Theo luật sư, vì cứu người là trên hết nên họ chấp nhận làm sai và sẵn sàng chịu rủi ro về mình.
Ngày 18.4, đại diện VKS đã tiến hành luân tội, nêu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án đối với 12 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội.
Theo đó, VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Nguyễn Quang Tuấn (cựu giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) từ 4 - 5 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Áp lực đối với các bác sĩ
Là người bào chữa cho bị cáo Tuấn, luật sư Bùi Đình Ứng nhất trí với tội danh mà VKS đã truy tố. Tuy nhiên, luật sư cho rằng quan điểm luận tội và mức án mà VKS đề nghị HĐXX áp dụng cho ông Nguyễn Quang Tuấn từ 4 - 5 năm tù là quá nặng, chưa phản ánh một cách khách quan hành vi phạm tội của bị cáo.
Theo luật sư Ứng, do tính chất cấp bách trong việc khám chữa bệnh khi vật tư, hóa chất đã hết mà kết quả đấu thầu tập trung của UBND TP.Hà Nội chưa có, nên ngay từ đầu năm 2017, Bệnh viện Tim Hà Nội đã có rất nhiều văn bản trình các cơ quan có thẩm quyền, báo cáo tình hình vật tư, hóa chất đã sắp hết để UBND TP đôn đốc, chỉ đạo các ban ngành liên quan khẩn trương tổ chức đấu thầu tập trung vật tư, hóa chất để bệnh viện chủ động, kịp thời trong khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, việc tổ chức đấu thầu tập trung chưa thể thực hiện được ngay, trong khi đó bệnh viện lại đang thiếu vật tư, hóa chất chữa bệnh rất trầm trọng, nên đơn vị đã liên tục báo cáo các cấp và đề nghị được mua sắm khẩn cấp.
Luật sư cũng trích dẫn số liệu từ bút lục thể hiện dự kiến chỉ 3 tháng đầu năm 2017, bệnh viện sẽ phải thực hiện trên dưới 1.000 ca mổ tim; từ 3.250 - 3.900 ca can thiệp tim mạch.
Theo luật sư, việc nghiên cứu các tài liệu này cho thấy sức nóng, áp lực khủng khiếp đối với các bác sĩ trước tình hình vật tư, hóa chất chữa bệnh đã hết như thế nào, nên việc bệnh viện xin được mua sắm khẩn cấp theo hình thức chỉ định thầu rút gọn là cấp thiết, là có thật.
Sai phạm do nóng vội
Liên quan đến việc mua sắm vật tư y tế (chẳng hạn stent), theo luật sư, bệnh viện chỉ có thể dựa vào kết quả khám chữa bệnh cho bệnh nhân của năm trước để xây dựng kế hoạch mua sắm cho năm sau. Nhưng kế hoạch chỉ là kế hoạch vì không ai có thể lường trước, biết trước bệnh nhân ở thời gian đó tới nhiều hay ít.
Luật sư Ứng cho rằng nếu mua vật tư nhiều mà người bệnh ít thì lãng phí tiền; nếu bệnh nhân nhiều mà mua ít thì lại thiếu. Tức là bệnh viện không thể chủ động, tính toán, dự liệu một cách tuyệt đối để mua sắm vật tư chữa bệnh được.
“Thủ tục đấu thầu mua sắm phải theo trình tự, mất rất nhiều thời gian. Nhưng việc chữa bệnh, đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người bệnh là yêu cầu khẩn cấp không thể chờ được”, luật sư nêu quan điểm.
Theo quan điểm của luật sư Ứng, có thể lúc này Bệnh viện Tim biết mượn vật tư là không đúng; nhưng với y đức của người thầy thuốc, chữa bệnh cứu người là trên hết, nên họ vẫn chấp nhận làm sai và sẵn sàng chịu rủi ro về mình.
Luật sư Ứng cũng cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm của bị cáo trong 4 gói thầu năm 2017 là do nóng vội, sợ bệnh viện rơi vào tình trạng không còn vật tư, hóa chất để kịp thời chữa bệnh. Từ đó, luật sư Bùi Đình Ứng kính mong VKS và HĐXX xem xét về nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội để có quan điểm đánh giá nhân văn cho các bị cáo về gói thầu năm 2017 này.
Về cách tính thiệt hại, theo luật sư Ứng, về gói thầu năm 2016, ông Tuấn và luật sư bào chữa chấp nhận toàn bộ số liệu như VKS đã đưa ra.
Tuy nhiên, về gói chỉ định thầu năm 2017, theo luật sư Ứng, thủ tục đúng; chỉ sai phần mượn trước, ứng trước, mặc dù có báo cáo cấp trên. Do đó, luật sư cho rằng chỉ nên tính phần sai và thiệt hại ở những vật tư ký gửi trước, ứng trước.
Quan điểm của luật sư là chỉ nên tính những vật tư nào mượn trước là sai và họ chỉ chịu trách nhiệm về phần mượn trước này mà không nên buộc phải chịu trách nhiệm sai toàn bộ giá trị của 4 gói thầu năm 2017.
Từ đó, luật sư Ứng đề nghị HĐXX vận dụng thêm các tình tiết giảm nhẹ mà luật sư nêu lên để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo Tuấn; đồng thời do bị cáo đã khắc phục xong toàn bộ hậu quả thuộc trách nhiệm của mình nên luật sư đề nghị HĐXX quyết định giải tỏa kê biên 1 căn hộ và 1 thửa đất của vợ chồng bị cáo.
Bệnh viện sẽ phải đóng cửa nếu chờ đấu thầu tập trung
Tại phần luận tội, VKS ghi nhận việc ông Tuấn thành khẩn khai báo, đã nộp khắc phục hơn 6,2 tỉ đồng, bị cáo là thầy thuốc nhân dân nên được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo đúng quy định của pháp luật. Trong vụ án này, VKS xác định ông Tuấn giữ vai trò chính, lợi dụng chức vụ, can thiệp vào đấu thầu, gây thiệt hại cho Bệnh viện Tim Hà Nội số tiền rất lớn.
Trước đó, trong phần xét hỏi, ông Tuấn đã trình bày rằng năm 2017, UBND TP.Hà Nội có chủ trương đấu thầu tập trung. Tuy nhiên, bị cáo cho biết việc tổ chức đấu thầu của thành phố rất chậm và nếu đợi đến lúc thành phố tổ chức thì cả năm 2017 bệnh viện sẽ không có vật tư, hóa chất, thiết bị y tế, đồng nghĩa với việc "bệnh viện sẽ đóng cửa, không thể cấp cứu, chữa bệnh cho bệnh nhân".
Nhằm tránh tình trạng trên, theo ông Tuấn, ông đã hỏi vay một số thiết bị của Công ty Hoàng Nga và Công ty Kim Hòa Phát để sử dụng trước. Toàn bộ trình tự, thủ tục đấu thầu đối với các thiết bị, vật tư y tế này đều được báo cáo đầy đủ với cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng xác nhận cho dù vật tư thiếu, dù đã báo cáo về việc mượn vật tư thì cũng không đúng quy định, và nhận trách nhiệm cá nhân về vi phạm này.