khăn cho các doanh nghiệp. Phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật SBLaw về vấn đề này.

- Đại dịch COVID-19 gây ra hàng loạt khó khăn cho các doanh nghiệp, ông có lời khuyên nào để giúp họ ít chịu thiệt hại nhất khi phát sinh sự kiện khẩn cấp?

- Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Điều doanh nghiệp có thể thực hiện để duy trì, củng cố hoạt động và giảm thiểu tác động khi gặp các tình huống khẩn cấp là cần giảm trừ trách nhiệm bất lợi khi đánh giá sự kiện khẩn cấp bất khả kháng. 

Các bên trong hợp đồng nên xem xét và thương lượng lại những điều khoản trong hợp đồng về cam kết liên quan đến chất lượng, xuất xứ của nguyên liệu, thời gian giao hàng... để tìm kiếm sự thông cảm. Nếu không thể nhận được sự đồng thuận, chia sẻ khó khăn thì đó cũng có thể là căn cứ để xin miễn trừ trách nhiệm vi phạm hợp đồng (nếu có) về sau.

Xuất phát từ lợi ích của mình và đối tác, khi đàm phán hợp đồng, các bên nên đưa điều khoản sự kiện bất khả kháng vào hợp đồng, xác định rõ các yếu tố của sự kiện, mức độ của sự kiện được xác định là “bất khả kháng”, cùng với đó nên liệt kê sự kiện khẩn cấp là một trường hợp miễn trừ trách nhiệm.

Các doanh nghiệp phải đảm bảo thanh khoản an toàn. Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của doanh nghiệp, làm đứt gãy chuỗi cung ứng, làm tăng giá thành đầu vào. Một khi sự kiện khẩn cấp phát sinh, phần lớn doanh thu và chuỗi cung ứng đều ngừng và gây thiệt hại nghiêm trọng. Từ đó, doanh nghiệp phải thu nhỏ quy mô, tạm thời đóng cửa, phải cắt giảm nhân viên, thậm chí đóng cửa.

Để điều đó không xảy ra, doanh nghiệp cần lường trước viễn cảnh xấu nhất bằng cách giảm rủi ro ở mức tối thiểu, cố gắng thanh khoản sớm và giữ cho mình có khả năng thanh toán. Cố gắng tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình của Chính phủ để đảm bảo khả năng thanh khoản của doanh nghiệp.

dn.jpg
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ về vốn

Doanh nghiệp cần tự đánh giá rủi ro trong chuỗi cung ứng. Khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, rất có thể đi kèm với đó là những lệnh cấm xuất nhập khẩu, hạn chế hoạt động giao thông (đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không). Đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ khiến doanh nghiệp bị gián đoạn sản xuất.

Do vậy chủ doanh nghiệp cần tìm ra được các lỗ hổng tiềm tàng trong chuỗi cung ứng của mình. Cần thay thế các nguồn đầu vào nguyên liệu bổ trợ từ các nhà cung cấp nước ngoài bằng nhà cung cấp trong nước, chủ động liên hệ với đối tác để xem xét nguồn nguyên liệu có thể thay thế, dự trữ đủ lượng nguyên liệu để có thể hoạt động tốt trong giai đoạn 3 tháng, 6 tháng hoặc cả năm tùy theo quy mô của doanh nghiệp.

Đồng thời, cần tương tác thường xuyên với các nhà hoạch định chính sách. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nắm được bước đi tiếp theo, lập kế hoạch cho việc kinh doanh, cách vượt qua khó khăn. Một khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, doanh nghiệp đã đi trước một bước và giảm nhiều rủi ro trong khả năng của mình.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần hành động ngay từ bây giờ bằng các gợi ý như tiếp cận vốn và tối đa hóa khả năng thanh khoản hiện nay, đây là điều quan trọng mà các doanh nghiệp nên làm để tồn tại; đưa đề xuất tới các nhà lập pháp, những người nắm giữ chìa khóa kinh tế, một cách sớm nhất.

- Thưa ông, với việc số ca nhiễm tăng cao, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, COVID-19 có thể coi là tình trạng khẩn cấp không? Quy trình ban bố tình trạng khẩn cấp ở nước ta được thực hiện thế nào?

- Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Cũng giống như hiến pháp nhiều quốc gia khác, Hiến pháp của Việt Nam cũng quy định về tình trạng chiến tranh, hòa bình và tình trạng khẩn cấp. Vấn đề chiến tranh và hòa bình thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Vấn đề khẩn cấp và giới nghiêm thuộc thẩm quyền của cơ quan thường trực hoạt động thường xuyên của Quốc hội - Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Trình tự của việc quyết định và công bố thường chia 2 công đoạn: công đoạn quyết định và công đoạn công bố. Công đoạn quyết định được Hiến pháp quy định thẩm quyền của Quốc hội hoặc UBTVQH. Công đoạn công bố thuộc thẩm quyền của nguyên thủ quốc gia - Chủ tịch nước.

Điều 70 Hiến pháp năm 2013 quy định: Quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia thuộc thẩm quyền của Quốc hội - lập pháp.

Khoản 10 điều 74 Hiến pháp năm 2013 quy định, UBTVQH có quyền: Quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương.

Điều 88 Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ của Chủ tịch nước tại khoản 5 quy định Chủ tịch nước căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của UBTVQH, công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; căn cứ vào nghị quyết của UBTVQH ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp UBTVQH không thể họp được thì công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương.

Pháp lệnh của UBTVQH năm 2000 quy định một cách chi tiết hơn về trình trạng khẩn cấp. Điều 2 của pháp lệnh này quy định: Theo đề nghị của Thủ tướng chính phủ, UBTVQH ra nghị quyết về tình trạng khẩn cấp. Trong trường hợp UBTVQH không họp, thì theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

Đối với việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục được thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm mà trực tiếp là Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Điều 42 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định trường hợp dịch bệnh lây lan trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

UBTVQH ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp UBTVQH không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

COVID-19 được xác định thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A (bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh).

Như vậy, trong trường hợp đòi hỏi phải ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch thì UBTVQH sẽ ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp UBTVQH không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước sẽ ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

Theo quy định của điều 1 Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000, tình trạng khẩn cấp được ban bố khi trong cả nước, một hoặc nhiều địa phương có thảm họa lớn do thiên nhiên hoặc con người gây ra, có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng...

Điều đó đe dọa nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước và của tổ chức, tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân hoặc có tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Khi đó, UBTVQH hoặc Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp để áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm kịp thời ngăn chặn, hạn chế và khắc phục hậu quả xảy ra, nhanh chóng ổn định tình hình.

Trong đợt bùng phát đại dịch COVID-19, Việt Nam đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội ở các mức độ khác nhau theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Các biện pháp này ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, làm cho một bộ phận không nhỏ người lao động bị mất việc làm, đời sống khó khăn. Việc cung ứng nhu yếu phẩm từ địa phương nọ sang địa phương kia khó khăn. Mỗi một địa phương lại yêu cầu các giấy tờ khác nhau mới được vào tỉnh, ví dụ phải có test nhanh, test PCR..., ảnh hưởng lớn tới hoạt động giao thương và giao thông công cộng.

- Được biết nhiều quốc gia cũng áp dụng tình trạng khẩn cấp khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Theo ông, Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm gì từ các quốc gia này?

- Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Chiến dịch chống dịch của Việt Nam kể từ thời điểm ban đầu đã thể hiện sự quyết liệt, chủ động giải quyết nhanh chóng, triệt để của các cơ quan chức năng và sự phối hợp tương đối tốt của người dân.

Ưu điểm trong công cuộc phòng chống dịch của Việt Nam là Chính phủ đã không chủ quan, nhận thức rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh và đã có thời điểm dịch được khống chế trong thời gian dài.

nth.jpg
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch SBLaw

Tuy nhiên, việc chúng ta hơi chậm trong chiến lược chủ động nhập và sản xuất vắc xin để đạt được miễn dịch cộng đồng sớm hơn đang gây ra những khó khăn cho nền kinh tế. 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì đại dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, được tuyên bố theo Điều lệ y tế quốc tế.

Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 6 tỉnh thành, trong đó ngoài Aichi và Fukuoka, còn có thủ đô Tokyo và 3 tỉnh phía tây, gồm Osaka, Kyoto và Hyogo. 

Tuy nhiên, để hạn chế tác động của tình trạng khẩn cấp đối với nền kinh tế, Nhật Bản đã nới lỏng một phần các biện pháp chống dịch khi chỉ yêu cầu các trung tâm thương mại lớn và rạp chiếu phim rút ngắn thời gian hoạt động thay vì đóng cửa; giới hạn số lượng khán giả các sự kiện thể thao, giải trí đông người ở mức tối đa 5.000 người hoặc 50% công suất của địa điểm tổ chức, thay vì không cho phép tham gia...

Việt Nam có thể áp dụng tình trạng khẩn cấp trong trường hợp cần thiết, theo đó, Chính phủ Việt Nam có thể tiếp tục yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài nếu không có việc cần thiết, yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ tạm thời đóng cửa hoặc không phục vụ đồ uống có cồn và đóng cửa trước 20 giờ hằng ngày, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường làm việc online; yêu cầu người dân tuân thủ hoàn toàn các quy định phòng chống dịch bệnh; có biện pháp tiến hành ngăn chặn triệt để nhằm ngăn chặn các nguy cơ lây nhiễm. Việt Nam có thể hạn chế tình trạng di chuyển từ các thành phố với nhau, đồng thời phải tổ chức tốt việc cung cấp lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân bị phong tỏa.

Tuy nhiên, việc ban bố bất cứ một biện pháp hạn chế nào trong tình trạng khẩn cấp cũng cần tính tới những tác động của nó, ví dụ gần đây, việc tắc đường ở những cửa ngõ ra vào Hà Nội là một minh chứng cho việc chúng ta chưa chuẩn bị kỹ khi ban hành những quy định mới.

- Xin cảm ơn ông.

Bài liên quan
Thủ tướng đánh giá cao doanh nghiệp gặp khó khăn vẫn chung tay chống dịch
"Đây là thời điểm 'lửa thử vàng - gian nan thử sức" của doanh nghiệp, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính nói trong cuộc họp trực tuyến sáng nay 8.8.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Doanh nghiệp phải được tiếp cận vốn hỗ trợ để tồn tại trong đại dịch