Đôi vai người thợ công trường cũng giống như giàn giáo, sức nặng càng lớn, áp lực càng nhiều thì càng dễ gãy. Và khi gãy thì chỉ máu của công nhân đổ.

Máu dưới các công trình

13/01/2017, 05:28

Đôi vai người thợ công trường cũng giống như giàn giáo, sức nặng càng lớn, áp lực càng nhiều thì càng dễ gãy. Và khi gãy thì chỉ máu của công nhân đổ.

Hiện trường một vụ tai nạn sập giàn giáo - Ảnh: Trường Trung

Trong những ngày cuối năm, tin tức về bức tranh sáng của thị trường bất động sản xuất hiện dày đặc trên mặt báo, chẳng hạn như chuyện vừa có thống kê thị trường bất động sản 2016 đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm hay có dự báo rằng năm 2017 hoạt động mua bán, sáp nhập bất động sản sẽ rất sôi động. Thị trường bất động sản phát triển, bộ mặt đô thị thay da đổi thịt là điều đáng mừng. Nhưng cái giá của những công trình biểu hiện sự phồn vinh đó bao gồm cả máu của người lao động.

Ngày 10.1, báo Sài Gòn Giải phóng đưa tin sập giàn giáo trung tâm thương mại Sài Gòn, nhiều người bị thương. Đến hôm sau lại có tiếp một vụ tai nạn lao động tại công trường xây dựng trên đường Võ Nguyên Giáp (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) khiến nhiều người nguy kịch, nguyên nhân cũng là sập giàn giáo. Lỗi tại ai? Thi công hay giám sát? Trước khi tìm ra câu trả lời và dù tìm được ai phải chịu trách nhiệm thì máu của công nhân cũng đã đổ xuống.

Tại sao tai nạn sập giàn giáo lại đến nhiều vào cuối năm? Phải chăng do bị thúc tiến độ để hoàn thành đúng khối lượng trước khi nghỉ Tết mà các đơn vị thi công thúc công nhân phải làm nhanh, mà đã nhanh thì khó cẩn thận. Hay do chủ đầu tư muốn công trình hoàn thành nhanh nên giám sát cũng dễ dãi chiều theo? Còn vì sao người ta muốn tiến độ thật nhanh thì câu trả lời đã nằm trong việc dự đoán thị trường bất động sản sẽ ăn nên làm ra trong năm mới. Vì lợi nhuận thị trường bất động sản lớn thì người ta muốn xây nhanh, xây nhiều mà càng nhiều càng nhanh thì yếu tố an toàn càng khó đảm bảo.

Quay trở lại việc nhu cầu bất động sản ngày càng lớn nhưng dường như nhân lực ngành này thì chưa đảm bảo. Đội ngũ mũ trắng (kỹ sư) thì chúng ta có nhiều, thậm chí nhiều sinh viên tốt nghiệp trường xây dựng vẫn chưa tìm được công việc đúng chuyên môn. Nhưng đội ngũ mũ vàng ở các công trường, hay cụ thể những công nhân đi dựng giàn giáo thì mấy ai được qua trường lớp đào tạo.

Vì khối lượng công việc lớn, không ít chủ thầu giao khoán công việc cho các thầu phụ. Các thầu phụ có thể là mấy ông cai khi thiếu người thì toàn gọi bà con, người cùng làng, cùng xã lên thành phố "làm công nhân". Những người nông dân vốn quen ruộng đồng vì hết việc ở quê nên lên TP làm ở các công trường. Họ thường không hề được đào tạo bài bản mà chỉ là lên học mót của nhau, kể cả việc dựng giàn giáo. An toàn lao động? Có khi họ chỉ được học trong vài giờ để hiểu là vào công trường phải đội mũ vàng, leo cao phải đeo đai an toàn... để được ký chứng nhận qua đào tạo.

Với công nhân, người họ sợ nhất là cai đội vì nếu làm chậm thì dễ bị cho thôi việc. Cai đội thì sợ nhất là thầu chính vì sợ làm chậm thì khỏi nhận phần việc tiếp theo. Còn thầu chính thì sợ trễ tiến độ với chủ đầu tư và bị phạt. Chủ đầu tư thì sợ làm không kịp sẽ chậm kiếm tiền. Nhiều cái sợ đó sẽ dồn lên nhau và cuối cùng dồn xuống vai người lao động, gồm cả những nông dân lên thành phố làm công nhân.

Đôi vai người thợ công trường cũng giống như giàn giáo, sức nặng càng lớn, áp lực càng nhiều thì càng dễ gãy. Và khi gãy thì chỉ máu của công nhân đổ. Thực tế thì tai nạn tại công trường xây dựng ở Việt Nam không phải hiếm, chỉ là trong những vụ nhỏ lẻ như rơi ngã hay bị điện giật thì phía người thuê thường chi tiền để mua im lặng. Người bị nạn khi được lợi trước mắt thường thỏa hiệp và họ cũng ngại đụng đến kiện tụng.

Năm tới, thị trường bất động sản càng sôi động, nhu cầu xây dựng càng lớn mà lượng công nhân xây dựng lành nghề vẫn thiếu thì sẽ càng có nhiều nông dân đi dựng giàn giáo. E rằng máu sẽ lại thấm trên các công trình.

Anh Tú

Bài liên quan
Tiền Giang: Nông dân trồng sầu riêng hữu cơ trúng mùa, trúng giá
Trong khi nhiều vườn sầu riêng ở ấp Hiệp Ninh, xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) mất mùa thì vườn cây sầu riêng của ông Trần Văn Nhựt lại có năng suất cao, trúng giá.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Máu dưới các công trình