Mặc dù đang được nhiều “đại gia” ngành thời trang ưu tiên chọn lựa để gia công sản phẩm, nhưng Việt Nam tới đây vẫn phải đối mặt với những áp lực cạnh tranh lớn đến từ các nước trong khu vực. Chi phí lao động dường như không còn là lợi thế cạnh tranh khi mà thu nhập của người lao động đang chuyển biến tích cực. Các chuyên gia nhận định ngành dệt may Việt Nam cần làm nhiều hơn để gây sức hút, thay vì dựa vào ưu thế giá nhân công rẻ như trước.

Lương công nhân may Việt Nam ngang bằng Philippines, cao hơn Indonesia

Kim Vân | 29/09/2016, 21:06

Mặc dù đang được nhiều “đại gia” ngành thời trang ưu tiên chọn lựa để gia công sản phẩm, nhưng Việt Nam tới đây vẫn phải đối mặt với những áp lực cạnh tranh lớn đến từ các nước trong khu vực. Chi phí lao động dường như không còn là lợi thế cạnh tranh khi mà thu nhập của người lao động đang chuyển biến tích cực. Các chuyên gia nhận định ngành dệt may Việt Nam cần làm nhiều hơn để gây sức hút, thay vì dựa vào ưu thế giá nhân công rẻ như trước.

Với kim ngạch xuất khẩu dệt may lên đến 27 tỷ USD vào năm 2015, Việt Nam là một quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài lớn trong lĩnh vực này nhờ chi phí lao động thấp. Tuy nhiên, lợi thế đó chưa bao giờ được các chuyên gia đánh giá là bền vững.

Mức lương ngành dệt may Việt Nam đang dần được cải thiện thời gian gần đây và đã vượt qua ngưỡng trung bình, theo một báo cáo được trang mạng việc làm JobStreet.com công bố hồi giữa năm.

Theo đó, mức lương lao động dệt may của ta hiện đã cao hơn mặt bằng chung trong khu vực. Cụ thể, thu nhập trung bình của một lao động ngành dệt may Việt Nam là từ 400-600 USD/tháng (8,4 triệu - 12,6 triệu đồng). Con số này tuy chỉ bằng gần một nửa so với Malaysia (725-1.019 USD) và ¼ so với Singapore, nhưng đã xấp xỉ bằng lao động Philippines,và thậm chí còn cao hơn lao động Indonesia (343 – 510 USD).

Lương lao động dệt may tại Việt Nam ngày càng được cải thiện

Ngành dệt may Việt Nam cũng vừa được Tổ chức lao động quốc tế (ILO) công bố là quốc gia có tỷ lệ vi phạm quy định về lương tối thiểu thấp nhất trong 7 nước xuất khẩu hàng dệt may tại châu Á, với tỉ lệ chỉ 6,6/100 người bị trả dưới mức lương tối thiểu.

Nước đứng đầu về tỉ lệ vi phạm này là Philippines với hơn 53% người lao động nhận lương thấp hơn mức tối thiểu. Tại Campuchia và Indonesia, tỉ lệ này vào khoảng 25%.

Bức tranh tiền lương của dệt may Việt Nam dần sáng sủa hơn, cho thấy các DN đang sử dụng thu nhập như một yếu tố thu hút và giữ chân người lao động, cũng có nghĩa là sức hấp dẫn của ngành đang gia tăng, cạnh tranh vì thế cũng tăng theo.

Và để tối ưu hóa việc tìm kiếm nhân sự, các DN dệt may đã bắt đầu nhờ đến các kênh tuyển dụng trực tuyến. Đây là một thay đổi đáng kể và tích cực so với trước, khi mà người lao động chỉ quen dùng các mẫu sơ yếu lý lịch in sẵn và không mấy quan tâm tạo ấn tượng cho hồ sơ của mình, còn nhà tuyển dụng thì cũng không quan tâm mấy đến chất lượng lao động. Khi nguồn cung nhân sự trở nên dồi dào hơn trên mạng, việc tuyển chọn cũng sẽ khắt khe hơn.

Với khoảng 91% DN cho biết có tuyển dụng qua kênh trực tuyến trong quý 1.2016, Jobstreet nhận định, xu hướng tuyển dụng và tìm việc làm trực tuyến chắc chắn sẽ ngày càng phổ biến hơn trong tương lai.

Kim Vân
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lương công nhân may Việt Nam ngang bằng Philippines, cao hơn Indonesia