Bộ KH-CN vừa phê duyệt danh mục đặt hàng 7 nhiệm vụ KH-CN Quỹ gien cấp Quốc gia thuộc Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gien đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 bắt đầu thực hiện từ năm 2021.
Bộ KH-CN thông báo tuyển chọn tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ Quỹ gien cấp quốc gia cho 7 nhiệm vụ.
Nhiệm vụ 1, Khai thác nguồn gien xạ khuẩn (Streptomyces sp. VNUA24, VNUA74 và VNUA116) để sản xuất chế phẩm sinh học kiểm soát bệnh Panama hại chuối. Trong đó, kết quả cần đạt được 3 chủng xạ khuẩn đã tuyển chọn từ bộ sưu tập (Streptomyces sp. VNUA24, VNUA74 và VNUA116) có hoạt tính đối kháng nấm Fusarium oxysporum f.sp.cubense được giải trình tự toàn bộ hệ gien, định danh đến loài và bảo đảm an toàn sinh học.
Xác định tối thiểu 3 gien liên quan đến quá trình tổng hợp các chất có hoạt tính sinh học của 3 chủng xạ khuẩn. Xác định và tinh sạch được ít nhất 1 hoạt chất sinh học từ các chủng xạ khuẩn đã tuyển chọn đối với nấm Fusarium oxysporum f.sp. cubense gây bệnh Panama trên chuối…
Nhiệm vụ 2, Khai thác và phát triển nguồn gien vi khuẩn (Pseudomonas putida, Ralstonia eutropha, Stenotrophomonas sp., Sphingomonas sp. và Streptomyces sp.) phân hủy hiệu quả hóa chất bảo vệ thực vật DDT và Lindane tồn dư trong đất để phục vụ nông nghiệp an toàn.
Nhiệm vụ 3, Khai thác phát triển nguồn gien vi khuẩn có khả năng cố định nitơ và sinh tổng hợp indole-3-acetic acid (IAA) ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, kết quả cần đạt được 3 chủng vi sinh vật có khả năng cố định nitơ (hiệu suất cố định nitơ >20 µg/ml) và sinh tổng hợp IAA (hiệu suất tổng hợp >50 µg/ml) được giải trình tự toàn bộ hệ gien, định danh đến loài và bảo đảm an toàn sinh học. 3 tấn phân hữu cơ vi sinh có mật độ vi sinh vật hữu ích mỗi loại ≥106 CFU/g, bảo quản được trong 12 tháng ở nhiệt độ phòng…
Nhiệm vụ 4, Nghiên cứu đánh giá tiềm năng di truyền và phát triển bền vững nguồn gien sắn địa phương Việt Nam. Nhiệm vụ yêu cầu cần đạt được tập đoàn 200 mẫu giống sắn địa phương thu thập ở 3 vùng miền Bắc, Trung và Nam; trong đó có khoảng 50 mẫu giống thu thập mới được bảo tồn, lưu giữ ở Ngân hàng gien cây trồng quốc gia. Cơ sở dữ liệu về đặc điểm nông sinh học (sinh trưởng, năng suất, chất lượng, chịu hạn, kháng vi rút gây bệnh khảm lá và các đặc trưng phân tử...) của 200 mẫu giống sắn. Bộ chỉ thị phân tử liên kết đến tính kháng vi rút gây bệnh khảm lá.
Ngoài 4 nhiệm vụ trên, Bộ KH-CN cũng phê duyệt 3 nhiệm vụ KH-CN Quỹ gien cấp quốc gia. Cụ thể, Nghiên cứu đánh giá đa dạng di truyền hệ vi khuẩn đường tiêu hóa nhằm định hướng điều trị một số bệnh liên quan ở người Việt Nam; Nghiên cứu đánh giá tiềm năng di truyền và phát triển một số nguồn gien nấm dược liệu quý (Vân chi - Trametes versicolor; Đầu khỉ - Hericium erinaceus; Linh chi đen - Ganoderma subresinosum); Hoàn thiện qui trình công nghệ và sản xuất chế phẩm probiotic từ nguồn gien vi khuẩn (Lactobacillus acidophilus) và nấm men (Sacharomyces boulardii) phục vụ chăn nuôi an toàn sinh học.
Lãnh đạo Bộ giao Vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành Kinh tế – Kỹ thuật phối hợp với Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Văn phòng Các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước tổ chức các Hội đồng KH-CN tuyển chọn/xét chọn và Tổ thẩm định nội dung và kinh phí các nhiệm vụ. Hồ sơ nhiệm vụ tuyển chọn được gửi về Bộ KH-CN trước ngày 9.11.2020.
Thu Anh