Các nhà khoa học đã xác nhận rằng Mặt trời chính thức bước vào chu kỳ hoạt động mới và sẽ kéo dài 11 năm giống chu kỳ trước (từ năm 2008 đến 2019).

Mặt trời bước vào chu kỳ hoạt động mới kéo dài 11 năm

Long Hải | 16/09/2020, 12:55

Các nhà khoa học đã xác nhận rằng Mặt trời chính thức bước vào chu kỳ hoạt động mới và sẽ kéo dài 11 năm giống chu kỳ trước (từ năm 2008 đến 2019).

Chu kỳ Mặt trời là chu kỳ mà số lượng vết đen Mặt trời thay đổi về số lượng. Chu kỳ được giới hạn bởi năm Mặt trời hoạt động mạnh nhất (năm có nhiều vết đen nhất -cực đại) và năm Mặt trời tĩnh (có ít vết đen nhất - cực tiểu).

Mỗi chu kỳ Mặt trời có thời gian trung bình khoảng 11 năm, là một hiện tượng quan trọng cần dự đoán vì những tác động bất thường của nó ảnh hưởng lớn đến thời tiết không gian cũng như khí hậu trên Trái đất, đôi khi gây ra những hậu quả tàn khốc.

Ban dự đoán Chu kỳ Mặt trời (SCPP) nói rằng chu kỳ hoạt động mới của Mặt trời, được gọi là Chu kỳ Mặt trời 25, sẽ đạt cực đại vào năm 2025 nhưng nhìn chung sẽ là một chu kỳ ít hoạt động. Theo SCPP, chu kỳ này khá giống với Chu kỳ Mặt trời 24 đã kết thúc vào tháng 12.2019.

“Chúng tôi rất vui mừng thông báo rằng chu kỳ 25 của Mặt trời đã chính thức bắt đầu. Chu kỳ mới đã bắt đầu từ tháng 12.2019 nhưng chúng tôi cần nhiều thời gian để tính toán và xác nhận điều này”, Lisa Upton, một nhà vật lý năng lượng Mặt trời tại Space Systems Research Corporation, công ty có trụ sở tại Virginia, cho biết trong cuộc họp báo hôm 15.9.

Doug Biesecker, nhà vật lý năng lượng Mặt trời tại Trung tâm dự báo thời tiết không gian (SWPC) của NOAA cho biết, trong giai đoạn cực đại, Mặt trời đạt số lượng vết đen trung bình cao hơn 200. Tuy nhiên, con số này ở Chu kỳ 25 ước tính chỉ là 115. Biesecker nhấn mạnh đây là chu kỳ yếu nhất trong 100 năm qua và là chu kỳ yếu thứ 4 từng được ghi nhận.

Một số rác thải vũ trụ cũng sẽ được hút về khí quyển Trái đất nhờ Chu kỳ Mặt trời. Theo đó, cứ 11 năm, hiện tượng từ trường mặt trời đảo cực lại xảy ra một lần. Khí quyển Trái đất chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng này, mở rộng, co rút và có thể kéo rác thải vũ trụ về. Đó là một dạng cơ chế tự làm sạch. “Thật không may, một chu kỳ Mặt trời ít hoạt động đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ không loại bỏ được nhiều rác thải không gian”, Biesecker nhấn mạnh.

Sự thay đổi số lượng các vết đen trong một số chu kỳ Mặt trời gần đây - Ảnh:SILSO

Mặc dù vài năm qua đã có nhiều sứ mệnh tìm hiểu thời tiết không gian và Mặt trời được khởi động, nhưng Biesecker nói rằng nhóm dự đoán không dựa vào dữ liệu từ các tàu vũ trụ mới đó. Ông nói: “Khi chúng tôi tìm hiểu về chu kỳ Mặt trời, những dữ liệu mới luôn hữu ích nhưng rất khó để tin tưởng. Các sứ mệnh mới vẫn chưa đóng vai trò gì trong quá trình này nhưng có thể chúng sẽ có ý nghĩa khidự đoán Chu kỳ Mặt trời 26”.

Vết đen của Mặt trời là dấu hiệu khởi đầu cho các vụ nổ và sự kiện giải phóng ánh sáng, vật chất và năng lượng vào không gian. Trong hơn một năm rưỡi qua, ngôi sao của chúng ta đã trải qua một thời kỳ yên ắng với hầu như không có vết đen nào trên bề mặt.

Việc hiểu rõ chu kỳ hoạt động của Mặt trời sẽ giúp các nhà khoa học dự đoán thời tiết không gian, cũng như tác động của nó đến hệ thống lưới điện, hàng không, GPS, tên lửa, vệ tinh và phi hành gia trong không gian, qua đó có sự chuẩn bị tốt nhất để giảm thiểu thiệt hại.

Long Hải (theo Space)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mặt trời bước vào chu kỳ hoạt động mới kéo dài 11 năm