Việc uống bia, rượu trong Tết đoàn viên của người Việt là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên, để niềm vui được trọn vẹn, mỗi người cần phải biết uống như thế nào là đủ và tránh tác hại đối với sức khỏe.
Tác hại của bia rượu phụ thuộc vào lượng cồn uống và tốc độ uống
Rượu bia là đồ uống chứa cồn, người uống cảm thấy hưng phấn, có ham muốn nhảy nhót, trò chuyện khi uống lượng nhỏ. Giai đoạn tiếp theo, một số người cảm thấy chóng mặt, choáng váng, đau đầu hoặc buồn ngủ. Đặc biệt, sử dụng quá nhiều rượu, bia, đồ uống có cồn có thể dẫn tới các vấn đề sức khỏe về tim mạch, gan, thận, tụy, thần kinh, nội tiết.
Uống chậm, đúng liều lượng, không pha rượu với các loại nước hoa quả, không uống khi đói, lựa chọn rượu nguồn gốc rõ ràng để tránh ngộ độc.
Theo các chuyên gia sức khỏe, tác hại của rượu bia không phụ thuộc vào loại đồ uống, mà phụ thuộc vào lượng cồn uống và tốc độ uống.
Một bác sĩ ở Viện Dinh dưỡng quốc gia mô tả cơ chế hoạt động của rượu khi vào cơ thể người sẽ hoạt động như sau: “Khoảng 5% -10% rượu được bài tiết qua phổi, thận và da; còn lại 90%-95% được chuyển đến gan để "xử lý". Ở gan, rượu được ôxy hóa thành nước và carbon dioxide, nhưng gan chỉ có thể ôxy hóa khoảng 2 đơn vị rượu mỗi ngày".
Một đơn vị rượu là 10 gr cồn tương đương 3/4 lon bia 330 ml; 135 ml rượu vang; 30 ml rượu whisky.
Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn, bác sĩ khuyến cáo mỗi ngày nam giới không nên uống quá 720 ml bia hoặc 300 ml rượu vang hoặc 60 ml rượu whisky. Đối với nữ giới, mỗi ngày không nên uống quá 360 ml bia hoặc 150 ml rượu vang hay 30 ml rượu whisky. Không để cho trẻ em và vị thành niên uống rượu bia. Cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần.
Sau khi uống, tuyệt đối không điều khiển xe hay tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn, dễ bị ngã, va chạm, chấn thương.
Mẹo để hạn chế tối đa tác hại của bia rượu với sức khỏe
- Trước khi uống rượu nên uống nước lọc, nước quả hoặc nước súp/súp hoặc nước canh và đồ ăn đặc biệt là rau xanh nhằm pha loãng nồng độ cồn của rượu, giảm kích ứng dạ dày. Nên ăn đồ ăn có nhiều protein khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu.
- Không nên uống rượu lúc đói bởi khi đói làm lượng cồn phối hợp với dịch vị tăng khả năng kích ứng dạ dày dẫn đến viêm loét dạ dày và chảy máu dạ dày.
- Không nên uống rượu với đồ uống có ga (nước giải khát có ga, bia) bởi lượng ga tăng khả năng hấp thu rượu vào trong máu. Cũng không nên uống rượu với caffeine vì rượu là một chất ức chế/trầm cảm làm chậm hoạt động của não và làm suy yếu khả năng đi lại, giao tiếp và suy nghĩ. Trong khi đó, caffeine là chất kích thích làm tăng huyết áp, nhịp tim và trong một số trường hợp, gây nhịp tim đập nhanh và nhịp tim không đều.
- Nên uống từ từ, chậm rãi nhằm giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày đồng thời giúp gan có thời gian để kịp ôxy hóa rượu giảm nguy cơ say và ngộ độc rượu
- Không ăn quả hồng và dùng cà rốt để chế biến các món nhậu khi uống rượu, bởi caroten trong những nguyên liệu này có thể phản ứng với rượu gây độc tố, ảnh hưởng xấu tới gan.
Ngoài ra, nếu uống rượu mà cảm thấy đau đầu, buồn nôn mất kiểm soát thì nên ngưng ngay và sử dụng những nguyên liệu tự nhiên như nước ép trái cây, chè xanh, nước chanh, nước lọc, gừng… để giải rượu, làm mát gan, giúp hồi phục cơ thể nhanh.
Thực tế cho thấy sử dụng rượu bia với lượng vừa phải, điều độ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng lại có lợi cho sức khỏe, nhất là sức khỏe tim mạch. Trong Đông y mô tả rượu có vị cay, tính ấm, kết hợp với các vị thuốc bổ khí huyết giúp khí huyết lưu thông và khiến da dẻ hồng hào.