Microsoft công khai cáo buộc Google tiến hành "chiến dịch ngầm" để phá hoại hoạt động kinh doanh của mình và gây ảnh hưởng đến quy định về điện toán đám mây tại châu Âu.
Thế giới số

Microsoft cáo buộc Google tiến hành 'chiến dịch ngầm' để phá hoại hoạt động kinh doanh

Sơn Vân 22:28 29/10/2024

Microsoft công khai cáo buộc Google tiến hành "chiến dịch ngầm" để phá hoại hoạt động kinh doanh của mình và gây ảnh hưởng đến quy định về điện toán đám mây tại châu Âu.

Động thái này đánh dấu bước leo thang trong sự cạnh tranh giữa hai tập đoàn công nghệ Mỹ.

Trong bài đăng trên blog hôm 29.10, Rima Alaily (Phó tổng cố vấn của Microsoft) cáo buộc Google thiết kế một nhóm có tên Liên minh Đám mây Mở để làm thay đổi bối cảnh quản lý theo hướng có lợi cho các dịch vụ đám mây của họ. Nhóm này gồm Google và một số nhà cung cấp dịch vụ đám mây nhỏ hơn.

"Tuần này, một nhóm do Google tổ chức sẽ ra mắt. Nhóm này được tạo ra để làm mất uy tín của Microsoft với các cơ quan cạnh tranh và nhà hoạch định chính sách, đồng thời đánh lừa công chúng. Google phải trải qua rất nhiều nỗ lực để che giấu sự tham gia, tài trợ và quyền kiểm soát của mình, đáng chú ý nhất là bằng cách tuyển dụng một số ít nhà cung cấp dịch vụ đám mây ở châu Âu để làm bộ mặt đại diện cho tổ chức mới", Rima Alaily nói.

Một phát ngôn viên Google chia sẻ với trang Insider rằng công ty đã "công khai" những lo ngại liên quan đến việc cấp phép đám mây của Microsoft.

"Chúng tôi và nhiều người khác tin rằng các hoạt động chống cạnh tranh của Microsoft đã khóa chặt khách hàng và tạo ra những tác động tiêu cực về sau, tác động đến an ninh mạng, đổi mới và lựa chọn", người phát ngôn Google tuyên bố.

Nicky Stewart, cố vấn cấp cao của Liên minh Đám mây Mở, nói với Insider rằng nhóm này minh bạch về các thành viên của mình.

"Chúng tôi không chống lại bất kỳ công ty nào. Chúng tôi là một liên minh ủng hộ thị trường tập trung vào việc thúc đẩy các nguyên tắc sẽ củng cố thị trường dịch vụ đám mây ở châu Âu, chủ yếu là tính cởi mở và khả năng tương tác. Bất kỳ công ty nào chia sẻ những giá trị này, quan tâm đến một thị trường đám mây lành mạnh và phát triển mạnh mẽ đều nên tham gia cùng chúng tôi", Nicky Stewart nói.

Cuộc chiến đám mây

Lời cáo buộc công khai của Microsoft là bước đi bất thường có thể báo hiệu sự căng thẳng ngày càng gia tăng với Google.

Tháng trước, Google đã đệ đơn khiếu nại chống độc quyền với Microsoft lên Ủy ban châu Âu, cáo buộc đối thủ sử dụng các hoạt động cấp phép chống cạnh tranh để buộc các công ty phải tiếp tục sử dụng cơ sở hạ tầng đám mây Azure của mình.

Hai hãng công nghệ lớn của Mỹ cạnh tranh trên nhiều thị trường, gồm cơ sở hạ tầng đám mây, tìm kiếm, AI và phần mềm năng suất. Microsoft đã vượt qua Google về doanh số bán hàng đám mây.

Trong quý 2/2024, Google Cloud đạt doanh thu 10,35 tỉ USD, còn Microsoft Azure (thuộc nhóm Intelligent Cloud của công ty) báo cáo doanh thu đến 28,5 tỉ USD.

Năm 2023, Google Cloud đạt doanh thu 33,7 tỉ USD, còn nhóm Intelligent Cloud của Microsoft báo cáo doanh thu 96,8 tỉ USD.

Amazon Web Services, doanh nghiệp đám mây của gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon, là nhà cung cấp hàng đầu tính theo thị phần.

Rima Alaily cáo buộc Google cố gắng đánh lạc hướng sự giám sát của cơ quan quản lý sau các phán quyết chống độc quyền gần đây.

microsoft-cao-buoc-google-tien-hanh-chien-dich-ngam-de-pha-hoai-hoat-dong-kinh-doanh-dam-may.jpg
Microsoft cáo buộc Google tiến hành "chiến dịch ngầm" để phá hoại hoạt động kinh doanh của mình và gây ảnh hưởng đến quy định về điện toán đám mây tại châu Âu - Ảnh: Internet

Tại Mỹ, Bộ Tư pháp đang cân nhắc yêu cầu của một thẩm phán về việc chia tách Google. Trong hồ sơ tòa án hôm 8.10, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết đang xem xét yêu cầu của một thẩm phán buộc Google phải bán bớt các bộ phận kinh doanh đã giúp gã khổng lồ công nghệ duy trì thế độc quyền bất hợp pháp ở lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến.

Một số đối thủ cạnh tranh kêu gọi chia tách Google. Yelp kiện Google vào tháng 8, cho rằng việc tách trình duyệt Chrome và các dịch vụ AI của công ty nên được xem xét. Yelp là trang web đánh giá dịch vụ địa phương quy mô toàn cầu do công ty Yelp (Mỹ) điều hành.

Chưa hết, Yelp cũng muốn Google bị cấm ưu tiên các trang kinh doanh địa phương của mình, vốn cạnh tranh với họ, trong kết quả tìm kiếm.

Adam Epstein, Chủ tịch và đồng Giám đốc điều hành công ty quảng cáo tìm kiếm adMarketplace, nói mối đe dọa buộc Google phải bán một phần hoạt động kinh doanh có thể được sử dụng như cách để thúc ép họ đồng ý với những giải pháp nhẹ nhàng hơn nhằm khắc phục hành vi độc quyền của họ.

"Google sẽ không có động lực tuân thủ trừ khi họ có lưỡi gươm Damocles của việc chia tách treo trên đầu", Adam Epstein bình luận.

Cụm từ "lưỡi gươm Damocles" là thành ngữ dùng để chỉ mối đe dọa lớn hoặc sự nguy hiểm luôn rình rập. Ở đây, Adam Epstein muốn nói rằng Google sẽ không thực sự tuân thủ các biện pháp sửa đổi hoặc khắc phục nếu không có mối đe dọa nghiêm trọng như việc buộc phải bán hoặc chia tách một phần doanh nghiệp của họ.

DuckDuckGo kêu gọi tòa án yêu cầu Google tạo ra cơ hội cho các công ty khác có thể cải thiện công cụ tìm kiếm của mình bằng cách dựa trên dữ liệu và kết quả của mình, từ đó giúp tạo ra sự cạnh tranh công bằng hơn trong thị trường tìm kiếm trực tuyến.

Vào tháng 8, một thẩm phán liên bang Mỹ phán quyết rằng Google vi phạm luật chống độc quyền với công cụ tìm kiếm của mình. Không những thế, Google phải đối mặt với một vụ kiện chống độc quyền khác ở lĩnh vực quảng cáo trực tuyến.

Ngoài ra, Google phải chịu sự giám sát chống độc quyền với cửa hàng ứng dụng Android của mình. Trong phán quyết gần đây ở vụ kiện chống độc quyền đình đám của Epic Games (hãng phát triển game Fortnite), Thẩm phán James Donato tại Tòa án quận San Francisco đã ra lệnh cho Google mở Android cho các cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba.

Google lập luận rằng phán quyết của James Donato sẽ gây hại cho công ty, tạo ra "những rủi ro nghiêm trọng về an ninh và quyền riêng tư trong hệ sinh thái Android".

Hôm 18.10, James Donato đã chấp thuận yêu cầu từ Google để tạm hoãn lệnh buộc gã khổng lồ công nghệ này cải tổ cửa hàng ứng dụng Android (Play Store) trước ngày 1.11 nhằm mang lại nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng về cách tải phần mềm.

James Donato hoãn lệnh này để Tòa Phúc thẩm Liên bang Mỹ số 9 xem xét yêu cầu riêng từ Google về việc tạm dừng lệnh của ông. Tuy nhiên, James Donato từ chối yêu cầu khác từ Google về việc tạm dừng lệnh trong suốt thời gian kháng cáo của công ty.

"Chúng tôi hài lòng với quyết định của Tòa án quận San Francisco về việc tạm thời hoãn thực thi các biện pháp nguy hiểm mà Epic Games yêu cầu, trong khi Tòa Phúc thẩm Liên bang Mỹ số 9 xem xét yêu cầu của chúng tôi về việc tiếp tục hoãn thực thi trong quá trình kháng cáo", Google tuyên bố.

Epic Games gọi phán quyết của James Donato là một bước thủ tục và nói rằng tòa án "làm rõ rằng việc kháng cáo từ Google không có cơ sở và từ chối yêu cầu của họ về việc trì hoãn mở cửa các thiết bị Android cho sự cạnh tranh trong khi quá trình kháng cáo diễn ra".

Epic Games cáo buộc Google sử dụng "những lời dọa nạt và các mối đe dọa an ninh vô căn cứ để bảo vệ sự kiểm soát của họ với các thiết bị Android, đồng thời tiếp tục thu phí quá cao".

Trong vụ kiện của Epic Games, một bồi thẩm đoàn năm ngoái phán quyết Google đã độc quyền bất hợp pháp về cách người tiêu dùng tải ứng dụng trên thiết bị Android và cách họ thanh toán cho những giao dịch trong ứng dụng. Trong lệnh của mình, thẩm phán đã chấp nhận nhiều biện pháp mà Epic Games đề xuất sau phán quyết từ bồi thẩm đoàn.

Lệnh yêu cầu Google cho phép người dùng tải các nền tảng ứng dụng Android hoặc cửa hàng ứng dụng bên thứ ba cạnh tranh từ Play Store và cho phép sử dụng các phương thức thanh toán trong ứng dụng của đối thủ. Lệnh cũng cấm Google trả tiền cho các nhà sản xuất thiết bị để cài đặt sẵn cửa hàng ứng dụng của họ và chia sẻ doanh thu tạo ra từ Play Store với các nhà phân phối ứng dụng khác.

Google đã kháng cáo phán quyết chống độc quyền của bồi thẩm đoàn lên Tòa Phúc thẩm Liên bang Mỹ số 9. Google chưa trình bày các lập luận chống độc quyền của mình trước tòa phúc thẩm. Trước đó, gã khổng lồ công nghệ Mỹ cho rằng không thể coi họ là đơn vị độc quyền vì Play Store và App Store của Apple là hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp, và rằng lệnh từ James Donato sẽ buộc Google phải hợp tác kinh doanh với các đối thủ cạnh tranh một cách bất hợp pháp.

Thiết bị Android chiếm khoảng 70% thị phần smartphone trên thế giới. Một phần đáng kể doanh thu của Google Play Store đến từ game. Từ lâu Epic Games đã cố gắng thu phí loạt game do hãng phát triển mà không cần thông qua Google Play hay Apple Store (phải trả hoa hồng lên đến 30%).

Bài liên quan
Microsoft ra Office 2024 cho PC và Mac với những cải tiến lớn nhất ở Excel, PowerPoint, Outlook
Microsoft sẽ phát hành Office 2024 trong tuần này, được thiết kế dành cho những người không muốn đăng ký Microsoft 365.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Microsoft cáo buộc Google tiến hành 'chiến dịch ngầm' để phá hoại hoạt động kinh doanh