Chúng tôi sẽ cố gắng phấn đấu trong năm 2023 này đưa Bệnh viện huyện Bình Chánh trở thành bệnh viện hạng 1 của TP.HCM.
BSCK2 Võ Ngọc Cường - Phó giám đốc điều hành Bệnh viện huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã nhấn mạnh như thế với phóng viên nhân dịp năm mới Quý Mão 2023.
Điều trị thành công nhiều ca bệnh khó
Trong những năm gần đây, người dân bất ngờ với việc các bệnh viện "vùng sâu vùng xa" ngoại thành TP.HCM như Bệnh viện huyện Củ Chi, Bệnh viện huyện Nhà Bè, Bệnh viện huyện Bình Chánh… chữa trị thành công nhiều ca bệnh khó, thậm chí còn ứng dụng thành công cả những kỹ thuật cao trong điều trị.
Bất ngờ bởi chỉ vài năm trước đây, những bệnh viện như vậy gần như chỉ khám và điều trị các bệnh thông thường, còn với bệnh cần can thiệp phẫu thuật thì gần như phải chuyển lên tuyến cuối.
Nếu như Bệnh viện huyện Nhà Bè được sự hỗ trợ chuyên môn toàn diện của Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu, nhất là kỹ thuật thay khớp háng toàn phần, thì Bệnh viện huyện Củ Chi sau khi được các bệnh viện tuyến cuối của TP chuyển giao kỹ thuật đã điều trị thành công những bệnh nhân tiên lượng nặng, suy hô hấp, đa chấn thương cũng như thực hiện thành công những kỹ thuật chuyên sâu như: điều trị gãy liên mấu chuyển xương đùi, thay khớp gối…
Đặc biệt, Bệnh viện huyện Bình Chánh hợp tác với hàng loạt bệnh viện tuyến cuối của TP như: Viện Tim, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện viện Chấn thương chỉnh hình, Viện Y dược học dân tộc… đã điều trị thành công nhiều ca bệnh khó, nhất là điều trị được cả đột quỵ và can thiệp thành công mạch vành.
Mới đây, Bệnh viện huyện Bình Chánh đã thực hiện thành công can thiệp mạch vành bằng kỹ thuật DSA (chụp mạch máu số hóa xóa nền) cho bệnh nhân T.T.A (64 tuổi, ngụ xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, bệnh tim thiếu máu cục bộ, viêm dạ dày đã nhiều năm.
Không những thế, bệnh viện còn thực hiện thành công thay máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho nhiều bệnh nhân, thời gian thực hiện không quá 50 phút.
“Sau hơn 20 năm đặt máy tạo nhịp tim tại bệnh viện tuyến trên với chẩn đoán suy nút xoang, rung nhĩ đáp ứng thất chậm, tăng huyết áp, đến cuối tháng 12.2022 vừa qua tôi quyết định đến Bệnh viện huyện Bình Chánh để thay máy tạo nhịp tim mới, với thời gian thực hiện 50 phút, khi máy tạo nhịp còn hạn sử dụng 1 tháng”, bà T.T.A (64 tuổi, ngụ xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) chia sẻ với phóng viên.
BSCK2 Võ Ngọc Cường - Phó giám đốc điều hành Bệnh viện huyện Bình Chánh cho biết bắt đầu từ tháng 8.2022 bệnh viện đã hợp tác với Viện Tim TP.HCM thực hiện chụp và can thiệp mạch vành bằng kỹ thuật DSA thành công cho 7 bệnh nhân; phối hợp với Bệnh viện Nhân dân 115 thành lập đơn vị đột quỵ mạch máu não, thận nhân tạo, nội soi can thiệp, phát triển ngoại tiết niệu; phối hợp với Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật vi phẫu nối mạch máu, thần kinh, thay khớp; phối hợp với Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp hỗ trợ chuyên môn về phục hồi chức năng và thành lập Trung tâm Phục hồi chức năng - Vật lý trị liệu; phối hợp với Viện Y dược học dân tộc hướng dẫn xây dựng phác đồ điều trị theo mô hình bệnh tật kết hợp phương pháp y học cổ truyền với y học hiện đại trong điều trị các bệnh mạn tính…
“Tới nay chúng tôi đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật khó trong điều trị bệnh nhân như: can thiệp mạch vành bằng kỹ thuật DSA, điều trị đột quỵ mạch máu não, chạy thận nhân tạo… Đây là những kỹ thuật mà cách đây vài năm, chúng tôi có mơ cũng không dám nghĩ tới, chứ đừng nói đến thực hiện thành công”, bác sĩ Cường nói.
Lập tổ chăm sóc khách hàng để làm hài lòng người bệnh
Để thu hút bệnh nhân, Bệnh viện huyện Bình Chánh còn thành lập bộ phận chăm sóc khách hàng. Đây là một trong số ít các bệnh viện tuyến quận huyện có được đội ngũ này, thậm chí nhiều bệnh viện tuyến cuối còn chưa có.
Việc thành lập bộ phận chăm sóc khách hàng, theo bác sĩ Cường là nhằm đổi mới hoạt động khám chữa bệnh theo hướng thay đổi thái độ phục vụ, nâng cao chất lượng, làm hài lòng người bệnh.
“Một tổ chăm sóc khách hàng được thành lập, nhân viên chăm sóc khách hàng thường xuyên có mặt tại các khu vực trong bệnh viện để đón đưa, hỗ trợ người bệnh, gọi điện thoại nhắc lịch tái khám... nhằm chăm sóc người bệnh một cách toàn diện nhất. Hệ thống công nghệ thông tin cũng được cải thiện, quy trình khám bệnh được cải tiến, rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân. Nhờ vậy, số lượng người bệnh đến ngày càng tăng, mỗi ngày bệnh viện tiếp đón khoảng 1.600 lượt người đến khám bệnh”, bác sĩ Cường tự hào nói.
Theo bác sĩ Cường, trong năm 2023 này, bệnh viện sẽ tập trung nâng số lượng nhân viên y tế có chuyên môn cao tại Khoa Cấp cứu - hồi sức tích cực - chống độc nhằm hạn chế chuyển viện, tăng bệnh nội trú các khoa lâm sàng để tạo sự tin tưởng cho người dân trong khu vực.
Ngoài ra, Bệnh viện huyện Bình Chánh sẽ tích cực hợp tác với các viện, trường: Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Y dược TP.HCM, Đại học Y Cần Thơ… với mục đích gửi nhân viên của bệnh viện đi đào tạo, thực hiện nghiên cứu khoa học, đặc biệt tiếp nhận giảng viên của trường cắm tại bệnh viện để hướng dẫn thực hành sinh viên, trực tiếp khám điều trị, hội chẩn những trường hợp khó, đào tạo nâng cao chuyên môn cho đội ngũ bác sĩ cơ hữu; tiếp tục phát triển chuyên khoa sâu như: Ngoại chấn thương chỉnh hình, Can thiệp mạch máu, Thận nhân tạo, Tạo hình thẩm mỹ, Phục hồi chức năng…
“Chúng tôi sẽ cố gắng phấn đấu trong năm 2023 này đưa Bệnh viện huyện Bình Chánh trở thành bệnh viện hạng 1 trực thuộc Sở Y tế TP.HCM”, bác sĩ Cường nhấn mạnh.