Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Meta Platforms, có vẻ mệt mỏi khi phải đối mặt với những hạn chế từ Apple.
Mark Zuckerberg, người đồng sáng lập Facebook, đã chỉ trích Apple trong một bài đăng trên blog đăng trên trang web của Meta Platforms giới thiệu các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) Lllama mới nhất.
Mark Zuckerberg viết: “Một trong những trải nghiệm hình thành nên tôi là xây dựng các dịch vụ của Metai bị ràng buộc bởi những gì Apple sẽ cho phép chúng tôi làm trên nền tảng của họ. Giữa cách Apple đánh thuế các nhà phát triển, những quy tắc tùy tiện mà họ áp dụng và tất cả cải tiến sản phẩm mà họ ngăn chặn không cho triển khai, rõ ràng Meta và nhiều công ty khác sẽ được tự do xây dựng các dịch vụ tốt hơn nhiều cho mọi người nếu có thể tạo các phiên bản tốt nhất sản phẩm của mình và đối thủ cạnh tranh không thể hạn chế những gì chúng tôi có thể làm".
Giám đốc điều hành Meta Platforms đã rót hàng tỉ USD để cố gắng đảm bảo điều tương tự không xảy ra nữa.
Mark Zuckerberg đang đặt cược lớn vào cả metaverse và AI vì đây là công nghệ tương lai mà mọi người sẽ dành thời gian. Meta Platforms đang phát triển AI và phần mềm riêng để cung cấp cho các kính thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR), chẳng hạn như dòng Quest, được sử dụng để truy cập metaverse.
Mark Zuckerberg cho biết trong bài đăng trên blog: “Ở cấp độ triết học, đây là lý do chính khiến tôi tin tưởng mạnh mẽ vào việc xây dựng hệ sinh thái mở về AI và AR/VR cho thế hệ điện toán tiếp theo”.
Apple thì khác Meta Platforms. Công ty thích cách tiếp cận "vườn có tường bao quanh", giúp họ kiểm soát chặt chẽ hệ sinh thái của mình. Apple cho biết điều này giúp mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng và tốt hơn cho sự an toàn lẫn quyền riêng tư.
Về bộ tính năng AI tạo sinh mang tên Apple Intelligence, công ty đã chọn hợp tác với OpenAI để tích hợp ChatGPT vào các hệ điều hành của mình, nhưng cũng phát triển nhiều tính năng AI riêng. Dù cho biết sẵn sàng tích hợp thêm các mô hình AI bên thứ ba khác trong tương lai, chẳng hạn Google Gemini, Apple được cho là đã loại bỏ AI của Meta Platforms trong các cuộc đàm phán ban đầu về những lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu.
Mark Zuckerberg đã mở rộng bài phê bình Apple của mình trong một cuộc phỏng vấn với YouTuber Rowan Cheung. Tỷ phú 40 tuổi người Mỹ không nghĩ rằng Apple sẽ bị lạc hướng trong cách tiếp cận và phát triển AI, nhưng tin rằng các mô hình AI nguồn mở sẽ là tiêu chuẩn.
“Theo quan điểm của tôi, Apple hoàn toàn áp dụng các quy tắc khác để hạn chế những gì chúng tôi có thể làm”, Mark Zuckerberg nói.
Mark Zuckerberg nói ông không coi mình là "người cuồng nhiệt nguồn mở", nhưng trước đây đã chỉ trích các công ty AI nguồn đóng và những ai nghĩ rằng họ đang tạo ra một "vị thần AI" toàn năng duy nhất.
Ông cũng rõ ràng chưa quên khoản doanh thu khoảng 10 tỉ USD mà các ứng dụng của Meta Platforms đã mất đi khi Apple đưa ra các thông báo quyền riêng tư trên iOS vào năm 2021, yêu cầu người dùng iPhone chọn ứng dụng nào được phép theo dõi hành vi của họ để quảng cáo. David Wehner, Giám đốc tài chính Meta Platforms tại thời điểm đó, cho biết bản cập nhật iOS đã làm tổn hại đến doanh thu quảng cáo của Facebook.
"Tôi nghĩ sẽ hơi đau lòng khi bạn xây dựng những tính năng mà bạn tin là tốt cho cộng đồng của mình và sau đó được thông báo rằng không thể triển khai chúng vì một số công ty muốn nhốt bạn vào một chiếc hộp", Mark Zuckerberg nói.
Dù thừa nhận rằng sự thống trị của Apple trong ngành di động đã tạo nên một trường hợp thuyết phục cho một mô hình đóng, Mark Zuckerberg chỉ ra rằng PC (máy tính cá nhân) là một mô hình cởi mở hơn, dễ dàng cạnh tranh với các hệ thống của nhà sản xuất iPhone.
Ông nói: “So với cách tiếp cận của Apple là kết hợp hệ điều hành với thiết bị, cách tiếp cận của Windows là hệ sinh thái cởi mở hơn và nó đã thắng”.
Mark Zuckerberg hy vọng Meta Platforms cũng sẽ đứng về phía chiến thắng. Tỷ phú này cho biết muốn “khôi phục ngành công nghiệp” về trạng thái nơi các hệ sinh thái mở trở thành mô hình hàng đầu và để Meta Platforms đi đầu.
Mark Zuckerberg nói: “Đó là điều mà tôi chỉ quan tâm về mặt cá nhân và triết học. Mô hình phát triển di động khép kín đã áp đặt những giới hạn lên sự sáng tạo trong ngành công nghiệp".
Elon Musk nhiều lần chỉ trích Mark Zuckerberg và thậm chí còn thách đấu võ trong lồng sắt vào năm ngoái sau khi Giám đốc điều hành Meta Platforms tung ra mạng xã hội Threads để cạnh tranh với X. Thế nhưng, ít nhất có một chủ đề mà Elon Musk đồng quan điểm với Mark Zuckerberg.
Hôm 24.7, Elon Musk đã dành một lời khen hiếm hoi cho Mark Zuckerberg sau khi Meta Platforms ra mắt mô hình AI Llama 3 lớn nhất, còn gọi là Llama 3.1. Công ty mẹ Facebook tuyên bố Llama 3.1 có kỹ năng đa ngôn ngữ và chỉ số hiệu suất chung không kém GPT-4o của OpenAI, là mã nguồn mở và được phát hành công khai cho mọi người sử dụng miễn phí.
"Nó thực sự ấn tượng và Zuck xứng đáng được khen ngợi vì đã mở mã nguồn", Elon Musk viết trên X để đáp lại bài đăng về Llama 3.1 từ Andrej Karpathy (cựu Giám đốc AI của Tesla).
Cả Mark Zuckerberg và Elon Musk đều không che giấu tham vọng thống trị lĩnh vực AI. Vào tháng 1, Mark Zuckerberg tiết lộ trong cuộc phỏng vấn với trang The Verge rằng Meta Platforms đã tích trữ số lượng lớn chip AI Nvidia.
"Chúng tôi đã xây dựng khả năng làm điều này ở một quy mô có thể lớn hơn bất kỳ công ty tư nhân nào khác. Tôi nghĩ nhiều người có thể không đánh giá đúng điều đó", Mark Zuckerberg nói.
Elon Musk cho biết đã huy động được 6 tỉ USD cho công ty khởi nghiệp xAI của ông trong vòng gọi vốn Series B vào tháng 5. Elon Musk là nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành xAI.
Động lực thành lập xAI của Elon Musk một phần bắt nguồn từ những bất đồng với các đồng sáng lập tại OpenAI. Elon Musk đã đồng sáng lập OpenAI cùng Sam Altman và những người khác vào năm 2015 nhưng rời khỏi hội đồng quản trị công ty năm 2018. Sam Altman hiện là Giám đốc điều hành OpenAI.
"OpenAI được tạo ra như công ty mã nguồn mở (đó là lý do tại sao tôi đặt tên nó là OpenAI), phi lợi nhuận để làm đối trọng với Google, nhưng giờ đây nó đã trở thành một công ty mã nguồn đóng, tối đa hóa lợi nhuận được kiểm soát hiệu quả bởi Microsoft. Đó không phải là điều tôi dự định chút nào", Elon Musk viết trong một bài đăng trên X vào tháng 2.2023.
Mark Zuckerberg có quan điểm giống Elon Musk khi nêu ra triết lý tương tự trong một bài đăng trên blog công ty hôm 23.7.
"Tôi tin rằng mã nguồn mở là cần thiết cho một tương lai AI tích cực. Có một cuộc tranh luận đang diễn ra về sự an toàn của các mô hình AI mã nguồn mở. Quan điểm của tôi là AI mã nguồn mở sẽ an toàn hơn so với các lựa chọn khác. Tôi nghĩ rằng các chính phủ sẽ kết luận rằng việc hỗ trợ mã nguồn mở là lợi ích của họ, vì sẽ làm cho thế giới trở nên thịnh vượng và an toàn hơn", tỷ phú 40 tuổi người Mỹ viết.
Theo Meta Platforms, Llama 3.1 có thể trò chuyện bằng 8 ngôn ngữ, viết mã máy tính chất lượng cao hơn và giải quyết các bài toán phức tạp hơn so với các phiên bản trước đó.
Với 405 tỉ tham số (các biến mà thuật toán xem xét để tạo phản hồi cho các truy vấn của người dùng), Llama 3.1 vượt xa phiên bản trước được phát hành năm ngoái nhưng vẫn nhỏ hơn so với mô hình AI hàng đầu do các đối thủ cung cấp. GPT-4 của OpenAI được cho có 1.000 tỉ tham số và Amazon đang đầu tư vào một mô hình AI có 2.000 tỉ tham số.
Việc Meta Platforms phát hành Llama 3.1 diễn ra khi các hãng công nghệ đang chạy đua để chứng minh rằng danh mục ngày càng phát triển của họ về mô hình ngôn ngữ lớn (đòi hỏi nhiều tài nguyên) có thể mang lại những lợi ích đáng kể trong các lĩnh vực đã biết, chẳng hạn lập luận nâng cao, để biện minh cho những khoản tiền khổng lồ được đầu tư vào chúng.
Ngoài mô hình AI hàng đầu với 405 tỉ tham số, Meta Platforms cũng phát hành các phiên bản cập nhật phiên bản Llama 3 nhẹ hơn với 8 tỉ và 70 tỉ tham số, từng được giới thiệu vào mùa xuân. Cả ba mô hình AI mới đều đa ngôn ngữ và có thể xử lý các yêu cầu của người dùng lớn hơn thông qua "cửa sổ ngữ cảnh" mở rộng, mà Ahmad Al-Dahle (trưởng bộ phận AI tạo sinh của Meta Platforms) cho biết sẽ cải thiện trải nghiệm tạo mã máy tính đặc biệt.
"Đó là phản hồi hàng đầu mà chúng tôi nhận được từ cộng đồng", Al-Dahle nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn, lưu ý rằng các cửa sổ ngữ cảnh lớn hơn cung cấp cho các mô hình cái gì đó giống như bộ nhớ dài hơn giúp xử lý các yêu cầu nhiều bước.
Meta Platforms phát hành các mô hình Llama của mình chủ yếu miễn phí để sử dụng cho các nhà phát triển. Đây là chiến lược mà Mark Zuckerberg cho biết sẽ được đền đáp bằng các sản phẩm sáng tạo và mức độ tương tác cao hơn trên các mạng xã hội cốt lõi của công ty. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư đã nghi ngờ sẽ có các chi phí liên quan.
Meta Platforms cũng có thể thu được lợi ích nếu các nhà phát triển chọn sử dụng các mô hình AI miễn phí của mình thay vì mô hình trả phí. Lý do vì điều này sẽ làm suy yếu mô hình AI của các đối thủ. Trong thông báo mới nhất, Meta Platforms quảng cáo những lợi ích về các bài kiểm tra toán học và kiến thức chính có thể khiến triển vọng đó hấp dẫn hơn.
Dù tiến độ phát triển AI rất khó đo lường nhưng kết quả kiểm tra do Meta Platforms cung cấp dường như cho thấy Llama 3.1 gần ngang bằng và trong một số trường hợp trội hơn so với Claude 3.5 Sonnet của Anthropic lẫn GPT-4o của OpenAI. Claude 3.5 Sonnet và GPT-4o được coi là hai mô hình AI tiên tiến mạnh nhất trên thị trường hiện nay.
Ví dụ, trên điểm chuẩn MATH của các bài toán đố bằng lời ở cấp độ thi đấu, Llama 3.1 đạt 73,8 điểm, so với 76,6 của GPT-4o và 71,1 của Claude 3.5 Sonnet.
Llama 3.1 đạt được 88,6 điểm trên MMLU (điểm chuẩn bao gồm hàng chục môn về toán học, khoa học và nhân văn), trong khi GPT-4o được 88,7 điểm và Claude 3.5 Sonnet được 88,3 điểm.
Trong bài viết của mình, các nhà nghiên cứu Meta Platforms cũng giới thiệu các phiên bản "đa phương thức" sắp tới cho các mô hình AI dự kiến ra mắt cuối năm nay, bổ sung khả năng hình ảnh, video và giọng nói cho mô hình Llama 3 cốt lõi. Họ nói những thử nghiệm ban đầu cho thấy các mô hình AI đó có khả năng cạnh tranh với mô hình đa phương thức khác như Gemini 1.5 của Google và Claude 3.5 Sonnet của Anthropic.