'Để mai tính 2' (Để Hội tính) đang gây nhiều tranh cãi và thảo luận trong xã hội xung quanh hình ảnh của người chuyển giới mô tả trong phim. Thậm chí đã xuất hiện kêu gọi tẩy chay bộ phim. Vậy Hội đã tính đúng hay sai ở đâu?
“Để Mai Tính 2” có phản ánh đúng hình ảnh của người chuyển giới (từ nam sang nữ)?
Có và không. Những ngôn từ, động tác và hành động của nhân vật Hội rõ ràng không phải là “phát minh” của Thái Hòa. Nếu bạn đã từng tiếp xúc với nhiều người chuyển giới khác nhau, thuộc các thành phần khác nhau, và ở các môi trường khác nhau, chắc bạn sẽ thấy những hình ảnh này quen thuộc mỗi nơi một ít. Tuy nhiên ở nhân vật Hội có rất nhiều đặc điểm mang tính tột đỉnh tập trung về trên một người. Điều này đã khiến nhân vật trở thành cường điệu và có phần phi thực tế.
Bên cạnh đó, cũng có những người chuyển giới hoàn toàn không có sự thể hiện nào như Hội. Vậy có nên kết luận đây không phải là hình ảnh thực tế của người chuyển giới? Thật ra Hội là một nhân vật, không phải một cộng đồng. Trong phim cũng không có thông điệp nào tuyên bố Hội là hình ảnh điển hình của người chuyển giới. Khi xây dựng nhân vật tác giả cần lựa chọn những đặc điểm tạo nên một nhân vật hấp dẫn và phù hợp với kịch bản. Và ta đã có Hội, một con người có những đặc tính riêng.
“Để Hội tính” có mang thông điệp định kiến và xâm hại nhân phẩm của người chuyển giới?
Định kiến ở khắp mọi nơi, đôi khi rất khó phát hiện. Nếu những tính cách được cho là tốt trong xã hội (như sự chân thành và hy sinh vì tình yêu) ít bị mổ xẻ thì những đặc điểm khó được chấp nhận hơn như sự ẻo lả, mê trai hay những lời thoại chua ngoa lại dễ bị cho là những định kiến và là hành động bôi bác hình ảnh người chuyển giới. Tuy nhiên khi bạn thử tưởng tượng Hội là một cô gái từ khi sinh ra và rất xinh đẹp, thì những hành động trên có còn quá tồi tệ? Một cô gái thấy nóng hừng hực trước một anh họa sĩ đẹp trai. Một cô gái bị tống giam vừa phát hiện phạm nhân nam cùng phòng quá hấp dẫn lập tức muốn ở lại lâu hơn. Một cô gái trong tình huống bất ngờ thấy người mình thích đi vệ sinh lại nấn ná không muốn rời mắt sau đó lại tự trách bản thân. Những tình tiết này không phải lần đầu xuất hiện trong những câu chuyện bông đùa và ngoài cảm giác hài hước ngớ ngẩn thậm chí hơi hư hỏng về nhân vật thì không hề có sự kinh tởm.
Vậy vì sao với Hội lại trở nên ồn ào như vậy? Phải chăng những ai xem việc gán ghép những hành động trên vào người chuyển giới là định kiến cũng nên nghĩ lại một chút về định kiến của mình với chính những hành động này? Xao xuyến và hành động bất thường trước người hấp dẫn mình là xấu? (Hội không hề để mắt tới anh trợ lý với chùm râu tài.) Nói năng chua ngoa tùy đối tượng và tùy cảm xúc nhưng vẫn không tục tĩu là nhân phẩm kém? Ngoại hình thô cứng nhưng ăn mặc và động tác cố tình ẻo lả vẫn không thể mềm mại như con gái là không thể chấp nhận? Những điều trên tuy không thể thành chuẩn mực cho những hình ảnh đẹp nhưng đó là sự muôn màu của cuộc sống.
“Hot boy nổi loạn” với câu nói lấp ló định kiến “Không ai được quyền lựa chọn giới tính của mình khi sinh ra…” lại được người trong cuộc ủng hộ thậm chí câu nói này còn trở thành trích dẫn nhiều người cho là hay ho. Tác giả của Sáu Sắc - một trang về LGBT, đã nói, vấn đề của câu nói này đó là nó xem đồng tính như một điều không mong muốn hoặc không may mắn, từ đó đưa ra giải pháp là sống tích cực với hoàn cảnh đó. Thật ra người dị tính khi sinh ra họ cũng không lựa chọn mình sẽ thích người khác giới, nhưng họ có “lựa chọn cách sống” với điều đó hay không? Đứng trên quan điểm bình đẳng thì chỉ đơn giản là “tôi có quyền quyết định cuộc sống của tôi”.
Có phải lý do là cho dù hành động ra sao, yếu mềm thế nào thì hot boy… vẫn là người đẹp, còn Hội tốt bụng nhưng thô kệch chứ không mượt mà thướt tha nên là hình ảnh xấu? Hội là nhân vật xây dựng để gây cười, nhưng không phải là trò cười. Và phản hồi của người xem trên những trang mạng thời gian vừa qua hầu như không ai thấy Hội đáng ghét. Vậy vấn đề không nằm ở chỗ hình ảnh người chuyển giới trong Hội được xây dựng như thế nào mà ở chỗ những hình ảnh này được người xem tiếp nhận ra sao.
“Để Hội tính” có đáng bị tẩy chay?
Không. “Để Hội tính” không phải là một bộ phim hay nhưng không phải là một bộ phim đáng bị lên án. Tuy nhiên, “Để Hội tính” ra đời không đúng thời điểm. Cộng đồng người chuyển giới nói riêng và cộng đồng LGBT nói chung tại Việt Nam đang ở một giai đoạn rất đặc biệt. Đó là khi tiếng nói của người trong cuộc đang dần mạnh mẽ và được lắng nghe. Nhưng tiến trình vận động cho quyền bình đẳng vẫn đang tiếp diễn và đầy cam go.
Ngoài ra hình ảnh của người chuyển giới và đồng tính vẫn chưa được hiểu đúng và khoa học trong toàn xã hội. Hội không phải là hình ảnh đại diện của cả cộng đồng nhưng đại đa số người xem sẽ không phân biệt đâu là đặc điểm riêng của nhân vật mà sẽ khái quát lên cho toàn bộ cộng đồng mà họ chưa hiểu. Thậm chí, những đặc điểm được cường điệu trong một bộ phim hài cũng sẽ được cho là hình ảnh lấy từ thực tế. Nếu trên màn ảnh có một nhân vật nam buông lời sỗ sàng với một cô gái xinh đẹp anh vừa gặp, khán giả sẽ nhận biết “đây là đặc điểm của một người-đàn-ông-phàm-phu”. Nhưng khi thấy Hội tít mắt vì một chàng trai thì khán giả sẽ hiểu theo kiểu “đây là đặc điểm của một người-chuyển-giới”.
Thêm vào đó, không ít khán giả sẽ hiểu Hội là người đồng tính thay vì chuyển giới. Tiến trình xây dựng hình ảnh đúng đắn và đầy đủ của cộng đồng LGBT là một tiến trình khó khăn và chậm chạp. Và khi những hiểu biết này chưa kịp đến với từng người trong xã hội thì một bộ phim như “Để Hội tính” sẽ đóng đinh ngay hình ảnh của Hội cho người chuyển giới và đồng tính một cách nhanh chóng trên diện rộng.
Ấn tượng ban đầu luôn sâu sắc nhất và tốn công sức hơn nhiều lần để thay đổi. Đây là những ảnh hưởng từ bộ phim không phải bất cứ người trong và ngoài cộng đồng nào cũng có thể ý thức được. Vì vậy mọi kêu gọi tẩy chay bộ phim sẽ đều bị cho là quá mức cần thiết. Người không quan tâm đến phong trào LGBT sẽ vẫn đi xem bình thường và cười hay không cười tùy theo thẩm mĩ của họ. Những người yêu thích nhân vật này sẽ không phải xấu hổ vì đã ủng hộ một bộ phim như vậy. Còn những ai thật sự muốn thay đổi hình ảnh LGBT trong nghệ thuật càng nên xem thật kỹ bộ phim để nhận ra những cái bẫy định kiến mà rút kinh nghiệm và có tư vấn tốt hơn cho những nhà sản xuất về sau.
Theo Nguyễn Ngọc Minh (Diễn Ngôn)